Nhật Bản – không ăn bánh nướng, bánh dẻo
Ở Nhật, tết Trung thu được gọi là “đêm 15” hoặc “trăng Trung thu”. Trong ngày này, người Nhật sẽ cùng nhau mở tiệc trà, ngắm trăng. Tập tục này bắt nguồn từ Trung Quốc, được truyền tới Nhật Bản hơn 1000 năm trước. Tuy nhiên, người Nhật lại không ăn bánh nướng, bánh dẻo mà chọn thưởng thức Tsukimi Dango - một loại bánh nếp hình tròn, màu trắng như tuyết. Tuy từ thời Minh Trị Duy tân, lịch âm đã bị xóa bỏ, chỉ dùng lịch dương nhưng nhiều vùng ở Nhật vẫn duy trì tập tục ngắm trăng. Một số chùa, điện thờ còn tổ chức hội ngắm trăng dành riêng cho ngày lễ đậm tính truyền thống này. Ngoài ra, Trung thu ở Nhật trùng với thời điểm thu hoạch mùa màng nên người Nhật còn tổ chức nhiều hoạt động ăn mừng để bày tỏ lòng biết ơn thiên nhiên.
Việt Nam – trẻ em là nhân vật chính trong dịp Trung thu
Mỗi dịp Trung thu, thị trường bánh nướng bánh dẻo, đồ chơi ở Việt Nam lại trở nên rộn ràng hơn cả. Trẻ em thường là nhân vật chính trong những ngày này, được bố mẹ sắm sửa đủ loại đồ chơi, đèn lồng, mặt nạ, các loại bánh kẹo, đồ ăn vặt. Khu phố cổ ở thủ đô Hà Nội luôn đầy ắp các mặt hàng Trung thu đủ màu sắc, đủ sức hấp dẫn bất kỳ du khách nào. Nhiều bạn trẻ Việt Nam cũng thường tới đây để mua sắm, chụp ảnh. Ngoài ra, lễ hội hoa đăng, múa lân cũng là những hoạt động đặc biệt được nhiều người đón chờ trong dịp này. Giống với người Nhật, người Việt Nam cũng tổ chức tiệc ngắm trăng hay còn gọi là cỗ Trung thu. Ngày này là dịp để gia đình đoàn tụ, cùng thưởng thức hoa quả, bánh Trung thu, trẻ em được dịp cùng phá cỗ và rước đèn dưới ánh trăng.
Singapore – Trung thu cũng đi du lịch
Phần lớn người dân Singapore đều là người gốc Hoa nên Tết Trung thu luôn được xem trọng ở đất nước này. Đối với họ, Trung thu là dịp để kết nối tình cảm, thể hiện lòng biết ơn. Người Singapore thường tặng bánh Trung thu cho người thân, bạn bè, đối tác thay cho lời chúc phúc và hỏi thăm. Tuy nhiên, họ không đoàn tụ với gia đình trong ngày này mà chọn cách du lịch, thư giãn tinh thần. Đường phố, các khu ven hồ, khu người Hoa đều được trang hoàng rực rỡ. Khung cảnh thậm chí còn lộng lẫy hơn vào buổi tối khi đường phố lên đèn. Đặc biệt năm nay, Singapore còn chi 70.000 USD để làm mô hình đèn rồng dài 300m, cao 4,5m, thiết kế 44 mô hình rồng cỡ nhỏ được ghép bằng 1364 chiếc đèn lồng.
Malaysia, Philippines – Hoa kiều không quên Tết Trung thu
Ngắm trăng, treo đèn lồng, thưởng thức bánh nướng là một tập quán truyền đời của người Hoa ở Malaysia vào dịp Trung thu. Các khu mua sắm lớn ở thủ đô Kuala Lumpur có những quầy riêng bán bánh Trung thu, quảng cáo các loại bánh cũng xuất hiện ở khắp nơi. Một số tổ chức người Hoa ở Kuala Lumpur còn tổ chức hoạt động diễu hành rước đèn lồng, múa lân, xe hoa chở “Hằng Nga”, “Tiên nữ” vô cùng náo nhiệt.
Ở Manila, Philippines, Hoa kiều thường tổ chức các hoạt động tưng bừng để đón Trung thu trong suốt 2 ngày. Du khách tới Philippines trong dịp này sẽ được chiêm ngưỡng màn diễu hành múa lân, diễu hành với trang phục dân tộc, diễu hành đèn lồng và diễu hành xe hoa. Ở khu phố Tàu, bầu không khí cũng nhộn nhịp khác hẳn mọi khi. Các căn nhà, lối ra vào phố người Hoa treo đèn kết hoa khắp nơi, các cửa hàng cũng tranh thủ bày bán bánh Trung thu tự làm hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hàn Quốc – về quê thăm người thân
Tết Trung thu của người Hàn Quốc được gọi là lễ Chuseok. Ngày này còn là “lễ tạ ơn” ở Hàn nên họ thường tặng quà cho người thân, bạn bè. Do đây là dịp lễ lớn trong năm nên người Hàn Quốc được nghỉ 3 ngày liên tiếp. Phần lớn người dân sẽ tận dụng khoảng thời gian này để về quê thăm người thân, vì vậy mà các nhãn hàng ở đây sẽ có những đợt giảm giá lớn trước tết Trung thu một tháng để người dân tranh thủ mua sắm. Giống với người Nhật, người Hàn không ăn bánh Trung thu mà chọn bánh pancake làm món ăn truyền thống trong dịp này.
Nếu bạn đang băn khoăn Tết Trung thu đi chơi đâu ở Hà Nội, hãy tham khảo những địa điểm dưới đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.