Phó GĐ Công an Hà Nội: "Sức ép đối với lực lượng PCCC Hà Nội chưa bao giờ lớn như bây giờ"

Thành An Thứ ba, ngày 22/09/2020 19:06 PM (GMT+7)
Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh: "Sức ép đối với lực lượng PCCC – Công an Hà Nội chưa bao giờ lớn như bây giờ", nếu để xảy ra một vụ cháy đơn vị nào không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn thì sẽ bị kỷ luật, điều chuyển công tác...
Bình luận 0

Chiều 22/9, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.Hà Nội (PCCC&CNCH - CATP Hà Nội) đã thông tin về công tác phòng, chống cháy nổ 8 tháng đầu năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020.

Phó GĐ Công an Hà Nội: "Sức ép đối với lực lượng PCCC Hà Nội chưa bao giờ lớn như bây giờ" - Ảnh 1.

Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.

Xử phạt hơn 2.100 trường hợp về PCCC

Báo cáo tại hội nghị, Thượng tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP.Hà Nội cho biết, 8 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn TP.Hà Nội xảy ra 268 vụ cháy. Trong đó, có 5 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng… làm 6 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6,2 tỷ đồng.

Phó GĐ Công an Hà Nội: "Sức ép đối với lực lượng PCCC Hà Nội chưa bao giờ lớn như bây giờ" - Ảnh 2.

Thượng tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP.Hà Nội.

So với cùng kỳ năm 2019, tình hình cháy, nổ giảm cả về số vụ và số người chết, bị thương (giảm 105 vụ cháy, 10 người chết, 6 người bị thương; thiệt hại về tài sản giảm hơn 35 tỷ đồng).

Cùng đó, đơn vị đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC đối với hơn 36.000 lượt cơ sở, phát hiện hơn 13.600 tồn tại, thiếu sót về PCCC; ra quyết định xử phạt hơn 2.100 trường hợp với số tiền phạt hơn 12,1 tỷ đồng; tạm đình chỉ 235 lượt cơ sở, đình chỉ 171 lượt cơ sở; ban hành 3.498 công văn kiến nghị, yêu cầu cơ sở khắc phục.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, lực lượng PCCC TP.Hà Nội cũng đã duy trì tốt công tác thường trực, ứng trực, đảm bảo đủ phương tiện, quân số thường trực sẵn sàng chiến đầu, xử lý thông tin báo cháy nổ, cứu hộ cứu nạn đảm bảo thông suốt 24/24h; kịp thời điều động gần 3.000 lượt phương tiện cùng gần 21.000 lượt cán bộ chiến sĩ đến hiện trường tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

"Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về kiểm tra, xử lý vi phạm trong PCCC. Những cơ sở vi phạm có nguy cơ xảy ra cháy nổ, không khắc phục sẽ bị cắt điện, cắt nước" - thượng tá Hiếu cho hay.

Theo thượng tá Phạm Trung Hiếu, hiện trên địa bàn vẫn còn nhiều cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, TP.Hà Nội đã có nhiều văn bản rà soát, yêu cầu di dời các nhà máy, nhà xưởng gần khu vực dân cư ra khỏi nội thành. Ngay cả trong các khu dân cư trong phố cũng tiềm ẩn nhiều vụ cháy nổ. Trong các vụ cháy, nổ thì lực lượng chức năng làm nhiệm vụ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều (nhiều vụ cháy có các chất độc hại).

Hà Nội bàn chuyện mua máy bay trực thăng để chữa cháy  

Trả lời những câu hỏi mà báo chí quan tâm liên quan đến công tác xử lý vi phạm về PCCC, Thượng tá Phạm Trung Hiếu cho hay, khi kiểm tra phát hiện vi phạm thì đơn vị kiểm tra sẽ kiến nghị để chủ đầu tư khắc phục. Các cơ sở đó sẽ cam kết thời gian để thực hiện.

Với những sai phạm đã được kiến nghị lần trước nhưng trong lần kiểm tra, phúc tra sau vẫn không đảm bảo, cơ quan chức năng sẽ xử phạt nghiêm khắc.

Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội nhấn mạnh: "Sức ép đối với lực lượng PCCC – CATP Hà Nội chưa bao giờ lớn như bây giờ".  Nếu để xảy ra một vụ cháy là sẽ cho lại kiểm tra lại quy trình quản lý công tác PCCC, nếu đơn vị nào không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn thì sẽ bị kỷ luật, điều chuyển công tác...

Về phương hướng triển khai công tác phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, cần có chế độ chính sách và kinh phí để làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy ở cơ sở.

Kết luận hội nghị, nhắc lại nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn, ông Phạm Thanh Học - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội bày tỏ rằng, người dân cần chia sẻ về những hy sinh thầm lặng, những mất mát của các chiến sĩ PCCC&CNCH.

Hiện nay bắt đầu vào mùa cháy nổ, chúng ta cần tuyên truyền những người dân ngoại thành Hà Nội không đốt rơm rạ nữa, người dân cũng hạn chế, không sử dụng bếp than tổ ong nữa để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ông Học nhìn nhận, công tác PCCC ở Hà Nội hiện vẫn còn nhiều vấn đề, công việc PCCC&CNCH hiện nay rất phức tạp và khó khăn, cũng đặt ra nhiều vấn đề ví dụ như xảy ra cháy tại những tòa nhà cao tầng, động đất thì sẽ phải xử lý thế nào... "Hà Nội đã bàn đến chuyện mua máy bay trực thăng để sử dụng trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ" - ông Phạm Thanh Học thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem