Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm nơi nào ở Hà Nội mà cả làng cùng làm chỉ 1 nghề?

Thu Hà Thứ ba, ngày 23/03/2021 14:10 PM (GMT+7)
Mô hình sản xuất thuốc Nam người Dao Ba Vì là 1 trong những mô hình đặc sắc trên địa bàn huyện Ba Vì, Hà Nội. Trong khuôn khổ chuyến làm việc với huyện Ba Vì, vừa qua, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính và đoàn công tác đã thăm mô hình sản xuất thuốc Nam của người Dao ở xã Ba Vì.
Bình luận 0

Phát triển nghề thuốc Nam của người Dao Ba Vì

Ngày 22/3, ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đến thăm Tổ hội sản xuất thuốc Nam người Dao ở xã Ba Vì.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm nơi cả làng là người Dao làm nghề thuốc Nam - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính trao đổi với thành viên Tổ hội sản xuất thuốc Nam ở Ba Vì.

Dẫn đoàn công tác đi trên những con đường nhựa liên thôn, liên xã trải xi măng phẳng lỳ, anh Triệu Văn Cường – Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Vì cho biết: Xã Ba Vì có 98% dân số là người Dao. Người Dao Ba Vì nổi tiếng với nghề thuốc Nam với nhiều bài thuốc quý.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Vì cho biết: Trước đây, các con đường trong xã là đường đất, nhỏ hẹp, xuống cấp nên việc đi lại của bà con rất khó khăn. Trước đây, nguồn thuốc chính của người Dao ở Ba Vì được khai thác trên núi Ba Vì. Nơi đây có hơn 500 loài dược liệu, trong đó có nhiều loài quý và đặc hữu.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm nơi cả làng là người Dao làm nghề thuốc Nam - Ảnh 2.

Thso các hộ dân người Dao ở Ba Vì, Từ thuốc lá bốc thuốc Nam theo thang, bà con đã có thêm nhiều các loại thuốc Nam nghiền bột, nấu cao cô đặc, rất thuận tiện cho người tiêu dùng, không phải đun hay sắc mất nhiều thời gian.

Người Dao ở Ba Vì đi rừng nhiều, lại thường đi chân đất nên người Dao những thế hệ trước thường có đôi bàn chân to hơn người bình thường. Sau này, việc tìm kiếm, thu hái cây thuốc của bà con thuận lợi hơn nhờ đôi ủng bảo hộ. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Chính phủ, bà con tự trồng cây thuốc tại vườn nhà, không còn vào rừng khai thác như trước đây.

Vừa khuấy nồi thuốc lớn đang sôi lăn tăn, bốc hơi nghi ngút trên bếp củi, chị Lý Thị Bích Phượng – thành viên Tổ hội sản xuất thuốc Nam ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì cho biết: Đây là thuốc cao chữa xương khớp và bồi bổ sức khỏe. Nồi cao này phải nấu bằng hơn 70 vị thuốc. Người Dao ở Ba Vì đặc biệt nổi tiếng với một số bài thuốc chữa xương khớp, các loại thuốc, lá tắm cho phụ nữ sau sinh.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm nơi cả làng là người Dao làm nghề thuốc Nam - Ảnh 3.

Chị Lý Thị Bích Phượng – thành viên Tổ hội sản xuất thuốc Nam ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì cho biết: Đây là thuốc cao chữa xương khớp và bồi bổ sức khỏe. Nồi cao thuốc Nam của người Dao Ba vì có đến hơn 70 vị thuốc quý.

Theo chị Bích: Trước đấy, người Dao ở Yên Sơn thường gùi thuốc đến các chợ trong xã, trong huyện bán. Mấy năm trở lại đây, với sự phát triển của công nghệ, những thế hệ trẻ nối nghiệp ông cha như chị Bích đã sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo để quảng bá giới thiệu nên việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Vì Triệu Văn Cường cho biết: Từ xã miền núi khó khăn, nhờ cây thuốc, đời sống của người Dao Ba Vì đã bớt vất vả. Tuy nhiên, người Dao Ba Vì và các thành viên Tổ hội sản xuất thuốc Nam ở xã Ba Vì vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng thương hiệu thuốc Nam của người Dao Ba Vì.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm nơi cả làng là người Dao làm nghề thuốc Nam - Ảnh 4.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Phó Chủ tịch Hội NDVN Đinh Khắc Đính đã thăm mô hình trồng chè VietGAP xã Ba Trại, Ba Vì, Hà Nội.

Phát triển Tổ hội nghề nghiệp sản xuất thuốc Nam của người Dao Ba Vì gắn với mô hình nông nghiệp sinh thái

Trước đó, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN về đẩy mạnh xây Chi Hội nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội nông dân nghề nghiệp và xây dựng mô hình giảm nghèo các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Vì, Chủ tịch Hội ND huyện Đinh Thị Bích Hảo cho biết: Ba Vì có 7 xã miền núi với dân số 77.489 người/18.546 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 20.898 người/7.833 hộ (chiếm khoảng 37,1% dân số vùng dân tộc). 

Tổng số hội viên nông dân 7 xã miền núi là 9.089 người trong đó hội viên nông dân là người dân tộc 3.756 hội viên (chiếm 41%).

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm nơi cả làng là người Dao làm nghề thuốc Nam - Ảnh 5.

Tại buổi làm việc với Huyện uỷ Ba Vì, Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính đề nghị, cấp ủy, chính quyền huyện Ba Vì tạo điều kiện thuận lợi cho Hội ND huyện Ba Vì tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 04 về xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 05/8/2019 của Ban chấp hành HND Việt Nam "về đẩy mạnh xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp", tính đến hết năm 2020, Ba Vì đã thành lập được 2 Chi hội nông dân nghề nghiệp, với 39 hội viên tham gia; 74 Tổ hội nông dân nghề nghiệp với 977 hội viên tham gia.

Trên cơ sở Tổ hội hông dân nghề nghiệp đã thành lập, Hội tiếp tục hướng dẫn xây dựng phát triển thành lập được 74 Tổ hợp tác (gắn với 74 Chi, Tổ hội nông dân nghề nghiệp). Riêng 7 xã miền núi thành lập được 1 Chi hội (Chi hội sản xuất miến Dong thôn Minh Hồng - xã Minh Quang) với 19 hội viên tham gia; 22 Tổ hội với 358 hội viên tham gia, trong đó có 132 hội viên là người dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm nơi cả làng là người Dao làm nghề thuốc Nam - Ảnh 6.

Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính nhấn mạnh mô hình Tổ hội sản xuất thuốc Nam Ba Vì, mô hình Tổ hội trồng chè VietGAP Ba Trại đều là những mô hình đặc sắc trên địa bàn huyện Ba Vì.

Đáng chú ý, để hội viên, nông dân 7 xã miền núi có điều kiện phát triển kinh tế, Hội ND tích cực hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.

Cụ thể: Về nguồn vốn Quỹ HTND: Hội ND các cấp trong huyện cũng đã quan tâm cho hội viên nông dân 7 xã miền núi vay vốn hơn 48 tỷ đồng. Riêng 7 xã miền núi đang quản lý là hơn 11 tỷ đồng cho 535 hội viên vay.

Bên cạnh đó, Hội ND huyện còn phối hợp với các ngân hàng uỷ thác cho hội viên nông dân 7 xã miền núi hơn 111 tỷ đồng cho hơn 2.300 hội viên vay vốn.

Thông qua các nguồn vốn vay, hội viên nông dân 7 xã miền núi trong huyện đã đầu tư để phát triển các mô hình kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo.

Khu vực 7 xã miền núi huyện Ba Vì ngày càng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả kinh tế cao như: Tổ hội chăn nuôi bò thịt, bò sữa ở các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài với quy mô đạt trên 12.000 con; Tổ hội sản xuất chè búp khô ở các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài với tổng diện tích trồng chè trên 1.800ha, giữ vững và phát triển thương hiệu "Chè Ba Vì"; Tổ hội sản xuất chè sạch với diện tích 40ha ở xã Ba Trại; mô hình sản xuất miến dong ở các thôn Minh Hồng (xã Minh Quang), Ninh (xã Khánh Thượng), Hợp nhất (xã Ba Vì); Tổ hội sản xuất thuốc Nam ở xã Ba Vì…

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thăm nơi cả làng là người Dao làm nghề thuốc Nam - Ảnh 7.

Từ xã miền núi khó khăn, nhờ cây thuốc, đời sống của người Dao Ba Vì đã bớt vất vả. Tuy nhiên, người Dao Ba Vì và các thành viên Tổ hội sản xuất thuốc Nam ở xã Ba Vì vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng thương hiệu thuốc Nam của người Dao Ba Vì.

Các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, mà còn giải quyết việc làm cho 350 - 500 lao động mỗi năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,79% (2.458 hộ nghèo) cuối năm 2015, xuống còn 1,116% (207 hộ nghèo) cuối năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người vùng núi cuối năm 2020 đạt 40 triệu đồng/người/năm, mỗi năm tăng thêm bình quân trên 2 triệu đồng/người.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính đề nghị, cấp ủy, chính quyền huyện Ba Vì cần tạo điều kiện thuận lợi cho Hội ND huyện Ba Vì tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 05/8/2019 của Ban chấp hành HND Việt Nam "về đẩy mạnh xây dựng Chi Hội nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp".

Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng chi tổ hội nghề nghiệp, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính đề nghị, Hội ND huyện Ba Vì cần rà soát lại việc phát triển của Chi hội nghề nghiệp và tiếp tục nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các chi tổ hội nghề nghiệp. Đặc biệt, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương như: Gà đồi Ba Vì, miến dong Minh Hồng, thuốc Nam người Dao Ba Vì...

Cùng với tập trung nguồn lực phát triển các mô hình nông nghiệp đặc sắc như mô hình thuốc Nam người Dao Ba Vì, mô hình trồng chè VietGAP... Phó Chủ tịch Hội NDVN cũng gợi ý huyện Ba Vì gắn với việc phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, mô hình nông nghiệp trải nghiệm... Qua đó, góp phần phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng sản phẩm hàng hóa, giá trị cao.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trọng tâm là nhân rộng những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ các mô hình chi tổ hội nghề nghiệp.

Hội ND huyện và Phòng dân tộc huyện Ba Vì cần xây dựng quy chế phối hợp giữa 2 đơn vị để cùng thảo luận, đưa các giải pháp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện Ba Vì có các chính sách, cơ chế hỗ trợ hội viên nông dân 7 xã miền núi giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.


Tại các mô hình, Phó Chủ tịch Hội NDVN Đinh Khắc Đính đánh giá cao sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của hội viên nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số các xã miền núi. Mô hình sản xuất thuốc Nam Ba Vì, mô hình trồng chè VietGAP Ba Trại đều là những mô hình đặc sắc trên địa bàn huyện Ba Vì.

Đối với những kiến nghị của Hội ND 7 xã miền núi huyện Ba Vì, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Đinh Khắc Đính yêu cầu Hội ND huyện Ba Vì cần tổng hợp, đề xuất Hội ND TP Hà Nội phối hợp với các sở, ngành để tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân huyện Ba Vì nói chung và hội viên nông dân 7 xã miền núi nói riêng. Đối với Hội ND Ba Vì, Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính đề nghị trong năm 2021 phấn đấu xây dựng 1 mô hình chuỗi giá trị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem