Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ sẽ "đi chợ" cùng nông dân

Minh Huệ Chủ nhật, ngày 14/10/2018 13:08 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ ba với chủ đề "Khơi nguồn nông sản Việt", diễn ra sáng nay 14.10 tại Hà Nội. Diễn đàn do T.Ư Hội NDVN phối hợp Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương giao Báo NTNN/ Dân Việt phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện.
Bình luận 0

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chúc mừng ngày kỉ niệm 88 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14.10.1930-14.10-2018) và đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Hội NDVN về việc tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia hàng năm. 

"Tôi đánh giá rất cao Diễn đàn hôm nay và cách chọn chủ đề của diễn đàn. Năm ngoái là chủ đề Nông dân Việt Nam sẵn sàng với Nông nghiệp 4.0, năm nay lại nhấn mạnh khâu tiêu thụ, khơi nguồn nông sản Việt. Đặc biệt, diễn dàn hôm nay đã thu hút đông đảo sự tham gia của lãnh đạo bộ ngành, các ngân hàng, nhà khoa học, quản lý, nhất là có sự tham gia của 63 nông dân Việt Nam xuất sắc đại diện cho nông dân 63 tỉnh, thành phố. Cách tổ chức diễn đàn không dài dòng mà chia thành 3 phiên thảo luận, tạo không khí gần gũi, thảo luận sôi nổi" - Phó Thủ tướng nhận xét.

Trước hết, chúng ta cần hình dung “chợ” nông sản Việt hiện nay thế nào? Hiện nay Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có giá trị trên 2 tỷ USD. Trái cây đã chính thức soán ngôi dầu thô, nếu làm tốt có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD trong năm nay. 

img

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, năm 2018 chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện có ý nghĩa của ngành nông nghiệp, đó là lần đầu tiên tổ chức Hội nghị ngành gạo thế giới, thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu trong và ngoài nước. Năm nay, nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta được mùa, sản lượng cao kỉ lục nhưng nhờ chủ động tổ chức tiêu thụ, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối với doanh nghiệp... nên tiêu thụ vẫn thuận lợi và được giá, điển hình là vụ vải thiều ở Bắc Giang, vụ nhãn ở Hưng Yên và Sơn La...

Riêng vụ vải thiều của Bắc Giang vừa rồi đạt doanh thu kỷ lục 6.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 3.700 tỷ đồng thu trực tiếp từ quả vải, còn lại là các dịch vụ khác.

Sự kiện nữa là Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đang làm thủ tục công nhận cá tra xuất khẩu của Việt Nam đủ điều kiện nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Phía Cục kiểm tra An toàn Thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã kểm tra thực địa và đánh giá chúng ta sản xuất cá tra rất tốt, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành các thủ tục nhập khẩu cá tra Việt Nam. 

Vừa rồi, thuế chống bán phá giá xuất khẩu tôm cũng được hoá giải. Đó là những thông tin rất tích cực. 

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu manh mún quy mô nhỏ, tình trạng nông sản nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu xuất hiện khá phổ biến. Nguyên nhân là do không có liên kết với thị trường.

Theo quy luật của thị trường, cung nhiều hơn sẽ làm giá không tốt được, nhưng nếu làm tốt khâu tiêu thụ thì sẽ vẫn bán được với giá tốt. Khâu kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, kết nối cung cầu vẫn đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị nông sản của chúng ta.

Nếu sản xuất tốt, đúng kế hoạch, theo tín hiệu thị trường thì tiêu thụ sẽ tốt, nhưng hiện nay chủ yếu chúng ta sản xuất thô, chế biến sâu ít, sản xuất tự do theo thói quen, không gắn kết với tiêu thụ, hàng triệu người nông dân trở thành người bán hàng thì đương nhiên sẽ ít người mua.

Thị trường ở đây, không phải là chợ trong nước cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam mà cho 7 tỷ người trên thế giới, do đó vấn đề gốc rễ là tổ chức sản xuất theo hướng khai thác lợi thế từng vùng, từng địa phương…, gắn chặt với thị trường trong nước và toàn cầu mới khai thác được tiềm năng này. 

"Các vấn đề đặt ra tại Diễn đàn, cũng như thực tế hiện nay là làm sao phải tổ chức tốt chợ trong nước và mang ra chợ nước ngoài. Rõ ràng cần có vai trò của Nhà nước, bộ ngành chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và cả người nông dân. Trong đó, vai trò điều hành của Nhà nước rất quan trọng. Chúng ta đã ký 12 hiệp định thương mại song phương và đa phương, đang tích cực rà soát, thúc đẩy việc ký hệp định thương mại với EU. Nhưng việc ký các hiệp định thương mại cũng sẽ có 2 mặt, thuận lợi là đưa nông sản ra thế giới nhưng cũng tạo sự cạnh tranh khi nông sản các nước tràn vào, trong đó ảnh hưởng lớn nhất là ngành chăn nuôi. Nếu tổ chức không khéo, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà" - Phó Thủ tướng nói. 

Về chính sách phát triển hạ tầng tiêu thụ nông sản, chúng ta đang thúc đẩy phát triển, xây dựng chợ đầu mối, phát triển thị trường tiêu thụ tương lai để phân chia rủi ro, giảm các khâu trung gian, tiêu thụ thuận lợi với giá tốt hơn. Ngoài ra, việc liên kết giữa "5 nhà" cần phải tăng cường thúc đẩy hơn nữa, trong đó vai trò dẫn dắt của HTX rất quan trọng, là cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chủ động tham gia vào mối liên kết này vẫn phải là người nông dân, Nhà nước chỉ đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ. 

Phó Thủ tướng khẳng định: "Tin rằng, với 2 vấn đề cốt lõi đã chỉ ra trong Diễn đàn này là thúc đẩy thị trường tiêu thụ và liên kết, nông nghiệp của chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa, gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp".

"Bây giờ lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng sẵn sàng đồng hành, đi chợ cùng người nông dân. Thay mặt Chính phủ, xin hứa với bà con nông dân sẽ hoàn thiện hơn nữa các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường. Tin rằng với sự vào cuộc đó, tình trạng được mùa mất giá, ế thừa nông sản sẽ ngày càng giảm đi, đời sống và thu nhập của người nông dân ngày càng được nâng cao" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem