Phòng chống lũ ống, lũ quét: Cần một phương án ứng phó khác bão

Ngọc Quý Thứ hai, ngày 02/07/2018 07:30 AM (GMT+7)
Đó là khẳng định của PGS.TS Khoa học Vũ Cao Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) về hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua. Vì tính chất này, theo ông Minh, cần có một cách ứng phó khác.
Bình luận 0

Thiên tai có một phần do con người

Nhận định về đợt mưa lũ đầu mùa ở một số tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua, ông Minh cho rằng, thiệt hại như vậy là quá lớn. “Tôi không bất ngờ về thiên tai nhưng bất ngờ về thiệt hại, nhất là thiệt hại về tính mạng con người. Chúng ta đã làm nhiều việc nhằm hạn chế thiệt hại nhưng nó vẫn xẩy ra. Đây là điều rất đáng tiếc, đáng suy nghĩ”, ông Minh nói.

img

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thị sát tình hình lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: IT.

Về những nguyên nhân khiến sạt lở, lũ ống, lũ quét không những không giảm mà còn gia tăng, theo ông Minh, rủi ro thiên tai phụ thuộc vào hai yếu tố. Yếu tố thiên tai và yếu tố con người. Thiên tai càng nguy hiểm thì rủi ro càng cao. Con người mà chủ quan, thụ động thì rủi ro, thiệt hại càng lớn.

Sạt lở, lũ ống, lũ quét là loại hình thiên tai rất nguy hiểm. Đó là loại hình thiên tai kép, thiên tai dây chuyền, thiên tai tổng hợp. Trượt lở dẫn đến lũ ống. Trượt lở và lũ ống gia tăng lũ quét. Chúng không chỉ có nguồn gốc từ khí hậu mà còn có nguồn gốc địa chất, địa hình, các yếu tố con người.

Khí hậu đang biến động mạnh, địa chất cũng biến đổi không ngừng, lại thêm các tác động chưa được kiểm soát tốt như nạn phá rừng, nạn đào phá sườn đồi núi, chẹn lấp sông suối, vì vậy rủi ro sạt lở, lũ ống, lũ quét gia tăng là điều không thể tránh khỏi.“Con người làm gia tăng thiên tai và con người tự mình chưa có cách ứng phó hiệu quả làm cho rủi ro tăng cao. Dân số ngày một đông đúc. Không lường trước được các nguy hiểm có thể xảy ra, không biết cụ thể khi nào thiên tai có thể ập đến thì thiệt hại sẽ rất lớn”, ông Minh khẳng định. 

Phòng chống lũ quét phải khác bão

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc, chúng ta đã có các điều tra cảnh báo thiên tai ở dạng các bản đồ về rủi ro trượt lở, lũ ống, lũ quét cho nhiều vùng, nhiều địa phương, có nghĩa là đã lường trước được nguy hiểm, ông Minh cho rằng: “Phần lớn các tài liệu này được làm cho các cấp tỉnh, huyện. Thường được dùng để lập kế hoạch, chỉ đạo chung. Còn rất ít những tài liệu cụ thể cho các xã thôn bản, để người dân có thể tự biết mình bị nguy hiểm mà phòng bị”.

img

Người dân Tam Đường (Lai Châu) khắc phục hậu quả lũ quét. Ảnh: IT.

Theo ông Minh, hệ thống dự báo, cảnh báo về sạt lở, lũ quét thường xuyên phát trên các bản tin khi có mưa lớn là cần thiết để mọi người đề phòng. Tuy vậy nó không đủ cụ thể để người dân ở một làng bản có thể biết thiên tai nào sẽ xảy ra với họ, xảy ra ở đâu và khi nào để ứng phó.

Để ứng phó, ông Minh cho rằng, giải pháp phòng chống phù hợp phải dựa trên đặc thù của thiên tai. Đối với bão, lũ lụt xảy ra trên quy mô rộng, diễn biến nhiều ngày thì ta có thể huy động các nguồn lực, kiểu như dàn một trận đánh lớn. Xong đối với trượt lở, lũ ống, lũ quét mà cũng làm như vậy thì trật. 

"Hầu hết các trận trượt lở, lũ ống lũ quét xảy ra ở vùng núi, trên các địa hình phân cắt, khó tiếp cận. Chúng lại xuất hiện nhanh, bất ngờ, với nhiều chủng loại khác nhau, tàn phá ác liệt. Có thể coi chúng là dạng thiên tai phân tán, kiểu như chiến tranh du kích, nhỏ nhưng hiểm ác. Vì vậy ta phải có cách ứng phó khác. Phải có lực lượng tại chỗ, ngay ở cấp thôn bản, đủ khả năng phát hiện và ứng phó với chúng”, ông Minh nói.

Ông Minh đề nghị, cần triển khai các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Bởi nguyên tắc dựa vào cộng đồng đúng cho mọi thiên tai, kể cả động đất, bão lũ và đúng cho mọi vùng từ vùng núi tới đồng bằng. Với trượt lở, lũ ống, lũ quét thì cần những điểm đặc thù hơn.

Chúng ta cần làm cho các thôn bản tự mình có thể đương đầu tại chỗ với thiên tai. Coi đó là đơn vị phòng chống thiên tai cơ sở của cả hệ thống từ xã huyện tỉnh lên tới trung ương. Các đơn vị này cần được huấn luyện, được trang bị các thiết bị tối thiểu để phát hiện sớm các dấu hiện của thiên tai, thiết bị thông tin tới các cấp và cảnh báo tại chỗ cho dân.

Cần có thêm các loại thiết bị truyền tin, thiết bị phát hiện các dấu hiện của thiên tai như rung chấn, âm thanh, chuyển động của dòng nước, của đất đá. Song điểm quan trọng là lực lượng này cần được đặt trong hệ thống của quốc gia. Cần được nhận các hướng dẫn, các bản tin cảnh báo của các cơ quan Trung ương về khu vực mình và cũng có trách nhiệm truyền báo thông tin thiên tai lên các cấp cao hơn. Tất cả tạo nên một hệ thống quốc gia về cảnh báo sớm.

Ông Minh cho rằng, việc người phó trưởng bản cùng nhóm thanh niên bản Sáng Tùng, xã Tà Ngảo huyện Sìn Hồ kịp thời phát hiện các vết nứt trên sườn núi và báo lên cấp trên để ra lệnh sơ tán cả bản vào đêm 26.7 vừa qua, kịp cứu hơn một trăm nhân mạng thoát chết là bài học cụ thể về xây dựng lực lượng tại chỗ và hệ thống cảnh báo sớm quốc gia.

Có rất nhiều việc phải làm từ các khâu điều tra nghiên cứu tới vận dụng cụ thể, từ vận động tại các thôn bản lên tới các cơ quan trung ương. Tình hình thiên tai năm 2017 và nửa đầu năm nay cảnh báo ta đã đến lúc cần có các chương trình hành động phù hợp, mạnh mẽ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem