Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định, 60 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân ta lại tổ chức Tết trồng cây. Từ đó đến nay, Tết trồng cây đã trở thành tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày vui xuân đón Tết, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường và góp phần phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh trống phát động lễ trồng cây.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, ngày nay, do tác động cực đoan của biến đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống của con người trên trái đất, trong đó có Việt Nam, việc trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa, chiến lược to lớn và hết sức quan trọng.
Phó Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể đồng bào hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ; trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn đất, bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; trồng rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát, chắn sóng, vùng đất trống, đồi trọc... sao cho phù hợp với điều kiện của từng nơi, từng vùng; đồng thời nâng cao ý thức và có nhiều biện pháp cụ thể thiết thực để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép... Làm tốt điều này, chính là hành động cụ thể thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.
Ông Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ phát biểu tại lễ phát động trồng cây.
Học sinh hưởng ứng Tết trồng cây do Phó Chủ tịch nước phát động.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ, đồng chí Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh đã bày tỏ quyết tâm hưởng ứng Tết trồng cây do Phó Chủ tịch nước phát động. Theo kế hoạch, năm 2020, tỉnh Phú Thọ sẽ phấn đấu trồng hơn 10.000ha rừng tập trung, hơn 3.000ha rừng trồng cây gỗ lớn, trồng cây phân tán ven đường giao thông, các khu đô thị, khu dân cư… Đồng thời, đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ rừng; áp dụng các tiến bộ khoa học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp; đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tăng trưởng xanh và bền vững…
Ngay sau lễ phát động, Phó Chủ tịch nước và các đại biểu đã trồng cây tại đồi Phú Bùng, thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng.
Trong đợt trồng cây tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng này sẽ trồng 750 cây, trên diện tích khoảng 2ha và đa phần là cây gỗ lớn như chò chỉ, kim giao, long não…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.