Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Báo chí cần thay đổi để đáp ứng sự kỳ vọng!
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Báo chí cần thay đổi để đáp ứng sự kỳ vọng!
Nhóm PV Dân Việt
Thứ tư, ngày 21/06/2023 06:00 AM (GMT+7)
Trước thềm kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với nhà báo Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Đức Lợi đánh giá chuyển đổi số là nhu cầu thực tế nhu cầu thực sự, nhu cầu tự thân của các cơ quan báo chí.
Ông đánh giá thế nào về vai trò đồng hành cùng xã hội của báo chí thông qua các tác phẩm dự Giải Báo chí quốc gia năm nay (sẽ trao vào tối 21/6)?
- Thông qua các tác phẩm báo chí, trong đó có các tác phẩm tham dự Giải Báo chí quốc gia năm 2022, đặc biệt hơn là những tác phẩm báo chí đã lọt vào vòng chung khảo, tôi nhận thấy báo chí năm qua đã phản ánh khá đầy đủ, khá toàn diện và khá kịp thời những vấn đề, những sự kiện lớn của đất nước.
Trước hết, về chủ đề xây dựng Đảng, xây dựng đất nước, trong các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo có khá nhiều tác phẩm có chất lượng rất cao, được đầu tư công phu. Có những tác phẩm đầu tư áp dụng loại hình báo chí mới, cách thức làm báo mới phản ánh về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
"Tôi nghĩ rằng các cơ quan báo chí cần phải chuyển đổi số. Đây là nhu cầu cấp thiết và sống còn của cơ quan báo chí. Nếu cơ quan báo chí không chuyển đổi số, trong một thời gian sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, tự loại mình ra khỏi đời sống báo chí".
Ông Nguyễn Đức Lợi
Lĩnh vực thứ hai, năm vừa qua là thời gian phát triển và khôi phục nền kinh tế sau đại dịch. Chủ đề này được phản ánh rộng rãi, đa dạng trong các tác phẩm báo chí dự thi Giải báo chí quốc gia. Cụ thể như, sau thời trầm lắng ta đã có những bước phát triển, khôi phục kinh tế rất ngoạn mục, kể cả vấn đề kinh doanh sản xuất, xuất nhập khẩu… Đây là chủ đề chiếm tỷ lệ khá lớn trong số các tác phẩm báo chí đã lọt vào vòng chung khảo giải Báo chí quốc gia.
Một lĩnh vực khác, chúng ta biết rằng trong thời gian rất dài, báo chí đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, chống tiêu cực, có khá nhiều tác phẩm báo chí đề cập đến lĩnh vực này. Trong nhiều trường hợp, Hội đồng Giải Báo chí quốc gia còn mong muốn tỷ lệ này cân bằng hơn. Thực tế, trong những năm gần đây nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao lọt vào vòng trong của Giải Báo chí quốc gia đề cập đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chiếm tỉ lệ khá cao.
Nhưng chúng ta không nên quá tập trung toàn bộ vào chủ đề này, chúng ta cần có những tác phẩm báo chí đề cập đến những mảng tươi sáng hơn của đời sống xã hội. Làm thế nào để bức tranh xã hội báo chí tạo nên có nhiều mảng sáng hơn, giảm bớt những mảng tối.
Với các tác phẩm báo chí có tác động đến xã hội, ông đánh giá thế nào về vai trò, sự dấn thân của các nhà báo?
- Để có được tác phẩm báo chí chất lượng đòi hỏi nhà báo phải dấn thân, vào cuộc, thâm nhập thực tế, thâm nhập thực sự vào cuộc sống chứ không phải nhà báo ngồi trong phòng, làm việc tại tòa soạn để sáng tác ra các tác phẩm báo chí. Tác phẩm báo chí được sinh ra từ thực tế cuộc sống. Điều đó cho ta thấy nhà báo phải có sự vào cuộc, thâm nhập thực tế và có sự dấn thân. Qua các tác phẩm báo chí dự Giải Báo chí quốc gia, ta thấy rằng sự dấn thân này được thể hiện rất rõ. Các tác phẩm báo chí đã mang hơi thở cuộc sống thực sự. Đó là điểm khác biệt giữa tác phẩm báo chí và tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học có yếu tố hư cấu, còn tác phẩm báo chí là hiện thực cuộc sống.
Rất nhiều tác phẩm báo chí phát hiện ra những vấn đề mà có thể người dân bình thường không nhìn ra được. Nhưng nhà báo, với chức năng, vai trò và nhiệm vụ của mình họ đã phát hiện ra và phản ánh vào các tác phẩm báo chí.
Đòi hỏi nhà báo phải dấn thân
Theo ông, các cơ quan báo chí, người làm báo trong năm vừa qua đã hoàn thành nhiệm vụ chưa, đã đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và của nhân dân hay chưa?
- Qua đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như ý kiến của người dân, chúng ta thấy rằng báo chí đã hoàn thành tốt vai trò của mình. Tất nhiên nếu xét ở góc độ kỳ vọng, các nhà báo chúng ta tự nhận thấy chưa thực sự làm được đúng như kỳ vọng. Chúng ta còn rất nhiều tiền đề báo chí làm tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình. Chúng ta đã có được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân đó là điều kiện rất quan trọng.
Nhưng chúng tôi nghĩ nhà báo cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa đặc biệt trong vấn đề nâng cao nhận thức, kiến thức của mình, cụ thể là nhận thức về mặt chính trị, tư tưởng cũng như kĩ năng làm báo. Nếu làm được việc đó, mức độ đóng góp của báo chí còn cao hơn, sự đáp ứng còn tốt hơn so với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Riêng trong công tác xây dựng Đảng, tôi có thể khẳng định trong thời gian qua đặc biệt là sau Đại hội XIII của Đảng, vai trò của báo chí trong công tác xây dựng Đảng được thể hiện rất rõ. Có nhiều bài báo, tác phẩm báo chí đóng góp vào việc xây dựng, ban hành và thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước… Tôi cho rằng đây là chức năng mà báo chí đã làm tốt trong thời gian vừa qua.
Ngoài ra, như tôi đã nói, báo chí còn có chức năng đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể nói trong những vụ chống tham nhũng, tiêu cực lớn báo chí đã tham gia phát hiện, theo đuổi và phổ biến thông tin đến với người dân. Chống lại tham nhũng, tiêu cực là đóng góp rất lớn trong công tác xây dựng Đảng. Tôi cho rằng đây là việc chúng ta làm tương đối tốt. Tất nhiên, có nhiều việc chúng ta cần làm tốt hơn nữa, đặc biệt chúng ta tuyên truyền thế nào để "phòng quan trọng hơn chống" trong việc chống tham nhũng, chống tiêu cực trong xã hội.
Tập trung nguồn lực cao nhất cho nội dung
Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi số báo chí, như ông đã từng phát biểu "chúng ta có một chiếc áo mới nhưng phải giữ được bản chất cốt lõi của báo chí". Vậy theo ông, bản chất cốt lõi ở đây là gì để cơ quan báo chí và người làm báo vượt qua được thách thức của trí tuệ nhân tạo hay của truyền thông mạng xã hội trong thời đại hiện nay?
- Trong một tác phẩm báo chí chúng ta có nội dung và hình thức thể hiện. Chúng ta vẫn biết lâu nay có một câu khẩu hiệu "nội dung là vua". Nhưng gần đây lại có thêm câu "công nghệ là hoàng hậu". Nhưng tôi cho rằng với báo chí, nội dung vẫn là điều quan trọng nhất quyết định chất lượng cũng như hiệu quả của tác phẩm báo chí.
Tôi thấy, trong mọi trường hợp chúng ta phải chú trọng nội dung, tập trung nguồn lực cao nhất cho nội dung. Tất nhiên, nội dung đó muốn đến được với độc giả, công chúng thì chúng ta phải dùng phương tiện, trong đó có công nghệ. Chúng ta biết rằng, bây giờ cách tiếp cận thông tin của công chúng, của xã hội khác rất nhiều. Cả xã hội, cả hệ thống chuyển đổi số thì báo chí cũng không thể đứng ngoài xu hướng này. Đây không phải "trend" cũng không phải một phong trào. Đây là nhu cầu thực tế nhu cầu thực sự, nhu cầu tự thân của các cơ quan báo chí. Chúng ta phải chuyển đổi số để phục vụ tốt cho nội dung, để công chúng tiếp cận dễ hơn với các tác phẩm báo chí, tiếp cận dễ hơn với thông tin.
Tôi nghĩ rằng các cơ quan báo chí cần phải chuyển đổi số. Đây là nhu cầu cấp thiết và sống còn của cơ quan báo chí. Nếu cơ quan báo chí không chuyển đổi số, trong một thời gian sẽ tự loại mình ra khỏi cuộc chơi, tự loại mình ra khỏi đời sống báo chí. Chuyển đổi số không phải là phong trào, chúng ta chuyển đổi số khi có nhu cầu thực sự. Tất nhiên, mỗi cơ quan báo chí chuyển đổi số tùy thuộc vào nhu cầu, nguồn lực, khả năng của mình. Không chuyển đổi số tràn lan theo phong trào, mà chuyển đổi số phải thật sự phù hợp với khả năng nhiệm vụ và nguồn lực của mình.
Vậy báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp có phải là một trong những cách để chúng ta"đương đầu" với trí tuệ nhân tạo trong báo chí, cũng như hạn chế tiêu cực báo chí hiện nay, thưa ông?
- Trong những năm gần đây người ta đề cập rất nhiều về báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp. Tất nhiên đây không phải là mới, nhưng những năm gần đây người ta đề cập nhiều. Tôi nghĩ rằng lâu nay báo chí có tình trạng nêu ra vấn đề, phát hiện vấn đề và không giúp cho các cơ quan cá nhân tổ chức, góp phần với họ trong việc tìm ra các giải pháp. Các cơ quan báo chí nên xem trọng đề cao loại hình báo chí này, đó là báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp, đặc biệt là báo chí chính sách cũng là điều rất cần.
Dần dần, báo chí nên đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội. Xã hội cần gì? Cần có báo chí như thế nào? Khi đó báo chí cũng cần phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu đó. Nếu không báo chí ngày càng thu hẹp vai trò của mình để cho các loại hình truyền thông khác chiếm trận địa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.