Anh Phạm Trần Đăng Khoa ở Chợ Gạo (Tiền Giang) - một trong những hộ bị thiệt hại nặng do 14.000 bịch phôi nhập về không cho nấm cho biết, vợ chồng anh đã gom hết tiền tích cóp được, đồng thời vay mượn thêm hơn 120 triệu đồng để xây nhà trồng và mua phôi, nhưng không hiểu sao có tới 90% bịch phôi không ra nấm.
“Lần đầu tôi tốn 90 triệu đồng cho hơn 14.000 phôi nhưng sau 2 tháng nuôi, 90% bịch phôi không cho nấm, lần thứ hai mua thêm 8.000 bịch phôi nhưng phôi vẫn tiếp tục chết, giờ gia đình tôi nợ nần chồng chất” - anh Khoa than thở.
Ông Chiêu Công Luận, chủ một cơ sở sản xuất phôi nấm tại phường Khánh Hậu (TP.Tân An, tỉnh Long An) cho biết, 3 tháng gần đây ông lấy meo từ Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ KHCN Tiền Giang để cấy vào 220.000 bịch phôi rồi cung ứng cho bà con nuôi trồng, nhưng khách hàng phản ánh có tới hơn 90% bịch phôi không ra nấm, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hầu hết nông dân đều cho rằng do meo không đạt chất lượng nên phôi mới không cho nấm.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Vinh – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền Việt Nam) cho biết, phôi không cho nấm có thể do nhiều nguyên nhân như meo giống không đảm bảo chất lượng; môi trường nuôi trồng không thuận lợi, chăm sóc không đúng kỹ thuật...
“Khi phôi kéo tơ trắng có nghĩa là meo tốt, nấm có thể phát triển thuận lợi. Nhưng nếu độ ẩm, nhiệt độ, quá trình chăm sóc không đảm bảo thì phôi cũng có thể không ra nấm. Ngay cả khi phôi đã mọc nấm, nếu tưới quá nhiều nước cũng có thể làm nấm chết hoặc sống tỷ lệ thấp” – ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, trường hợp phôi trồng đã lâu không cho nấm không phải là hiếm gặp. Bà con có thể kiểm tra lại các mô sẹo, xem có hình thành quả thể (quả nấm) hay không, đồng thời nên ngừng tưới, đợi thêm vài ngày xem nấm có nở hay không. Trong trường hợp phôi chết với tỷ lệ cao, có thể do giống nấm đã bị thoái hóa nên chăm sóc lâu phôi cũng không thể ra nấm.
Ngày 4.9, trao đổi với phóng viên NTNN, đại diện Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ KHCN Tiền Giang cho biết: Lâu nay trung tâm thường ký hợp đồng với nông dân trong vùng để cung ứng meo và phôi nấm.
Qua kiểm tra, những bịch giống do trung tâm cung ứng trực tiếp cho bà con vẫn phát triển bình thường, nếu có trường hợp bị thiệt hại mà do chất lượng giống nấm, trung tâm sẽ thực hiện bồi thường cho bà con theo đúng cam kết trong hợp đồng.
Tuy nhiên, đối với 3 đại lý cung ứng phôi nấm mà báo chí phản ảnh trong những ngày vừa qua, trung tâm chỉ bán meo cho họ theo hình thức mua đứt bán đoạn. Theo đó, các đại lý nhập meo về cơ sở rồi cấy vào phôi. Trong quá trình cấy, có thể do phôi không đảm bảo chất lượng nên nấm không nở.
Về điều này, ông Lê Hồng Vinh cho rằng phía trung tâm, cũng như các đại lý cung ứng phôi nấm cần kiểm tra, rà soát lại để xác định rõ nguyên nhân, từ đó sớm có giải pháp bồi thường, hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.