Phòng chống bão Côn Sơn ở Thanh Hóa: Đảm bảo thực phẩm cho người dân tối thiểu 8 ngày, hạn chế sơ tán tập trung

Hữu Dụng - Hoài Thu Thứ sáu, ngày 10/09/2021 22:35 PM (GMT+7)
Để ứng phó với bão lũ, cấp huyện phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo đủ cứu trợ trong thời gian 5 ngày, cấp xã, thị trấn và các hộ gia đình đảm bảo 3 ngày.
Bình luận 0

Chủ động sơ tán dân

Ngày 10/9, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với các huyện: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đây là địa bàn trọng điểm thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ của tỉnh Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Tăng cường công tác phòng chống thiên tai gắn với phòng, chống dịch Covid-19 tại các huyện miền núi - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang làm việc với các huyện: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. (Ảnh: Quang Thanh)

Qua báo cáo, hiện ở huyện Quan Hóa còn 131 hộ với 587 khẩu tại thị trấn Hồi Xuân và 5 xã: Phú Nghiêm, Phú Xuân, Thành Sơn, Trung Thành, Trung Sơn ở 14 điểm có nguy cơ xảy ra ngập lụt.

Để chủ động trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), huyện Quan Hóa đã xây dựng phương án phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất theo từng cấp độ rủi ro thiên tai và phương án sơ tán dân vùng ven sông, vùng trũng thấp có nguy cơ bị ngập lụt khi mưa lớn năm 2021.

Còn trên địa bàn huyện Mường Lát, có 749 hộ sống trong vùng có nguy cơ bị sạt lở cần phải sơ tán khi có tình huống xảy ra. Trên cơ sở đó, huyện Mường Lát đã xây dựng phương án sơ tán dân, trong đó bố trí ở xen ghép tại bản 327 hộ, sơ tán tập trung 422 hộ.

Tại huyện Quan Sơn, có 823 hộ có nguy cơ bị mất an toàn cao. Trong đó, có 231 hộ có nguy cơ bị lũ ống lũ quét, 544 hộ có nguy cơ sạt lở đất và 48 hộ ven sông suối có nguy cơ phải di dời khi có lũ. Các hộ này tập trung ở khu Co Hương, bản Ngàm (xã Tam Thanh), khu Pom Ca Thủy, bản Xuân Sơn (xã Sơn Điện), khu Bản Yên (xã Mường Mìn).

Thanh Hóa: Tăng cường công tác phòng chống thiên tai gắn với phòng, chống dịch Covid-19 tại các huyện miền núi - Ảnh 2.

Ông Lê Đức Giang cùng đoàn công tác kiểm tra một số điểm có nguy cơ sạt lở. (Ảnh: Quang Thanh)

Trước tình hình mùa mưa bão, UBND huyện Quan Sơn đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cắm biển cảnh báo để người dân và các phương tiện giao thông biết và phòng tránh khi qua lại các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao.

Đảm bảo lương thực, thực phẩm cứu trợ

Đối với các vùng thường xuyên bị chia cắt khi có mưa lũ xảy ra, cấp huyện phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo đủ cứu trợ trong thời gian 5 ngày, cấp xã, thị trấn và các hộ gia đình đảm bảo 3 ngày.

Để đảm bảo an toàn cho các khu vực dân cư khi xảy ra thiên tai trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các huyện chủ động rà soát, cập nhật phương án sơ tán dân theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung. Sẵn sàng phương án huy động lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, hóa chất khử trùng, khẩu trang y tế cho các địa điểm sơ tán dân. Ưu tiên các nguồn lực, trang thiết bị, vật tư y tế của địa phương (gồm cán bộ y tế, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, thuốc sát khuẩn, khẩu trang...) đến các khu vực cách ly tập trung để đảm bảo hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh trong khu cách ly tập trung.

Thanh Hóa: Tăng cường công tác phòng chống thiên tai gắn với phòng, chống dịch Covid-19 tại các huyện miền núi - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu các huyện trên tập trung thu hoạch lúa thu mùa và triển khai sản xuất vụ Đông. (Ảnh: Quang Thanh)

Mặc dù đã xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tuy nhiên quá trình triển khai tại các huyện này còn gặp nhiều khó khăn, do tập quán về nơi ở của người dân gần khe, suối; quỹ đất bằng ở một số địa phương rất hạn chế dẫn đến một số hộ dân làm nhà ở dọc sông, trên các tuyến đường giao thông nơi có nguy cơ sạt lở taluy cao…

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu các huyện: Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa thu mùa và triển khai sản xuất vụ đông. Đồng thời, yêu cầu các huyện triển khai thực hiện test nhanh Covid-19 cho người dân sống trong vùng có nguy cơ bị sạt lở đã được duyệt phương án di dân. Các huyện bố trí khu cách ly riêng cho các hộ phải sơ tán theo hướng tăng cường sơ tán tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.

Thanh Hóa: Tăng cường công tác phòng chống thiên tai gắn với phòng, chống dịch Covid-19 tại các huyện miền núi - Ảnh 4.

Ông Lê Đức Giang kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và ứng phó với cơn bão Côn Sơn. (Ảnh: Quang Thanh)

Đối với các điểm lở núi, sạt taluy âm sông suối và các hộ dân sống trong các vùng có nguy cơ cao bị sạt lở, các địa phương xây dựng phương án xử lý khẩn cấp trình UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét xử lý, để người dân sớm ổn định cuộc sống. Thường xuyên kiểm tra, huy động lực lượng khơi thông các đoạn sông, suối thường xuyên bị ách tắc dòng chảy khi có mưa lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các huyện trên huy động các phương tiện để kịp thời ứng cứu các điểm giao thông có nguy cơ sạt lở khi có thiên tai. Yêu cầu Sở Công Thương tỉnh này chỉ đạo các nhà máy thủy điện điều tiết xả lũ, cung cấp lương thực, thực phẩm khi cần thiết, không để mất điện cục bộ và kéo dài.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh này có trách nhiệm rà soát các hộ nghèo có nguy cơ thiếu lương thực trong vùng có nguy cơ bị thiên tai lũ ống, lũ quét để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem