Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Giá lúa gạo giảm vì Covid-19 nhưng Vinafood 1, 2 không làm gì cả
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Giá lúa gạo giảm vì Covid-19 nhưng Vinafood 1, 2 không làm gì cả
Khánh Nguyên
Thứ bảy, ngày 07/08/2021 13:04 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ NNPTNT về tình hình tiêu thụ lúa hè thu ở các tỉnh ĐBSCL, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tỏ ra bất bình khi nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tìm mọi giải pháp thu mua lúa cho nông dân thì dường như 2 doanh nghiệp lớn là Vinafood 1, Vinafood 2 vẫn "án binh bất động".
Chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến của Bộ NNPTNT về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện, một số tỉnh trọng điểm sản xuất lúa hè thu như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp đã qua đỉnh thu hoạch lúa hè thu, dự kiến sản lượng lúa hè thu của 3 tỉnh còn khoảng 1,5 triệu tấn.
Ông Trần Anh Thư cho rằng, thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, giá lúa gạo giảm là do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, nguyên nhân đó cũng chỉ là một phần, bởi theo thông lệ hàng năm, vào thời điểm chính vụ, giá lúa hè thu thường giảm, so với các vụ trước giá lúa hè thu cũng thấp hơn.
"Do tác động của chi phí logistics tăng cao, giá lúa thế giới cũng đang giảm; trong khi đó, tổ thu hoạch lúa ở nhiều địa phương gặp khó khăn khi phải qua chốt kiểm soát" - ông Trần Anh Thư nêu một thực tế.
Từ thực trạng đó, ông Trần Anh Thư cho rằng, các địa phương cần thống nhất các biện pháp quản lý, tạo điều kiện cho các phương tiện đi thu mua, vận chuyển lúa.
"Các địa phương cần tạo điều kiện cho lực lượng thương lái đi mua lúa chứ cho người ta đi mua xong về cách lý thì rất khó" - ông Thư nói.
Đối với vấn đề khó giao gạo xuất khẩu khi cảng Cát Lái (TP.Hồ Chí Minh) xuất hiện ca F0, ông Trần Anh Thư cho rằng, hiện các tàu đang nằm ở ngoài đợi lấy hàng, phải có giải pháp cho tàu vào lấy gạo thì mới gỡ lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp với đi thu mua lúa cho nông dân.
Ông Trần Anh Thư cũng đặt câu hỏi tại cuộc họp: Trong khi rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ ở khu vực phía Nam đang nỗ lực vượt khó, áp dụng "3 tại chỗ" để thu mua, tiêu thụ lúa cho nông dân thì tại sao 2 doanh nghiệp lớn nhất ngành hàng lúa gạo hiện nay là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) lại án binh bất động?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng kiến nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương có kiến nghị với Chính phủ yêu cầu Tổng cục Dự trữ quốc gia thu mua 100.000 tấn gạo theo chương trình dự trữ quốc gia thì sẽ kích cầu được thị trường lúa gạo.
Trước phản ánh của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Phan Xuân Quế, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết: "Dưới góc độ một doanh nghiệp, chúng tôi lo nhất là đầu vào cho sản xuất. Những năm qua, Vinafood 1 luôn đứng trong top những doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, do các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách hội nhiều, nhiều nhà máy chế biến của Tổng công ty gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất, có những nhà máy khó khăn trong áp dụng sản xuất "3 tại chỗ" do chi phí tăng".
Ông Phan Xuân Quế cũng cam kết, trong thời gian tới, Vinafood 1 sẽ tổ chức lại sản xuất của các nhà máy, đảm bảo tiêu thụ lúa gạo cho người dân.
Trước những khó khăn trong việc tiêu thụ lúa hè thu, vừa qua, tỉnh An Giang đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ thu mua lúa cho dân.
Trong văn bản gửi các doanh nghiệp, Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho biết, tháng 8/2021 là thời điểm nông dân An Giang thu hoạch rộ lúa, nếp vụ hè thu với khoảng 800.000 tấn lúa (trong đó có khoảng 150.000 tấn nếp) và phải được tiêu thụ hết.
Đây là nhiệm vụ đầy khó khăn đòi hỏi phải có sự chung tay vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ giúp người nông dân bán được lúa, nếp để có nguồn thu nhập phục vụ cuộc sống thiết yếu hàng ngày và để tái đầu tư sản xuất cho vụ mùa tiếp theo.
Sở NNPTNT An Giang đề nghị doanh nghiệp tham gia tiêu thụ lúa, nếp trước mắt là vụ hè thu 2021 trên địa bàn tỉnh và cam kết sẽ phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và Sở NNPTNT các tỉnh bạn, tạo mọi điều kiện để hỗ doanh nghiệp, thương nhân, công nhân... thực hiện thu mua, vận chuyển và chế biến lúa, nếp được thuận lợi nhất có thể.
Ngày 6/8, Hiệp hội Lương thực Việt Nam có văn bản gửi các tỉnh, thành ĐBSCL và cung cấp danh sách các thương nhân để kết nối tiêu thụ lúa hè thu 2021.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị UBND các địa phương tăng cường công tác hỗ trợ cho khối doanh nghiệp ngành lương thực trong việc kết nối vùng sản xuất và đảm bảo khâu vận chuyển lúa tươi từ đồng về nhà máy sấy kịp thời theo từng địa bàn sản xuất lúa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.