Phó CT Hà Giang lên tiếng về nghi ngờ "thí sinh được nâng điểm là con cháu lãnh đạo"

Thứ tư, ngày 18/07/2018 12:45 PM (GMT+7)
Trong sự việc bê bối liên quan đến điểm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, dư luận đang đặt câu hỏi: "Liệu trong số 114 thí sinh được nâng điểm, có con, cháu của lãnh đạo tỉnh thi hay không?"
Bình luận 0

Trả lời trước báo giới, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND Hà Giang cho rằng: "Đương nhiên trong một kỳ thi, có nhiều đối tượng thi, người nhà có, người thân quen có.

Tuy nhiên, tôi nghĩ không có người nhà nào lại làm những việc như chỉ đạo phải đưa con tôi vào trường ĐH nào cả".

Cũng theo ông Quý, hiện các cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm việc. “Sai ở mức độ nào, sai ở đâu và bao gồm những ai thì tôi sẽ trả lời sau vì cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục làm việc.

Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi xác định phải xử lý vụ việc một cách nghiêm túc, vào ai, vi phạm vào điều nào, khoản nào thì phải xử lý theo đúng quy định.

Nếu đúng phải khởi tố thì sẽ khởi tố, đuổi việc hay cảnh cáo… đều phải làm đúng quy định, đúng người, đúng việc”, ông Quý khẳng định.

img

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý (người đứng phát biểu) nghĩ rằng không có người nhà nào lại làm những việc như chỉ đạo phải đưa con tôi vào trường ĐH nào cả. (ảnh: Kiên Trung)

Về công tác chỉ đạo, quy trình để xảy ra sai phạm, ông Quý khẳng định: “Với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh Hà Giang, rõ ràng tôi phải chịu trách nhiệm.

Mặc dù các bước rất chặt chẽ nhưng có những cái chúng tôi không thể lường trước. Mặc dù công tác chỉ đạo rất quyết liệt nhưng do có những cái chúng ta không có nghiệp vụ cũng như chưa có chuyên môn sâu nên đã tạo khe hở cho tiêu cực.

Trách nhiệm của Ban chỉ đạo thi và hội đồng thi của Hà Giang đến đâu thì xử lý đến đó, chúng tôi không “thoái” trách nhiệm”.

Ngay sau khi kết quả 330 bài thi đã được chỉnh sửa để nâng điểm từ 1,0 đến 8,75 điểm, nhiều người phải thốt lên “quá khủng khiếp”!

Trả lời câu hỏi của phóng viên về cảm xúc của một Trưởng ban chỉ đạo thi nhưng để xảy ra tiêu cực về điểm chác cho hàng trăm thí sinh? Ông Quý cho hay: “Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã trả lời báo chí nhiều lần rằng tôi rất vui vì điểm cao nhưng tôi rất lo là điểm không thực chất. Nên khi kết quả như vậy tôi rất buồn.

Mặc dù vậy, tôi vẫn vui vì mục tiêu đặt ra trước khi rà soát sự việc này đã đạt được, đó là phải trả lại điểm thực chất cho các em, tạo sự công bằng cho thí sinh cả nước và tạo niềm tin cho nhân dân”.

img

Vụ sửa điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang khiến nhiều người phải giật mình về lỗ hổng trong công tác xử lý điểm thi. (ảnh minh họa)

Trước đó, ông Quý cho biết, khi chưa có văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về sự việc này, tuy nhiên qua phân tích của các chuyên gia, nhận thấy đây là điều cần quan tâm ngay nên tỉnh đã chỉ đạo trước.

“Ngay ngày hôm sau, chúng tôi đã rà soát. Khi rà soát và nhận thấy có những vấn đề bất thường, tức những vấn đề không bình thường, nên đã báo cáo Bộ GD&ĐT nhờ hỗ trợ luôn”, ông Quý cho hay.

Cũng theo ông Quý, về quy trình, địa phương này rà soát tất cả khâu song song và đồng bộ nhưng chọn khâu then chốt nhất, có thể xảy ra tiêu cực đó là khâu chấm thi.

Phó Chủ tịch tỉnh cho hay, không phải dư luận, báo chí mà cả người dân Hà Giang đều đang rất quan tâm đến sự việc này.

Do đó, địa phương phải làm nghiêm túc, đến nơi đến chốn và quyết tâm triển khai để tạo lòng tin cho người dân Hà Giang; phải đưa về điểm thực và sai đến đâu cũng phải làm kể cả có vấn đề hình sự, ở đây không có vùng cấm.

Mỹ Hà (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem