Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm: Người nông dân chuyên nghiệp phải có lòng yêu nước, phải có sức khỏe, có đạo đức

THDV Chủ nhật, ngày 11/09/2022 19:30 PM (GMT+7)
Trả lời Dân Việt, bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: Người nông dân chuyên nghiệp phải có lòng yêu nước, có sức khỏe, đạo đức. Sản xuất là phải vì sức khỏe của của bản thân mình, vì sức khỏe của cộng đồng.
Bình luận 0

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề: "Người nông dân chuyên nghiệp" được tổ chức vào sáng 12/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội) với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu. Đây là sự kiện lớn, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao cho Báo Nông thôn ngày nay chủ trì, tổ chức thực hiện.

Trước khi sự kiện diễn ra Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, bà Bùi Thị Thơm, đã có buổi trả lời phỏng vấn trên báo Dân Việt. 

Người nông dân chuyên nghiệp cần có những yếu tố nào?

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm: Người nông dân chuyên nghiệp là phải hội tụ được một số các nhóm ưu tú nổi bật.

- Đối với người nông dân chuyên nghiệp thì chưa có một khái niệm chính thức nào. Mặc dù nội dung người nông dân chuyên nghiệp cũng đã được đề cập ở trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong Nghị quyết của Đại hội XIII cũng như là trong Nghị quyết 19 vừa rồi cũng nói nhiều đến xây dựng người nông dân văn minh. Vậy người nông dân chuyên nghiệp theo tôi là phải hội tụ được một số các nhóm ưu tú như sau:

 Thứ nhất, người nông dân chuyên nghiệp phải là người có tri thức, là người phải có kiến thức và tư duy kinh tế mà nhất là những kiến thức về khoa học kỹ thuật, về quản trị và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, những kiến thức về thị trường ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để giúp người nông dân biết phát triển, để đóng góp vào xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Thứ hai, người nông dân chuyên nghiệp là phải có tư duy đổi mới và sáng tạo, phải biết sản xuất ra những thứ mà thị trường cần, theo nhu cầu thị trường chứ không phải sản xuất ra những thứ mà mình có và phải thấy được cái sức mạnh của tinh thần hợp tác. Trên cơ sở đó đẩy mạnh những các hoạt động hợp tác, liên kết giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với doanh nghiệp. Thứ ba, người nông dân chuyên nghiệp, phải có lòng yêu nước, phải có sức khỏe, phải có đạo đức, sản xuất phải vì sức khỏe của của bản thân mình và cộng đồng, hay nói khác là sản xuất phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phải có trách nhiệm với cộng đồng và cùng với tập thể để xây dựng một cộng đồng văn minh. Thứ tư, mà tôi suy nghĩ đến đó là người nông dân chuyên nghiệp phải có kỹ năng và năng lực để xây dựng một gia đình văn minh, hạnh phúc và phải có ý chí, khát vọng vươn lên, đồng thời đóng góp để mà xây dựng quê hương, đất nước.

Thứ năm, yếu tố cuối cùng ở đây là người nông dân chuyên nghiệp thì phải biết tạo ra những cơ hội, những điều kiện để được tiếp cận với các dịch vụ công cộng cũng như những phúc lợi xã hội để rút ngắn cái khoảng cách đối với cư dân ở đô thị.

Nếu như một người nông dân hội tụ được đủ các nhóm yếu tố đó thì đây chính là mẫu hình của một người nông dân chuyên nghiệp và khi đã là một người nông dân chuyên nghiệp rồi. Một người nông dân có kiến thức và tri thức thì họ có thể làm chủ, phát huy được vai trò là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới và chính họ quyết định được hướng đi của mình đểnâng cao đời sống, thu nhập cho gia đình cũng như đóng góp cho cộng đồng và cho xã hội.

Hội Nông dân Việt Nam có vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ người nông dân Việt Nam ngày càng thay đổi và hướng tới trở thành người nông dân chuyên nghiệp?

Phải tăng cường trang bị kiến thức cho người nông dân thông qua các lớp đào tạo, tập huấn bồi dưỡng

- Để hỗ trợ người nông dân trở thành người nông dân chuyên nghiệp trước tiên phải làm thật tốt công tác tuyên truyền để cho người nông dân nắm được những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nhất là những vấn đề đặt ra hiện nay.

Phải tăng cường trang bị kiến thức cho người nông dân thông qua các lớp đào tạo, tập huấn bồi dưỡng để giúp cho người nông dân có những năng lực trong quản trị cũng như trong tổ chức sản xuất tiên tiến và khi mà người ta đã có kiến thức thì người ta sẽ làm chủ và người ta sẽ quyết định được con đường đi của mình.

Các cấp hội cần tổ chức thật tốt các cái hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, nhất là đào tạo nghề cho nông dân, định hướng dẫn dắt cho nông dân và giúp cho nông dân thay đổi tư duy về sản xuất kinh doanh để phù hợp với yêu cầu hiện nay.

Các cấp hội cũng phải thực hiện tốt, phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với nông dân, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của nông dân để phản ánh với các cấp ủy Đảng, chính quyền. Phải làm thật tốt các cái hoạt động giám sát và phản biện xã hội, nhất là tham mưu, đề xuất các chính sách để giúp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Cùng với đó thì phải làm tốt công tác khai thác các nguồn lực, tổ chức các hoạt động để giúp nông dân có nguồn vốn, có điều kiện để phát triển, mở mang trong sản xuất và kinh doanh. Hội nông dân các cấp phải có một cái nhiệm vụ mà tôi cho rằng hết sức quan trọng, đó là phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền rồi phối hợp với lại các ngành chức năng, các tổ chức, các doanh nghiệp, các hiệp hội để tạo ra những cơ chế, những chính sách giúp cho người nông dân có đủ điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập cho gia đình và tiếp tục là đóng góp cho cộng đồng và cho xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề: "Người nông dân chuyên nghiệp" được tổ chức vào sáng 12/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội) với sự tham gia của khoảng 500 đại biểu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem