Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng: “Làm sạch” dữ liệu, xử lý SIM rác

Nguyễn Thịnh Thứ sáu, ngày 06/10/2023 20:11 PM (GMT+7)
Nhiều câu hỏi liên quan tới phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng đã được giải đáp tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 5/10 tại Hà Nội.
Bình luận 0

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 5/10, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã trả lời, giải đáp nhiều thắc mắc của đại diện các cơ quan báo chí liên quan đến phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.

Thống kê cho thấy, trong tháng 9/2023, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã ghi nhận 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất, bao gồm: Giả mạo website, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén và lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR.

Cũng trong tháng 9/2023, hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia cũng đã ngăn chặn triệt để 441 website vi phạm pháp luật, lừa đảo trực tuyến.

Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng: “Làm sạch” dữ liệu, xử lý SIM rác - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại họp báo. Ảnh Đức Huy

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Lê Văn Tuyên cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ TT&TT để thực hiện kế hoạch phối hợp nhiều nội dung triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Ngân hàng nhà nước sẽ làm sạch dữ liệu khách hàng, có thông tin nhận biết khách hàng để góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo tùy thân để mở tài khoản thanh toán.

Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng: “Làm sạch” dữ liệu, xử lý SIM rác - Ảnh 1.

Ông Phạm Công Hải, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) trả lời, giải đáp thắc mắc của đại diện các cơ quan báo chí. Ảnh Đức Huy

Tính đến cuối tháng 8/2023 có 27 tổ chức tín dụng đã liên hệ làm việc với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Bộ Công an để triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán, 42 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai ứng dụng CCCD gắn chip, 7 tổ chức tín dụng liên hệ với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hộ để rà soát đối tượng nghi ngờ, giả mạo giấy tờ.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán để các tổ chức tín dụng có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh, đồng thời nỗ lực truyền thông qua các chương trình, hội thảo, hội nghị, phối hợp với cơ quan báo chí để giúp người dân sử dụng dịch vụ thanh toán, tài khoản một cách an toàn, hiệu quả.

"Thông thường, tội phạm lừa đảo khi nhận lượng tiền lớn, sẽ chuyển qua rất nhiều tài khoản để chiếm đoạt. Vì thế, chúng ta cần có cơ chế xác thực sinh trắc học để ngăn chặn dòng tiền đó. Hiện chúng tôi đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước", ông Phạm Công Hải nói.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ TT&TT có phương án để hỗ trợ các ngân hàng làm sạch dữ liệu, đối khớp thông tin đăng ký tài khoản ngân hàng trực tuyến với thông tin chủ thuê bao di động theo di số điện thoại động.

Thời gian qua, Bộ TT&TT tăng cường xử lý SIM rác hiệu quả, qua đó đã giúp chủ tài khoản đăng ký SIM di động khớp đúng với tài khoản ngân hàng, làm giảm việc giả mạo giấy tờ, giả mạo tùy thân để mở tài khoản thanh toán - ông Lê Văn Tuyên nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem