Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư trên toàn quốc

Thứ bảy, ngày 01/10/2022 21:01 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện một số nội dung của Đề án 06 liên quan đến người dân trên môi trường số như khám chữa bệnh, thu chi trong các trường học...
Bình luận 0

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến thúc đẩy thực hiện Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư trên toàn quốc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư trên toàn quốc - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại Hội nghị, các địa phương đã báo cáo với Phó Thủ tướng những kết quả đã đạt được trong triển khai thực hiện Đề án 06 cũng như những thuận lợi và khó khăn.

Các địa phương ghi nhận sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - C06, Bộ Công an, sự quan tâm phối hợp của các cơ quan Trung ương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án 06, nhiều địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn như: chất lượng đường truyền, hạ tầng internet, đường truyền phục vụ tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cho người dân chưa ổn định; trang thiết bị phục vụ còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu công tác; nguồn nhân lực chưa có kinh nghiệm, chưa được tập huấn đào tạo sử dụng công nghệ dẫn đến việc tiếp nhận, xử lý, hướng dẫn công dân đạt hiệu quả chưa cao.

Tỉnh Thái Nguyên được chọn là đơn vị triển khai thí điểm thực hiện Đề án 06 theo chỉ đạo của Chính phủ. Đề án 06 cũng được tỉnh xác định là đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp, phù hợp với chương trình Chuyển đổi số của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công an, đặc biệt là Cục C06, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu liên quan đến việc đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử.

Tỉnh đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhất là việc phối hợp nhập dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt trên 1 triệu dữ liệu, hoàn thành chỉ tiêu 100%, vượt tiến độ, yêu cầu đề ra trước 47 ngày. Kết quả này đã được Chính phủ và Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh các địa phương đi đầu trong việc thực hiện một số nội dung của Đề án 06 như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Cần Thơ, Quảng Ninh…

Qua triển khai thí điểm tại tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả bước đầu của Đề án, từ đó mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện triển khai đồng bộ được hai cơ sở dữ liệu gồm tư pháp và công an.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư trên toàn quốc - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Phó Thủ tướng cho rằng đối với nhiều địa phương, việc triển khai thực hiện các nội dung của Đề án 06 sẽ gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu, tuy nhiên, cần phải tiếp tục cố gắng nỗ lực để vượt qua.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện một số nội dung của Đề án liên quan đến người dân trên môi trường số như: khám chữa bệnh, thu chi trong các trường học, sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế cho thẻ ngân hàng, quản lý chặt chẽ về biến động dân cư thông qua khai báo lưu trú…

Riêng với tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện triển khai điểm về việc rà soát quản lý số điện thoại không rõ người dùng, loại bỏ tình trạng sim rác và đẩy nhanh việc thực hiện kết nối dữ liệu đất đai và dữ liệu về dân cư trong thời gian sớm nhất.

Tỉnh Thái Nguyên hiện đã đạt được những kết quả bước đầu ở cả 3 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, như: thành lập Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên (IOC); cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện mức độ 4 trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; triển khai ứng dụng nhằm phát triển chính quyền số, xã hội số như "C-ThaiNguye," "ThaiNguyen ID," sổ tay Đảng viên điện tử, khai trương mạng 5G… Những kết quả này sẽ là chìa khóa giúp Thái Nguyên đạt được mục tiêu trở thành địa phương đi đầu trong thực hiện Đề án 06./.

Thu Hằng (Theo TTXVN/Vietnam+)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem