Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định thông tin về đổi tiền là thông tin thất thiệt. (Ảnh: Đàm Duy)
Mấy ngày gần đây xuất hiện tin đồn trên mạng xã hội rằng NHNN sắp đổi tiền và xúi giục người dân rút tiền để mua vàng và ngoại tệ khiến tâm lý một số người dân hoang mang. Về việc này, NHNN khẳng định đó là thông tin hoàn toàn bịa đặt với dụng ý xấu.
“Người dân cần cảnh giác và đấu tranh trước những thông tin sai lệch, bịa đặt trên để tránh thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống và an ninh tiền tệ quốc gia. Thông tin đổi tiền là thông tin thất thiệt và chúng ta phải cảnh giác bởi việc đổi tiền liên quan đến an ninh tiền tệ quốc gia”, ông Tú khẳng định.
Ông Tú nhấn mạnh việc thay đổi mệnh giá tiền của một số nước trên thế giới vừa qua không ảnh hưởng và không liên quan đến sự ổn định của đồng tiền Việt Nam.
"Nhờ các cơ quan báo chí lưu ý người dân cần hết sức cảnh giác vì trong điều kiện kinh tế của chúng ta đang ổn định và phát triển, tất cả những thông tin như vậy đều là bất lợi. Tôi khẳng định lại đây là thông tin bịa đặt", ông Tú nói.
Trước đây, vào đầu 2013 cũng xuất hiện tin đồn đổi tiền. Khi đó, NHNN cũng đã phát đi thông cáo nhấn mạnh giá trị đồng Việt Nam trước giờ khá ổn định, cơ cấu của bộ tiền đang lưu thông vẫn phù hợp, đồng thời khẳng định không có chủ trương đổi tiền và không có bất kỳ một sự thay đổi nào với đồng tiền đang lưu hành.
NHNN là cơ quan chịu trách nhiệm về việc phát hành và lưu thông tiền Việt Nam.
Kể từ ngày 1.12.1945, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, tiền đồng cũng chính thức được in và lưu thông để khẳng định chủ quyền của đất nước tự do. Bắt đầu từ thời điểm này cho tới nay, chúng ta đã thay đổi tiền cả về hình thức, chất liệu đến mệnh giá 7 lần.
Lần thứ nhất: ngày 15.5.1947, Chính phủ ra sắc lệnh 48/ SL cho phép lưu hành trong cả nước giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng. Giấy bạc Tài chính thời kì này được in LITÔ hay TIPÔ, ốp sét trên giấy in xấu nên có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng từng mẫu tiền. Đồng thời nhà nước thực hiện thu đổi đồng bạc Đông Dương, tỷ lệ 1 đồng Việt Nam lấy 1 đồng bạc Đông Dương.
Lần thứ hai: Ngày 6.5.1951 tại sắc lệnh số 15/ SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký chuẩn y việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (NHQG VN) (để thay thế “Nha ngân khố quốc gia”.
Ngay khi ra đời, theo sắc lệnh số 19/SL và 20/SL ngày 12.5.1951 NHQG đã chính thức phát hành đồng tiền giấy mang tên: "NHQG Việt Nam" thay đồng tiền Tài chính. Đổi 10 đồng tiền Tài chính ăn 1 đồng tiền NHQG, một cuộc đổi tiền diễn ra tới 20 tháng, dài nhất trong lịch sử đổi tiền của ngân hàng Việt Nam.
Lần thứ ba: Tháng 2.1959 Chính phủ quyết định phân phối lại thu nhập và đã đổi tiền lần thứ 2 với tỷ lệ 01 đồng NHQG mới ăn 1000 đồng NHQG cũ. Với giá trị mới này, vào thời điểm từ tháng 2.1959 đến tháng 10.1960 một đồng NHQG bằng 1,36 Rúp Liên Xô và cũng tương đương 1,2 USD. Cuộc đổi tiền năm 1959 được đánh giá là “ngoạn mục” nhất trong lịch sử tiền tệ Việt Nam.
Đến tháng 10.1961 đồng tiền NHQG Việt Nam ở miền Bắc được đổi tên thành đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN) với cùng một mệnh giá để tránh trùng tên với đồng tiền NHQG ở miền Nam của chính phủ nguỵ quyền Sài Gòn.
Lần thứ tư: Ngày 22.9.1975, dưới sự lãnh đạo của Bộ chính trị và Trung Ương đảng lao động Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hoà miền nam Việt Nam đã tổ chức cuộc đổi tiền trên qui mô toàn miền nam để đưa đồng tiền mới lấy tên là "Tiền Ngân hàng Việt Nam" (còn gọi là tiền giải phóng) vào lưu thông với tỷ lệ 1 đồng NHVN ăn 500đ tiền của chế độ cũ và tương đương với 1 USD.
Lần thứ năm: Ngày 2.5.1978, Đúng dịp kỷ niệm 3 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam công bố đổi tiền lần thứ 3 trên phạm vi toàn quốc, thống nhất tiền tệ cả nước với tỷ lệ 1đồng tiền NHNN cũ ở miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền Giải phóng ở miền Nam ăn 1đồng NHNN mới.
Lần thứ sáu: Trước tình hình diễn biến phức tạp của lưu thông hàng - tiền và nạn khan hiếm tiền mặt nghiêm trọng trong thanh toán, ngày 14.9.1985 Nhà nước lại phải công bố đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền NHNN cũ ăn 1 đồng tiền NHNN mới phục vụ cuộc cách mạng về giá và lương. Nhà nước đã cho phát hành thêm vào lưu thông một khối lượng lớn tiền tương đương với 1,38 lần khối lượng tiền mới đã phát hành trong đợt đổi tiền trước đó để phục vụ công cuộc cải cách lương và giá.
Và đây là những tờ tiền cotton phát hành năm 1994 và hiện đã được thay thế bằng tờ tiền polymer.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.