Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Xác định quy hoạch khu nuôi thủy sản lâu dài để đảm bảo quyền lợi của dân
Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Xác định quy hoạch khu nuôi thủy sản lâu dài để đảm bảo quyền lợi của dân
Khánh Nguyên
Thứ năm, ngày 21/04/2022 15:15 PM (GMT+7)
Chia sẻ tại Tọa đàm "Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Cơ hội và thách thức", ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, để phát triển nuôi thủy sản ven biển bền vững, cần đảm bảo việc quy hoạch lâu dài, có sự tham gia góp ý của người dân.
Người nuôi ngao, cá bống bớp thấp thỏm lo bị thu hồi đất
Đại diện cho những hộ nuôi ngao ở Kiến Thụy (Hải Phòng), ông Vũ Trí Tuân - Hội trưởng Hội nuôi ngao Kiến Thụy (Hải Phòng) cho biết, ông và nhiều hộ nuôi ngao ở Kiến Thụy đang rất băn khoăn, lo lắng khi nguồn sinh kế, công việc nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.
"Hiện, Hải Phòng có 2 vùng nuôi ngao lớn là Cát Hải và Đồ Sơn. Người dân tham gia nuôi nhuyễn thể từ năm 2009, được các cơ quan chức năng đã hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuận nên thời gian đầu làm ăn thuận lợi. Tuy nhiên từ 2014 đến nay, UBND TP.Hải Phòng cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản khiến vùng nuôi ngao của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng" - ông Tuân nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sơn và những nông dân nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng, Nam Định lại lo diện tích đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi phục vụ cho xây dựng khu công nghiệp.
"Nghĩa Hưng quê tôi có tiềm năng phát triển cá bống bớp – loại cá có thể chưa quen thuộc với nhiều người nhưng là loại có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại lợi ích kinh tế lớn. Trung bình sản lượng mỗi năm của chúng tôi đạt 2.000 tấn/ năm, giá xuất sang Trung Quốc là 320.000 đồng/kg, với mỗi ha nuôi cá bống bớp, nông dân lãi 400-500 triệu đồng/năm. Đặc biệt, loại cá này chỉ phát triển tốt nhất ở vùng Nghĩa Hưng, Nam Định" - ông Sơn cho biết.
Trước nguy cơ diện tích nuôi trồng thủy sản ở Cồn Xanh (Nghĩa Hưng, Nam Định) bị thu hồi để xây dựng khu công nghiệp, ông Sơn kiến nghị, các địa phương, ngành chức năng quy hoạch và phát triển vùng nuôi ổn định.
"Nông dân chúng tôi mong muốn sớm có vùng nuôi được đầu tư bài bản, lâu dài để bà con yên tâm sản xuất" - ông Sơn kiến nghị.
Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản lâu dài, ổn định để dân yên tâm sản xuất
Chia sẻ tại tọa đàm "Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững: Cơ hội và thách thức" do báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức ngày 20/4, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, các địa phương cũng có sức ép về phát triển kinh tế khi phát triển công nghiệp mang lại thu nhập cao hơn nên bắt buộc phải thu hồi đất nông nghiệp.
"Theo tôi, để tránh việc gây bức xúc cho dân, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất ổn định, lâu dài mà không ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ của địa phương, khi xây dựng quy hoạch tổng thể, lãnh đạo các địa phương phải hoạch định được ngay từ đầu, khu nào có lợi thế nuôi trồng thủy sản thì bảo vệ tuyệt đối, hỗ trợ nông dân sản xuất ổn định" - ông Tuấn nói.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, khi xây dựng bất kỳ quy hoạch nào phải lấy ý kiến cộng đồng, nhưng thực tế nhiều khi những nông dân trực tiếp sản xuất chưa chắc đã được lấy ý kiến, dẫn đến một số doanh nghiệp, người dân còn băn khoăn, lo ngại trong quá trình sản xuất.
Trong khi đó, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, đối với các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển cần giao mốc trên mặt biển, tránh nuôi trồng theo kiểu tự phát vì thực tế hiện nay những vùng nuôi ven bờ đang bị quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Phạm Anh Tuấn nhận định: Trong bối cảnh biến đối khí hậu càng phức tạp thì tiềm năng nuôi trồng thủy sản càng có nhiều cơ hội để phát triển tốt hơn, bền vững hơn. Chưa kể về mặt thị trường thì các loại thủy sản ven biển có giá trị kinh tế cao và được được thị trường ưa chuộng hơn, cung luôn không đáp ứng đủ cầu…
Vì những lý do trên mà chúng ta cần coi việc nuôi trồng thủy sản là mục tiêu then chốt để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.