Luật Đất đai là một luật lớn, bao trùm và liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là các quan hệ dân sự, đầu tư, kinh doanh, bất động sản, tài chính, ngân sách….
Luật đất đai có nhiều quy định liên quan đến nhiều luật, bộ luật hiện hành và ngược lại. Bộ TN&MT đã tổ chức rà soát 88 luật, bộ luật có nội dung liên quan đến đất đai và đã chỉ ra 22 luật, bộ luật có nội dung chưa thống nhất với Luật Đất đai. Vậy, Bộ TN&MT đề xuất hướng xử lý các nội dung này như thế nào để bảo đảm tính thống nhất?
Bộ TNMT trả lời:
Ngày 26/9/2022, Bộ TN&MT có Báo cáo số 117/BC-BTNMT báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), theo đó đã rà soát 88 luật, bộ luật có chứa quy phạm pháp luật về đất đai, trong đó đã chỉ ra 22 luật, bộ luật có nội dung chưa thống nhất với Luật Đất đai.
Để xử lý vấn đề này, Bộ TN&MT đã tổ chức làm việc với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - là những Bộ có luật có nhiều nội dung còn vướng mắc, chưa thống nhất với các quy định của Luật Đất đai, kết quả cụ thể như sau:
1. Đối với 15 Luật (Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Công nghệ cao, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Bộ luật Dân sự, Luật Công chứng, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Giá, Luật Khoáng sản, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Tố tụng hành chính, Luật Khiếu nại) có nội dung chưa thống nhất với Luật Đất đai, đã được dự thảo Luật Đất đai trực tiếp sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật, bộ luật. Cụ thể đã sửa đổi thống nhất về các nội dung sau:
(1) Luật Đầu tư: khái niệm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; điều kiện giao đất, cho thuê đất; tiếp cận đất đai; chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi đất; đấu giá, đấu thầu và chấp thuận chủ trương đầu tư; trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc sau hai (02) lần đấu giá không thành trong vòng 12 tháng kể từ ngày tổ chức phiên đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
(2) Luật Đấu thầu: hình thức giao đất sau khi trúng đấu thầu dự án; thời điểm giao đất, định giá đất sau khi trúng đấu thầu. Thống nhất quy định trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thì thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
(3) Luật Doanh nghiệp: góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
(4) Luật Công nghệ cao: xử lý thống nhất về một số loại đất sử dụng cho khu công nghệ cao (bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao).
(5) Luật Quy hoạch đô thị: dự thảo Luật Đất đai đã quy định thống nhất với quy định đối với các thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ.
(6) Luật Xây dựng: xử lý thống nhất các quy định về điều kiện cấp phép xây dựng có thời hạn đối với nhà ở riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch được duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền.
(7) Bộ luật Dân sự: xử lý thống nhất về quyền cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất; làm rõ khái niệm tài sản gắn liền với đất; không bắt buộc phải đăng ký tài sản gắn liền với đất; việc xác lập, chấm dứt quyền sử dụng đối với thửa đất liền kề; bổ sung quy định về đất xây dựng công trình ngầm.
(8) Luật Công chứng: quy định rõ việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
(9) Luật Đấu giá tài sản: phân định rõ trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản (khoản 7 Điều 125). Thống nhất quy định trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không có người tham gia hoặc chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc sau 02 lần trong vòng 12 tháng kể từ ngày tổ chức phiên đấu giá không thành thì thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
(10) Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Bổ sung quy định cụ thể về quyền sử dụng đất công của các cơ quan nhà nước, các loại đất chưa giao, chưa cho thuê, trách nhiệm quản lý của các cơ quan trong việc quản lý các loại đất này.
(11) Luật Giá: Không có nội dung còn chồng chéo.
(12) Luật Khoáng sản: quyền tiếp cận đất đai của tổ chức trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; về đóng cửa mỏ và việc trả lại phần diện tích đất đã khai thác khoáng sản.
(13) Luật Tín ngưỡng, tôn giáo: thống nhất khái niệm tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
(14) Luật Tố tụng hành chính: dự thảo Luật đất đai không quy định về trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp về đất đai mà dẫn chiếu theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính; về thu hồi, hủy Giấy chứng nhận trong trường hợp cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất….
(15) Luật Khiếu nại: thống nhất về thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
2. Đối với 05 Luật (Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đường sắt, Luật Thi hành án dân sự, Luật Lâm nghiệp) có nội dung chưa thống nhất với Luật Đất đai, đã được đề xuất sửa đổi các luật này ngay tại dự thảo Luật Đất đai. Cụ thể đề xuất sửa đổi thống nhất về các nội dung như:
(1) Luật Tổ chức chính quyền địa phương: sửa đổi quy định về thẩm quyền của HĐND cấp huyện thông qua kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh thông qua kế hoạch sử dụng đất của tỉnh; về thẩm quyền của HĐND thành phố trực thuộc Trung ương quyết định quy hoạch sử dụng đất của thành phố trực thuộc trung ương; về thẩm quyền của UBND thành phố trực thuộc Trung ương của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
(2) Luật Ngân sách nhà nước: sửa đổi quy định về nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước, các khoản thu ngân sách địa phương.
(3) Luật Đường sắt: Bãi bỏ khoản 1 Điều 12 của Luật Đường sắt.
(4) Luật Thi hành án dân sự: sửa đổi quy định về thẩm quyền thu hồi đất, về đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản
(5) Luật Lâm nghiệp: sửa đổi quy định về nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng; căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; thẩm quyền thu hồi rừng; hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi trồng phát triển cây dược liệu trong rừng đặc dụng.
3. Đối với 2 dự thảo Luật (Dự thảo Luật Nhà ở, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản) và các Luật có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đang trình Quốc hội thì kiến nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với dự thảo Luật Đất đai khi ban hành, như các nội dung về: người sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam; điều kiện chuyển nhượng dự án, một phần dự án…
4. Ngoài ra có 7 Luật được rà soát bổ sung so với Báo cáo số 117/BC-BTNMT cần sửa đổi để thống nhất với dự thảo Luật Đất đai, cũng đã được đề xuất sửa đổi các luật này ngay tại dự thảo Luật Đất đai. Cụ thể đề xuất sửa đổi thống nhất về các nội dung như:
(1) Luật Quy hoạch: sửa đổi một số điều quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia và bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh vào Phụ lục II về danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành tại dự thảo Luật Đất đai nhằm đảm bảo hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất thống nhất, đồng bộ.
(2) Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: sửa đổi khoản 3 Điều 6 để thể hiện rõ về việc giá đất để tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là giá đất theo Bảng giá đất.
(3) Luật Thủy sản: sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 44 để thống nhất về thời hạn giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản là không quá 50 năm.
(4) Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007: sửa đổi khoản 1 Điều 14 để rõ về giá đất làm căn cứ tính thuế: “1. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần; trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thu nhập chịu thuế tính theo giá đất trong bảng giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.”.
(5) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch: đề xuất bãi bỏ Điều 6 vì các nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quy định cụ thể tại Chương V dự thảo Luật Đất đai.
(6) Luật Đầu tư công: sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 để thống nhất nội dung thực hiện liên quan đến tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập và trách nhiệm tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư.
(7) Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp: bổ sung điểm đ vào khoản 1 Điều 10 để rõ về quy định: “đ) Doanh nghiệp thực hiện chức năng tổ chức phát triển quỹ đất theo quy định của Luật Đất đai.”.
5. Rà soát một số Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm và quy định đặc thù, gồm:
Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số tỉnh, thành phố.
Để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật, đề xuất hướng xử lý: tại khoản 3 Điều 258 dự thảo Luật Đất đai bãi bỏ Nghị quyết số 132/2020/QH14; khoản 4 Điều 258 dự thảo Luật Đất đai đã bãi bỏ các quy định về quản lý đất đai tại các Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số tỉnh, thành phố.
Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định của dự thảo Luật Đất đai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.