Phó hiệu trưởng ĐH Giáo dục: "Người làm giáo dục không cập nhật bản thân sẽ hết hạn sử dụng trước tuổi về hưu"

Tào Nga Thứ tư, ngày 01/01/2025 07:00 AM (GMT+7)
PV báo Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về bức tranh ngành Giáo dục 2024 và những kỳ vọng vào năm mới 2025.
Bình luận 0

Giáo dục năm 2024: "Vượt sóng và Đổi mới"

Chào PGS.TS Trần Thành Nam! Vậy là năm 2024 đã chính thức khép lại và chào đón năm 2025 với nhiều kỳ vọng mới, mục tiêu mới. Nhìn lại năm qua của ngành Giáo dục, PGS sẽ nhận xét bằng những từ gì và đâu là những thành tựu, hoạt động nổi bật nhất?

- Nếu phải dùng một vài từ để khái quát về năm 2024 của ngành Giáo dục, tôi xin chọn những từ: "Vượt sóng và Đổi mới".

Toàn ngành đã nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua những khó khăn, thách thức, đặc biệt là những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lụt mà điển hình là ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 gây thiệt hại ước tính về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học lên tới 1.260 tỷ đồng và tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục: "Năm 2024, ngành giáo dục đã cùng nhau vượt sóng, thích ứng" - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Nhưng ngành giáo dục đã cùng nhau vượt sóng, thích ứng, tìm ra những giải pháp để đảm bảo chất lượng và ghi dấu ấn. Chúng ta đã triển khai hoàn thành chu trình đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với nhiều điểm tiến bộ, những thành tựu ban đầu về đổi mới công tác thi cử và kiểm tra đánh giá được nhân dân ủng hộ. 

Năm 2024 cũng là năm số lượng thí sinh dự tuyển và nhập học đại học tăng cao, các ngành Sư phạm, Vi mạch bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo thu hút được nhiều người học quan tâm. Đây cũng là năm học sinh Việt Nam ghi nhiều dấu ấn trong các cuộc thi quốc tế và nhiều sự kiện thể thao học đường mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức thành công. 

2024 là năm mà Việt Nam có thêm 2 thành phố được UNESCO công nhận là thành viên "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu" nâng tổng số các thành phố của Việt Nam tham gia mạng lưới này lên con số 5. Một năm gia tăng ấn tượng thứ hạng của các cơ sở giáo dục Việt Nam trên các bảng xếp hạng đại học thế giới, đặc biệt Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội đạt thăng tiến mạnh về vị trí tăng 456 bậc lên thứ hạng 325 toàn thế giới, vị trí thứ 51 Châu Á và số 1 Việt Nam về phát triển bền vững (QS World University Rankings: Sustainability 2025).

Rất nhiều điểm nhấn của ngành Giáo dục trong năm 2024 đã được PGS liệt kê, vậy còn điều gì ông cảm thấy tiếc nuối, trăn trở?

- Mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng điều làm cho tôi và các nhà giáo dục trăn trở là chất lượng giáo dục chưa đồng đều, vẫn còn đó sự chênh lệch về chất lượng và khoảng cách số giữa các vùng miền, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn lớn.

Cuộc sống của đội ngũ nhà giáo vẫn còn nhiều khó khăn dẫu đã có nhiều chính sách ưu đãi. Chất lượng công tác bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ giáo viên cũng cần được đổi mới về nội dung và phương pháp để bắt kịp với xu thế đổi mới. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Vẫn còn hiện tượng thiếu trường lớp, thiếu trang thiết bị học tập cục bộ.

Các vấn đề về văn hóa ứng xử học đường chưa được cải thiện triệt để, các vụ bạo lực học đường, tai nạn học đường vẫn xảy ra để lại những hệ quả đáng tiếc và những quan ngại cho cộng đồng.

Tôi cũng cảm thấy tiếc nuối khi những đề xuất để nâng cao vị thế giáo viên, quy định về chứng chỉ hành nghề giáo viên chưa được đưa vào trong Luật nhà giáo vì nhiều ý kiến quan ngại về thủ tục hành chính.

Trong năm qua có nhiều ý kiến xoay quanh việc miễn học phí cho ngành Y, ngành Công nghệ bán dẫn và miễn học phí cho con của giáo viên. Quan điểm của PGS thế nào?

- Cá nhân tôi rất thấu hiểu những hàm ý tốt đằng sau những chính sách đề xuất miễn giảm học phí cho con giáo viên, cho sinh viên ngành Y, ngành Vi mạch bán dẫn để hỗ trợ và thu hút những người giỏi quan tâm, tham gia những lĩnh vực quan trọng của xã hội, xác lập vị trí xứng đáng cho nghề giáo viên, nghề bác sĩ.

Tuy nhiên, những đề xuất này cần tiếp tục được xem xét trên khả năng ngân sách có thể cân đối được để đảm bảo tính khả thi và bền vững. Nó cũng phải tính toán đến phản ứng của các bên liên quan để đảm bảo sự công bằng, không có sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử giữa các ngành nghề, các đối tượng người học khi nhận hỗ trợ chính sách và nghĩa vụ phải thực hiện. Chúng ta cũng cần phải cân nhắc rất cẩn trọng về hiệu quả của chính sách. 

Cá nhân tôi ủng hộ việc cần có bước thử nghiệm diện hẹp (trong nhóm trường Đại học với ngành Y và ngành Vi mạch bán dẫn…) xem có thực sự chính sách sẽ giúp thu hút được nhân tài vào các ngành cần thiết và có cam kết để tạo ra những giá trị xã hội trong dài hạn hay không. Hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định nên cần có những phép thử để đánh giá tác động.

Năm 2025 sẽ là một năm bản lề của nhiều dấu mốc mới

PGS đánh giá vấn đề sáp nhập, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế có ảnh hưởng đến công tác đào tạo của các trường thế nào và sinh viên cần chuẩn bị gì đáp ứng tình hình mới?

- Tôi tin rằng chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế phải đi đôi với công tác chuyển đổi số và ứng dụng Công nghệ thông tin và AI một cách triệt để nhằm tăng hiệu suất. Việc tinh gọn bộ máy cũng phải đi cùng với việc cắt giảm các quy trình thủ tục hành chính gây phiền nhiễu không cần thiết. 

Trong lĩnh vực giáo dục, tôi cũng tin là việc tinh giản sẽ tập trung vào khối hành chính khi tận dụng các sáng kiến, ứng dụng công nghệ và AI vào trong chăm sóc và quản lý người học. Còn khối cán bộ chuyên môn như giảng viên và giáo viên sẽ khó có thể tinh giản khi chúng ta muốn tăng quy mô người học (đến năm 2030 đảm bảo 260 sinh viên Đại học trên 1 vạn dân và tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%). 

Chúng ta cũng hướng đến chất lượng giáo dục nên số lượng người học/giảng viên – giáo viên sẽ phải hạ xuống. Vấn đề là chúng ta sẽ phải nâng cao năng lực người thầy để thầy cô có thể dạy học đa nhiệm; tích hợp; tận dụng sức mạnh của công nghệ và AI để giảm tải công việc hành chính, nâng cao hiệu suất hiệu quả hoạt động giáo dục. Tinh gọn cùng với tăng hiệu suất chính là công thức để nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống bền vững cho đội ngũ.

Vì vậy, tôi tin rằng sẽ không có ảnh hưởng lớn đến chuẩn đầu ra của người học tốt nghiệp các chương trình đào tạo. Tuy nhiên, nếu những người làm trong ngành giáo dục không tự thấy trách nhiệm của mình trong việc tự cập nhật bản thân thì chúng ta có thể sẽ bị hết hạn sử dụng trước khi hết tuổi lao động.

PGS có kỳ vọng gì cho ngành giáo dục trong năm 2025?

- Năm 2025 sẽ là một năm bản lề của nhiều dấu mốc mới. Dự kiến sẽ ban hành Luật nhà giáo xác lập rõ vị thế của nhà giáo trong xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ nhà giáo, tạo động lực để các thầy cô tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Quy hoạch mạng lưới giáo dục Đại học và Sư phạm 2030 – tầm nhìn 2050 sẽ được phê duyệt và ban hành sẽ là cơ sở quan trọng để định hình lại hệ thống giáo dục đại học và sau đại học. Điều này đảm bảo sự phát triển cân đối, hài hòa, chất lượng và hiệu quả theo các định hướng phát triển kinh tế xã hội trong ngắn hạn lẫn dài hạn của đất nước. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục: "Năm 2024, ngành giáo dục đã cùng nhau vượt sóng, thích ứng" - Ảnh 2.

PGS Trần Thành Nam đặt nhiều kỳ vọng vào ngành Giáo dục năm 2025. Ảnh: NVCC

Tổng Bí thư đã ký ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia là kim chỉ nam cho việc ứng dụng công nghệ vào giáo dục. Năm 2025, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ thấy rõ sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng. Các nền tảng học trực tuyến, công cụ hỗ trợ giảng dạy và các phương pháp đánh giá hiện đại sẽ ngày càng được sử dụng rộng rãi, hiệu quả hơn.

Năm 2025 cũng sẽ là năm được kỳ vọng có sự đột phá trong công tác chuyển đổi số trong dạy học và kiểm tra đánh giá, trong công tác quản trị trường học thông minh theo tinh thần đẩy mạnh phong trào "bình dân học vụ số" đã được phát động từ 2 năm trước. Chúng ta đã có những điều kiện ban đầu rất thuận lợi, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone đã đạt 88,7%; tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng là 82,3%. Người dân đã có các công cụ cần thiết để thực hành kỹ năng số trên thiết bị và tiếp cận nội dung học tập số, tham gia vào các lớp học trực tuyến để triển khai hiệu quả phong trào này.

Với những điều kiện đó, tôi cũng tin tưởng, kỳ vọng giáo dục sẽ có những bứt phá vươn mình trong năm 2025 theo hướng tinh gọn, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ, AI, cung cấp giáo dục chất lượng theo nhu cầu cá nhân hóa và vì sự phát triển toàn diện của người học. Vị thế của người thầy sẽ được khẳng định trong xã hội. Hệ sinh thái nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ được hoàn thiện góp phần thăng hạng Việt Nam trên bản đồ chỉ số sáng tạo đổi mới toàn cầu. Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trong các bảng xếp hạng, các cuộc thi quốc tế về sự ảnh hưởng xã hội, đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Cảm ơn PGS đã chia sẻ. Nhân dịp năm mới 2025, chúc ông nhiều sức khỏe và thành công!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem