Phó Thủ tướng: "Lợi ích nhóm" không thể phát hiện bằng mắt thường

Quỳnh Nguyễn Thứ năm, ngày 22/08/2024 06:00 AM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, qua các vụ án tham nhũng, kinh tế, kết luận các vụ việc có vi phạm do cơ quan kiểm tra, thanh tra ban hành, ông nhận thấy, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng pháp luật.
Bình luận 0

Nội dung này được Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chia sẻ tại phiên phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chiều 21/8.

"Lợi ích nhóm" không thể phát hiện bằng mắt thường

Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) gửi câu hỏi chất vấn Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: "Có tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật hay không?".

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, bản thân ông không đủ cơ sở để khẳng định. Tuy nhiên, qua các vụ án tham nhũng, kinh tế, kết luận các vụ việc có vi phạm do cơ quan kiểm tra, thanh tra ban hành, Phó Thủ tướng Chính phủ nhận thấy, có biểu hiện "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong xây dựng pháp luật.

Phó Thủ tướng: Qua các vụ án tham nhũng, kinh tế, có biểu hiện “lợi ích nhóm” trong xây dựng luật- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Quốc hội

Theo Phó thủ tướng, thời gian qua, Bộ Chính trị ban hành các quy định liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cho đến thi hành án, xây dựng pháp luật…

Trong số trên, quy định về kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật là khó hơn cả, bởi đây là lĩnh vực có những đặc thù nhất định.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng pháp luật là một công trình tập thể, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ bộ, ngành đến Chính phủ, các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi Quốc hội…

"Vì là công trình tập thể nên để xác định lỗi của ai thì cần cá thể hóa. Điểm quan trọng là làm sao gắn được quan hệ nhân quả, đặc biệt là chứng minh được yếu tố vụ lợi trong quá trình xây dựng pháp luật. Câu chuyện này không phải bằng mắt thường hoặc hành chính có thể phát hiện được", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.

Khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản

Tham gia chất vấn Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho biết Nghị quyết số 853/2023 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành hoặc văn bản vừa ban hành đã phải sửa đổi do không phù hợp.

Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến 5/5/2024 còn nợ 12 văn bản, chiếm 25%. Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương…

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tổng số các văn bản Chính phủ và các bộ cần xây dựng và ban hành là 261 văn bản quy định chi tiết. Đối với 128 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực, đến thời điểm này, ban hành được 106 văn bản, còn nợ 22 văn bản. "So với những năm trước, tiến độ ban hành văn bản đã tốt hơn", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng nêu nguyên nhân của việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, có những văn bản nội dung khó, mặc dù đã được bàn thảo nhiều lần nhưng chưa có giải pháp. 

Một trong những giải pháp đặt ra là sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Chính phủ; tăng cường các cuộc làm việc trực tiếp để đôn đốc các cấp, các ngành tích cực soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Sáng nay (22/8), tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhóm lĩnh vực Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn tiếp theo đó là: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án và kiểm sát.

Việc chất vấn sẽ không tiến hành theo nhóm vấn đề như tại các phiên họp thông thường. Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào, cá nhân đó sẽ trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa.

Trong quá trình chất vấn, đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng.

Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết làm cơ sở để triển khai thực hiện.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem