Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực và sự chủ động của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan (với vai trò là Cơ quan thường trực) trong thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban 1899 trong thời giai qua.
Trong 6 tháng cuối năm 2017, việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN vào kiểm tra chuyên ngành đã có một số kết quả tích cực. Hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản ổn định, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về cơ bản được giải quyết kịp thời…
Bộ Công Thương, Y tế, NNPTNT vẫn còn nhiều thủ tục chuyên ngành
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả này còn xa so với mục tiêu khi mới chỉ thực hiện được một phần năm kế hoạch năm 2017.
Theo bà Nguyễn Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, so với chỉ tiêu 22 thủ tục hành chính thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia được giao tại Phiên họp lần thứ hai hồi tháng 7.2017, hiện mới chỉ có 8 thủ tục được triển khai, 14 thủ tục còn lại phải chờ đến hết quý I.2018 mới chính thức được thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Dự kiến đến hết Quý I.2018, chỉ có 25 thủ tục được đưa vào vận hành (trong đó có 22 thủ tục được giao thực hiện 6 tháng cuối năm 2017) chỉ chiếm 19% trên tổng số 130 thủ tục hành chính được các Bộ đăng ký triển khai trong năm 2017 theo Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016 – 2020.
Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn chiểm tỷ trọng quá lớn trong số lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu; hiệu lực, hiệu quả kiểm tra chuyên ngành còn thấp; số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn lại tương đối nhiều; một số lĩnh vực còn bị bỏ sót; hiện tượng chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn còn khá phổ biến…
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn, trong 100 danh mục kiểm tra chuyên ngành thì một nửa số này không có tiêu chuẩn, quy chuẩn và tỷ lệ phát hiện sai phạm chỉ đạt 0,14%.
“Một nửa danh mục kiểm tra chuyên ngành không có tiêu chuẩn, quy chuẩn là những thủ tục gì, nằm ở Bộ nào. Chung chung thế này 1 năm sau ngồi họp lại không có chuyển biến gì cả”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Theo ông Cẩn, việc duy trì kiểm tra chuyên ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp và kéo dài thời gian thông quan, diễn ra phổ biến ở các Bộ: Công Thương, Y tế, NNPTNT.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, cơ quan này chỉ đưa vào danh mục kiểm tra chuyên ngành nếu có tiêu chuẩn, quy chuẩn. “Hiện Bộ đang áp dụng quản lý rủi ro trong thông quan hàng hoá, với DN nhập khẩu liên tục 3 lần trong một năm không có vi phạm gì thì chuyển sang kiểm tra hồ sơ, không lấy mẫu và kiểm tra hàng tại kho. Nếu nghi ngờ mới kiểm tra thử nghiệm”, ông Cường nói và cho biết thời gian tới sẽ hoàn thiện các Nghị định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hoá trong lĩnh vực y tế, dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ giảm được 95% số thủ tục.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ này đã rất nỗ lực trong công cải cách thủ tục về cơ chế một cửa. Theo ông Khánh, kiểm tra chuyên ngành không phải là lí do kéo dài thời gian thông quan, rất hiếm áp dụng cho xuất khẩu nên thông tin Tổng cục Hải quan đưa ra chưa xác đáng.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan tái khẳng định nhận định của mình và cho biết trong năm 2017, Tổng cục Hải quan đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ việc này và Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, trong đó có Bộ Công Thương báo cáo nhưng đến nay vẫn không thấy có thông tin.
Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết thêm, việc cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành không phải là cắt cơ học mà tiêu chuẩn, quy chuẩn đưa ra phải hợp quy. “Khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa hợp quy thì không nên đưa vào danh mục”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nói.
Doanh nghiệp than phiền
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI khẳng định việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia sẽ tạo thuận lợi rất tốt cho các doanh nghiệp. Qua khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về hải quan và triển khai cơ chế một cửa quốc gia, đại diện VCCI cho biết trong thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành có một số khó khăn như đánh giá chung thì 25% DN cho biết thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành khó và rất khó, 67% bình thường và chỉ 8% cho biết dễ, rất dễ.
Tỷ lệ DN đánh giá khó và rất khó đứng đầu là ngành văn hóa chiếm 59%, y tế 40% và kiểm dịch động vật 36%, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm 29%, kiểm tra chất lượng 25%.
Mức độ dễ dàng trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành, DN đánh giá chất lượng rất khó là 5% tổng số DN, khó là 20%; bình thường 68%, dễ 7%, rất dễ 1%. Kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm, sốDN cảm thấy rất khó là 7%, khó 22%, bình thường 63%, dễ 8%. Kiểm tra chuyên ngành về văn hóa 28% DN kêu rất khó, khó 31%, bình thường 41%, ko có DN đánh giá dễ và rất dễ. Kiểm tra chuyên ngành Y tế 6% số DN kêu rất khó, 34% kêu khó, bình thường là 57%, dễ 3%, không có DN đánh giá rất dễ. Kiểm dịch động vật 7% DN kêu rất khó, 29% kêu khó, bình thường là 57% và dễ 6%, rất dễ 1%,…
“Liên quan đánh giá cụ thể về kiểm tra chuyên ngành, có 39% DN cho biết các quy định kiểm tra chuyên ngành quá nhiều do nằm nhiều văn bản khác nhau nên DN khó nắm bắt thông tin; 98% ko phù hợp thực tế; 82% DN cho rằng chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành chưa tốt; 81% DN cho rằng thời gian kiểm tra quá dài…”, đại diện VCCI nói tại cuộc họp.
Tất cả những hạn chế nói trên đã và đang gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thêm gánh nặng về chi phí, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp; trên một số trường hợp thậm chí còn làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, như vậy ước tính một cửa quốc gia chỉ tạo thuận lợi được 7-8% số DN khảo sát, còn “hành” tới 25% số doanh nghiệp. Mức độ văn bản quá nhiều, phức tạp chiếm tới 80-90%.
“Lĩnh vực nông nghiệp, y tế rất nhiều thủ tục liên quan tới kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh thực vật, như vậy thì làm sao mà Thủ tướng và Chính phủ yên lòng được”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Triển khai đủ 130 thủ tục hành chính mới tại Một cửa quốc gia
“Sức ép của việc thực hiện các chỉ tiêu cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 50% điều kiện kinh doanh của Nghị quyết số 01 của Chính phủ là rất lớn, không có chỗ cho sự chần trừ. Tạo thuận lợi thương mại cho DN, đi đôi với chống gian lận thương mại, không được lấy lý do chống gian lận thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước để níu giữ quyền lực của bộ ngành, để nhũng nhiễu gây khó dễ cho giao thương. Năm 2018 phải có đột phá về thực hiện hải quan một cửa”, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ và đặt ra trách nhiệm của các Bộ trưởng, Cục trưởng khi triển khai chậm cơ chế này.
Về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30 - 35% trên tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu như hiện nay xuống còn 15% nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp song vẫn phải đảm bảo hiệu quả trong quản lý nhà nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Bên cạnh việc yêu cầu các Bộ hoàn thiện văn bản pháp luật, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động quản lý/kiểm tra chuyên ngành; bỏ quy định chứng nhận hợp quy theo từng lô hàng nhập khẩu và theo người nhập khẩu; thu hẹp danh mục phải kiểm tra chuyên ngành ngay tại khâu thông quan (trừ các loại hàng hoá có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm, kiểm dịch, an ninh quốc gia).
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.