Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: "Thiên thần" chống dịch được tôn vinh, giờ đang làm kiểm điểm

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 03/03/2023 15:10 PM (GMT+7)
Ngày 3/3, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch; thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Bình luận 0
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: "Thiên thần" chống dịch được tôn vinh, giờ đang làm kiểm điểm - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu. Ảnh: P.V

Tôn vinh xong... kiểm điểm

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong 2 năm đại dịch, các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai công tác mua sắm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Việc mua sắm đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và thực hiện tiết kiệm, hiệu quả.

Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn gặp những khó khăn như hàng hóa khan hiếm, nhà cung ứng nhỏ giọt, giá cả tăng nhanh... Việc lấy báo giá của các nhà cung cấp cũng gặp khó do giãn cách xã hội. Nhiều mặt hàng, dịch vụ chỉ có 1 đến 2 nhà cung cấp trên toàn quốc nên không thể đủ 3 báo giá. Các công ty thẩm định giá không phản hồi hoặc từ chối.

Do giá cả biến động rất nhanh, vì vậy, khi xây dựng xong dự toán chuyển sang quy trình mua sắm, giá đã thay đổi, không còn phù hợp để tiếp tục mua sắm. "Hôm nay một giá, mai một giá, thậm chí hết hàng không thể mua được", ông Châu nói.

Công tác nhập khẩu và các điều kiện thương mại gặp khó. Một số chủng loại trang thiết bị có tính đặc thù, không thông dụng, có những loại mà đơn vị chưa sử dụng bao giờ.

Ông Châu cho biết, sau khi có kết luận của cơ quan Thanh tra, các đơn vị tiên phong, chủ chốt trong phòng chống dịch của TP được ghi nhận có sai sót, thiếu sót trong mua sắm đấu thầu. "Các đơn vị cách đây 2 năm đã được tôn vinh như "thiên thần", giờ này đang làm kiểm điểm do kết luận của thanh tra. Đặc biệt là những người trong hội đồng thuốc điều trị và ban giám đốc các bệnh viện. Cá nhân tôi trước tháng 8/2021 là Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP nên sắp tới cũng làm kiểm điểm. Điều này thực sự ảnh hưởng đến tâm tư của anh em khi vừa trải qua một trận chiến", ông Châu trăn trở.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cũng tâm tư: "Trong đợt thứ 4 của dịch Covid-19, HCDC tham gia đấu thầu rất nhiều. Ngày hôm qua, tôi đã trực tiếp kiểm điểm những người mà tôi giao nhiệm vụ phải thực hiện cho kịp tiến độ đấu thầu". Ông đề xuất cần xem xét những sai sót không phải cố tình, đặc biệt trong hoàn cảnh "thời chiến" cần có hướng xử lý phù hợp.

Tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu là cấp bách

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã nêu những kiến nghị để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế xảy ra thời gian qua.

Theo đó, ngành y tế TP.HCM kiến nghị, Chính phủ phân cấp việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức mua sắm thuốc đến các cơ sở y tế. Kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định về căn cứ giá gói thầu của các gói thầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành…) trang thiết bị có tính chất đặc thù, riêng biệt.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: "Thiên thần" chống dịch được tôn vinh, giờ đang làm kiểm điểm - Ảnh 3.

Cần cấp bách giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế. Ảnh: P.V

Kế đến, kiến nghị Bộ Y tế sớm cấp giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị; cấp tài khoản cho các cơ sở y tế TP.HCM để thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Sở Y tế TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch đầu tư trong thời gian chờ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được hoàn thiện cho phép các cơ sở y tế được thực hiện đấu thầu không qua mạng đối với các gói thầu mua sắm thuốc có nhiều phần.

Về y tế tuyến cơ sở, theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện nay chỉ 50% số trạm y tế có đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Vẫn còn suy nghĩ các trạm y tế khám chuyên môn thấp nên cho thuốc không nhiều, điều này làm kìm hãm việc phát triển ở y tế cơ sở.

Sở Y tế TP.HCM đang đề xuất cho phép mở rộng danh mục đấu thầu thuốc ở trạm y tế. Khi thực hiện được, các trung tâm y tế chỉ cần áp dụng kết quả này để mua thuốc. Tuy nhiên khi áp dụng, vẫn đang vướng tại nội dung cần phải có 3 số đăng ký đấu thầu. Sắp tới, nếu Bộ Y tế có sự tháo gỡ thì việc đấu thầu sẽ thuận lợi.

Tại buổi giám sát, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ ngày 8/3/2021 đến ngày 26/2/2023, qua 149 đợt phân bổ vaccine từ Bộ Y tế cho TP.HCM (trong tổng số 186 đợt phân bổ cho toàn quốc), TP.HCM đã nhận 22,49 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó đã sử dụng 22,15 triệu liều, còn hạn dùng 81.822 liều và 257.549 liều đã hết hạn dùng.

Sở Y tế TP.HCM đánh giá, nguồn vaccine Covid-19 cho TP.HCM được Bộ Y tế phân bổ đáp ứng tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi và người từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, việc cung ứng vaccine Covid-19 vẫn còn gián đoạn ở một số thời điểm như giai đoạn đầu dịch. Nhưng có một số đợt Bộ Y tế phân bổ số vaccine cao hơn so với nhu cầu tiêm thực tế của địa phương. Trong khi đó, hạn sử dụng của vaccine ngắn đặc biệt đối với các vaccine rã đông, do đó dẫn đến tình trạng chung ở cả nước là không sử dụng kịp hạn dùng của vaccine, dẫn đến phải hủy bỏ vaccine Covid-19.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem