Phó nháy ngậm ngùi nhớ thời hoàng kim chụp ảnh “cháy máy” bên hồ Hoàn Kiếm
Phó nháy ngậm ngùi nhớ thời hoàng kim chụp ảnh “cháy máy” bên hồ Hoàn Kiếm
Nhật Minh
Thứ ba, ngày 01/03/2022 07:37 AM (GMT+7)
Họ cũng cười, cũng nói, nhưng bên trong nụ cười ấy, tiếng nói ấy chứa đựng đầy tâm tư và kèm theo sự tiếc nuối của một thời “hoàng kim” sống bằng nghề chụp ảnh dạo bên hồ Hoàn Kiếm.
Những ngày cuối tháng Giêng, Hà Nội nắng ấm sau một thời gian dài chìm sâu trong sương mù ẩm ướt, mưa và lạnh đến thấu xương. Dòng người từ nhiều nơi xúng xính váy áo tấp nập đổ về hồ Hoàn Kiếm thăm thú, lễ đền, chụp ảnh lưu niệm.
Lẩn khuất đâu đó bên trong dòng người tấp nập ấy là những thợ chụp ảnh dạo. Họ cũng cười, cũng nói, nhưng bên trong nụ cười ấy, tiếng nói ấy chứa đựng đầy tâm tư và kèm theo sự tiếc nuối của một thời "hoàng kim" sống bằng nghề chụp ảnh dạo bên hồ Hoàn Kiếm.
"Anh chị chụp lấy một vài kiểu ảnh lưu niệm nhân dịp tới hồ Gươm không? Hai cháu ơi, chụp kiểu ảnh làm kỷ niệm đi!". Tiếng mời chào liên tục phát ra từ các thợ ảnh nhưng âm lượng lại quá nhỏ khiến dòng người vẫn lướt đi như không nghe thấy gì.
Ông Vũ Mạnh Hùng (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), một thành viên của Nghiệp đoàn nhiếp ảnh Hoàn Kiếm năm nay đã 74 tuổi. Trong 74 tuổi đời ông có hơn 30 năm hành nghề chụp ảnh cho khách du lịch ở hồ Hoàn Kiếm. Đó là khoảng thời gian thịnh nhất mà ông cùng những người đồng nghiệp đã được tận hưởng.
Nhớ lại thời hoàng kim với đầy sự tiếc nuối, ông Hùng chia kể: "Trước chúng tôi còn chụp bằng máy cơ chứ không phải máy kỹ thuật số như bây giờ. Người chụp phải căn ke từng li từng tí một để chụp kiểu nào ăn ngay kiểu đó, như vậy mới tiết kiệm được phim. Để có được một bức ảnh ưng ý cho khách nhiều lúc phải toát mồ hôi chứ không đơn giản là bấm liên tục như bây giờ".
"Nhất là những ngày lễ, ngày Tết, mỗi lần vào trong tiệm rửa ảnh tôi cầm ra cả nắm, chỉ cần đứng một chỗ để trả ảnh, khách hàng họ tìm đến mình. Bây giờ thì khác, anh cũng chứng kiến rồi đó, tôi mời rát họng mà có ai chụp đâu. Nói ra chắc anh không tin nhưng từ sáng đến giờ tôi chưa bấm được cho khách một kiểu ảnh nào", ông Hùng thề thốt.
Ông Hùng cho biết thêm, ông có 3 người con thì tất cả đều đã trưởng thành nên gánh nặng về kinh tế không còn đè nặng lên đôi vai của ông. Hàng ngày nếu thời tiết thuận lợi thì khoảng 8h sáng ông bắt đầu đem máy ra hồ làm việc sau khi đã ăn sáng và uống một ly cà phê.
Trước còn khỏe ông thường đi bộ từ nhà ra nơi làm việc, nhưng bây giờ tuổi đã cao ông đi làm bằng xe đạp. Trước một ngày đi bộ không nhớ bao nhiêu vòng hồ Hoàn Kiếm để mời khách thì nay ông chỉ đứng quanh quẩn trước tháp Hòa Phong có khách đi qua thì mời họ chụp.
Được khách nào thì chụp khách đó, không có khách thì cứ đi đi lại lại rồi nói chuyện với người quen, đồng nghiệp cho khuây khỏa đợi hết ngày rồi lại về nhà. Nhiều lúc chẳng có khách nhưng ông Hùng cũng không thấy buồn vì ông hiểu được thời buổi bây giờ điện thoại thông minh chụp ảnh đẹp đang lên ngôi.
Chưa kể, có nhiều phần mềm chụp ảnh giúp chị em trở nên xinh đẹp, lộng lẫy hơn. Thế nên, những thợ ảnh gắn bó với công việc chụp ảnh dạo bên bờ hồ Hoàn Kiếm như ông Hùng cứ ngày một ít dần đi.
"Trước Nghiệp đoàn nhiếp ảnh Hoàn Kiếm đông lắm, chúng tôi hoạt động phải đăng ký đoàng hoàng, mọi người được cấp thẻ để hành nghề, nếu ai đi làm mà không mang thẻ sẽ bị đuổi. Cho đến bây giờ cả khu vực hồ Hoàn Kiếm chỉ còn khoảng hơn 20 người hành nghề chụp ảnh thôi", ông Hùng cho biết.
Đi rạc cẳng chân, mời rát cả họng nhưng chỉ nhận lại một cái lắc đầu
Chị Thuỷ, một nữ thợ ảnh khác hành nghề tại hồ Hoàn Kiếm hơn 20 năm cũng tâm tư không kém. Ngồi trên chiếc ghế đá nghỉ chân sau khi đi rạc cả cẳng từ sáng, mời nhiều mỏi miệng rát cổ họng, khách đi qua chị Thủy chán chẳng buồn mời họ chụp ảnh nữa.
Chị Thủy chia sẻ: "Tôi ra hồ Hoàn Kiếm kiếm sống bằng nghề chụp ảnh từ những năm 17 tuổi, sau đó lấy chồng, cả hai vợ chồng đều làm nghề chụp ảnh. Đến nay, đa phần những người làm nghề chụp ảnh dạo ở hồ họ đã chuyển sang làm nghề khác. Ở đây chỉ còn lại một vài người do tuổi tác đã nhiều, có muốn chuyển cũng không biết làm gì, xin việc ở đâu".
Lấy chiếc điện thoại để trong túi đeo bên hông, chị Thủy nhanh tay mở khóa rồi khoe về một gia đình khách quen, cứ lúc nào đến hồ dạo chơi họ đều gọi chị chụp ảnh làm lưu niệm.
"Họ là những người giàu có, điện thoại thông minh toàn loại xịn và hiện đại lắm nhưng họ vẫn nhờ tôi chụp ảnh và còn in ảnh ra nữa chứ không phải chỉ chụp để lấy file ảnh đâu", chị Thủy tiết lộ.
Chị Thủy kể thêm, không nhớ vào năm bao nhiêu nhưng lúc ấy còn chụp bằng máy cơ, chị gặp được một vị khách Việt kiều sống ở Đức về nước, họ đi chơi cùng với một số người bạn. Người này đã thuê chị chụp ảnh, chụp hết cuộn phim này đến cuộn phim khác, nguyên chụp cho họ đã hết cả một ngày trời.
Đến bây giờ nhiều người Hà Nội vẫn giữ thói quen mỗi khi Tết đến xuân về là ra hồ Hoàn Kiếm chụp ảnh. Có người năm nào cũng thế, họ bảo chụp như vậy sau này già đi còn có cái để nhìn ngắm lại một thời đã qua, chụp từ lúc tuổi còn trẻ cho đến khi lên ông lên bà, chụp xong phai in ra ảnh mới thấy ưng.
"Trước sự phát triển của thời cuộc, rõ ràng những người làm nghề chụp ảnh dạo như chúng tôi ngày càng khó kiếm sống. Nhiều người không trụ được đã phải bỏ nghề, còn tôi và một số người khác vẫn bám trụ tại đây một phần vì gánh nặng cơm áo gạo tiền và một phần vì đam mê với nghề, thứ đam mê đã ăn sâu vào tâm trí", chị Thủy nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.