Phó Giám đốc chi nhánh ôm 245 tỷ mất tích, Eximbank giải quyết thế nào?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 23/02/2018 11:02 AM (GMT+7)
Eximbank cam kết trả tiền cho khách hàng khi có kết luận chính thức của toà án về vụ khách hàng phát hiện mất đến 245 tỷ đồng.
Bình luận 0

img

Giao dịch với khách hàng tại Eximbank (Ảnh: IT)

Đó là khẳng định của ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã cổ phiếu EIB) liên quan đến vụ ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM lừa đảo chiếm đoạt 245 tỷ đồng của khách hàng.

Theo ông Quyết: “Eximbank mong muốn các bên liên quan gồm ngân hàng, người gửi tiền và cơ quan cảnh sát điều tra phối hợp tích cực để vụ việc nhanh chóng được tòa án có thẩm quyền phán quyết, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan”.

245 tỷ đồng “bốc hơi” thế nào?

Theo thông tin từ Eximbank, bà Chu Thị Bình là khách hàng lâu năm và là một trong số khách hàng VIP của hệ thống Eximbank từ năm 2011. Bà Bình gửi tiền tiết kiệm tại Eximbank theo kỳ hạn 12 tháng, lãi tất toán cộng tiền gốc gửi tiếp vào năm sau.

Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Lê Nguyễn Hưng nhiều lần cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà Bình để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi của bà Bình.

Tuy nhiên, trên thực tế ông Lê Nguyễn Hưng đã chỉ đạo nhân viên Eximbank lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà Bình rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. Cách làm này đã giúp ông Hưng chiếm đoạt được số tiền lên tới 245 tỷ đồng của bà Bình trong quãng thời gian dài.

Từ cuối tháng 2 năm 2017, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà Bình tiến hành đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã... “bốc hơi”.

Hai cá nhân giả uỷ quyền của bà Bình để rút tiền có tên là Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Minh Huân. Tuy nhiên, bà Bình khẳng định hoàn toàn không biết hai cá nhân này là ai.

Còn theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Hưng đã lấy tiền trong tài khoản của bà Bình từ năm 2014 ở nhiều thời điểm khác nhau và ở nhiều sổ tiết kiệm khác nhau, kéo dài đến năm 2016. Cuối năm 2016 thì sự việc mới vỡ lở.

Sau khi sự việc vỡ lở, ông Lê Nguyễn Hưng bỏ trốn ra nước ngoài. Về phía Eximbank, sau khi phát hiện ra sự việc trên, ngày 6.3.2017, Eximbank đã chủ động gửi Đơn tố giác hành vi có dấu hiệu tội phạm của ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Chi nhánh TP.HCM đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C44), đề nghị C44 xem xét, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Eximbank cũng đã gửi các văn bản tới C44 để xin ý kiến về việc giải quyết các yêu cầu rút tiền của bà Chu Thị Bình và một số khách hàng có liên quan.

Những vấn đề khó hiểu và cách xử lý của Eximbank

Thực tế, sau khi nhận điều tra vụ việc từ phía khách hàng là bà Chu Thị Bình và Eximbank, ngày 12.6.2017, C44 cũng đã có thông báo gửi Eximbank với nội dung: Chữ ký của bà Chu Thị Bình trên các chứng từ có liên quan đến việc rút tiền là thật.

“Trong vụ việc này, qua giám định của C44 thì chữ ký của người uỷ quyền (bà Chu Thị Bình) là thật do bà Bình đã ký sẵn, còn người được uỷ quyền thì có chữ ký là thật nhưng cũng có chữ ký là giả", ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank giải thích.

Cũng theo ông Quyết, Eximbank đã có văn bản gửi C44 đề nghị sớm khởi tố vụ án, điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, để Eximbank sớm có cơ sở giải quyết yêu cầu của bà Chu Thị Bình.

“Quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu, Eximbank khẳng định sẽ tuân thủ theo phán quyết có hiệu lực pháp lý của tòa án nhằm đảm bảo quy trình xử lý khiếu nại của khách hàng theo đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên liên quan”, ông Quyết nói.

Cũng trong ngày hôm nay 23.2.2018, Eximbank sẽ có văn bản trả lời về xử lý khiếu nại gửi bà Chu Thị Bình. Theo đại diện ngân hàng Eximbank, việc trả lời khiếu nại cho bà Bình là theo từng giai đoạn của vụ việc. Từ khi phát hiện vụ việc đến nay, Eximbank đã nhiều lần gặp trực tiếp với bà Bình và trả lời bằng văn bản liên quan đến việc xử lý khoản tiền gửi này.

Trong một diễn biến khác, bà Bùi Thị Thiện Tâm, Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM, cho biết, theo quy trình, giao dịch tại nhà thường từ có từ 2-3 nhân viên ngân hàng trở lên. Tuy nhiên trong quá trình giao dịch, bà Bình không muốn tiếp xúc với người khác ngoài ông Hưng. Thậm chí nhân viên ngân hàng có liên hệ với bà Bình thì bà Bình đã trả lời bận. Vì vậy mà việc ông Hưng đã lấy tiền từ năm 2014 ở nhiều thời điểm khác nhau và ở nhiều sổ tiết kiệm khác nhau của bà Tâm, kéo dài đến năm 2016 mà bà Bình không biết...

Thông tin nguyên Phó giám đốc Eximbank Chi nhánh TP.HCM lừa đảo chiếm đoạt 245 tỷ đồng của khách hàng khiến cổ phiếu EIB của Eximbank trong phiên sáng nay giảm mạnh, về mức 15.800 đồng/CP (giảm 400 đồng/CP, -2,5%). Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2017 khi EIB chỉ dao động quanh vùng giá 12.550 - 12.650 đồng/CP.

Được biết, năm 2017, tổng lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 1.017 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế là 823 tỷ đồng, giúp Eximbank thoát khỏi lỗ lũy kế sau 2 năm, kể từ 2015.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem