Phó Chủ tịch Vingroup kể về kế hoạch nội địa hoá ô tô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

P.V Thứ bảy, ngày 30/11/2019 14:30 PM (GMT+7)
Theo Phó Chủ tịch Vingroup Lê Khắc Hiệp, bên cạnh về để dành diện tích đất 100ha ở KCN Đình Vũ cho các nhà công nghiệp phụ trợ Việt Nam xây dựng nhà máy, Tập đoàn cũng có một bộ phận phụ trách việc nội địa hóa ô tô Việt Nam như kỳ vọng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Bình luận 0

img

Xưởng lắp ráp dây chuyền thuộc Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast tại huyện Cát Hải, Hải Phòng.

Khoảng thời gian gần 30 năm tính từ năm 1991, dù Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, song chiến lược nội địa hoá ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến nay vẫn gây thất vọng lớn.

Theo đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn phát triển chậm về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Đến nay mới chỉ đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với dòng xe Inova, thấp hơn mục tiêu đề ra cũng như thấp hơn nhiều so với các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Thêm vào đó, máy móc, công nghệ phục vụ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tương đối lạc hậu. Còn chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vẫn thấp và giá thành cao. 

img

GS.TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ vấn đề này tại Tọa đàm "Kết nối thương hiệu Việt" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, GS.TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết: “Gần 30 năm nay chúng ta thất bại trong chiến lược ô tô do bảo hộ cho ngành ô tô trong nước bằng thuế rất cao, người tiêu dùng mua ô tô rất đắt. Vì thế các doanh nghiệp lắp ráp tại Việt Nam là chủ yếu.

Nhưng tới khi Vingroup và Thaco tham gia thị trường thì đã có định hướng rõ ràng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Trần Bá Dương là làm sao xây dựng thương hiệu không chỉ trong nước mà còn trong khu vực Đông Nam Á. Có thương hiệu là do khát vọng của những người đứng đầu tập đoàn, làm ô tô không phải chỉ cho thị trường trong nước mà còn ra nước ngoài”.

Theo GS. Nguyễn Mại, VinFast đã có cách đi khác hẳn khi đưa ra sản lượng dự kiến 500.000 chiếc xe đến năm 2025 với cách đi thẳng vào công nghệ hiện đại AI nhờ đầu tư xây dựng nhà máy lớn, có khả năng liên kết thẳng với những nhà cung cấp hàng đầu thế giới.

“Gần đây Vingroup tuyên bố, lỗ 300 tiệu đồng/xe. Như vậy cứ sản xuất 100.000 ô tô VinFast, mỗi năm Vingroup sẽ mất 300 tỷ đồng để biến từ công nghệ bên ngoài thành công nghệ của Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể tạo bước ngoặt trong đầu tư đổi mới công nghiệp Việt Nam”, GS. Nguyễn Mại kỳ vọng.

img

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch Vingroup, nhìn nhận: “Nếu chỉ có 1 hay 5 – 7 doanh nghiệp lớn, kinh tế Việt Nam khó lòng phát triển được. Chính vì vậy, Vingroup đã có nhiều chính sách, cơ chế liên kết với các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước để thúc đẩy sự lớn mạnh của các doanh nghiệp Việt”.

Đối với VinFast, ông Hiệp cho biết, mục tiêu Chủ tịch Phạm Nhật Vượng hướng tới không chỉ là lợi nhuận, bởi ngành công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp mũi nhọn. Nếu Việt Nam có thể tự sản xuất ô tô, sẽ thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp phát triển. Từ đó, duy trì đà tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

“Làm thế nào để đưa tất cả các doanh nghiệp công nghiệp, công nghệ Việt Nam cùng tiến lên? Do quỹ thời gian rất ngắn, nên chúng tôi phải chạy đua với thời gian. Từ ngày động thổ, quang cảnh xung quanh là bãi đầm lầy, tới nay chưa đến 2 năm, ô tô VinFast đã chạy trên đường phố Hà Nội.

Chúng tôi đã kết hợp rất nhiều với các nhà sản xuất ô tô ngoài nước. Nhưng mục tiêu lâu dài là chuyển sang liên kết với nhà sản xuất Việt Nam. Thậm chí, trong chính sách của tập đoàn chúng tôi có một bộ phận quan trọng lo việc nội địa hóa. Vingroup cũng đã dành ra 100ha đất ở khu công nghiệp Đình Vũ để các nhà công nghiệp phụ trợ Việt Nam đủ điều kiện có thể xây dựng nhà máy. Khi VinFast có một nhà máy lớn, đủ sức sản xuất hàng trăm nghìn ô tô mỗi năm và bao tiêu các sản phẩm cơ khí, tôi tin rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ sẵn sàng bỏ tiền mua công nghệ nước ngoài.

Thời gian tới, điều này chắc chắn sẽ diễn ra. Từ đó, có thể đẩy mạnh ngành công nghiệp Việt Nam, bởi nếu có một nhà máy định vít tốt thì không chỉ dùng được cho xe ô tô mà cho rất nhiều lĩnh vực khác”.

img

PGS.TS Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Chính sách phát triển công nghiệp.

Về phía các chuyên gia, PGS.TS Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Chính sách phát triển công nghiệp, cho biết: “Năm ngoái, chúng tôi hỗ trợ được đúng 3 doanh nghiệp nhận được tiêu chuẩn sản xuất linh kiện, chi tiết ô tô vào châu Âu mới ban hành năm 2016. Số lượng doanh nghiệp làm được linh kiện, chi tiết rất nhiều, nhưng để được cung cấp linh kiện phải có chứng chỉ. Thời gian 2 năm vừa qua, chúng tôi chỉ giúp được 3 doanh nghiệp có chứng chỉ.

Tôi tính toán VinFast phải mua linh kiện, nguyên liệu nước ngoài trong khoảng 5 năm nữa. Bởi doanh nghiệp Việt Nam làm được nhưng không được làm, chuyện liên kết không hề dễ một chút nào. Đây là lúc cần có một hệ thống pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp”.

Trong một động thái mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã đồng ý với chủ trương thực hiện Dự án đầu tư Tổ hợp sản xuất công nghiệp phụ trợ VinFast của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast tại xã Văn Phong và xã Nghĩa lộ, huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng.

Mục tiêu dự án là sản xuất công nghiệp phụ trợ cho xe ô tô và các loại xe khác; với quy mô sản xuất khoảng 5.000.000 sản phẩm các loại/năm trên diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 48ha.

Về tiến độ thực hiện của dự án, quý III/2019 đến quý I/2020 triển khai các thủ tục pháp lý, chuẩn bị đầu tư, GPMB; quý II/2020 đến quý III/2022 triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật nhà máy và các công trình khác; quý IV/2022 hoàn thiện và đưa vào kinh doanh khai thác.

Theo UBND TP. Hải Phòng, dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp phụ trợ VinFast phù hợp với định hướng và giải pháp phát triển theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời dự án cũng thuộc lĩnh vực công nghiệp được khuyến khích đầu tư và ưu tiên phát triển theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Dự án khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố và tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ô tô, tạo điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố, giải quyết thêm nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương, tăng thu ngân sách cho thành phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem