Phụ huynh canh “net”

Thứ ba, ngày 17/08/2010 21:42 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước sự hoành hành của game online, nhiều tỉnh thành đã phải tự tìm biện pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực của nó đối với giới trẻ. Tỉnh Tiền Giang đã chọn cách phối hợp chặt chẽ với nhà trường.
Bình luận 0
img
Trẻ em nông thôn chơi game online thâu đêm suốt sáng.

Phụ huynh "trực" ở trường

Tiến sĩ Trần Thanh Đức - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, năm học vừa qua tại các trường học đã xảy ra 35 vụ học sinh đánh nhau theo kiểu côn đồ, bất chấp sự can thiệp của cán bộ, giáo viên. Trong đó, 17 vụ trường cho học sinh tạm thôi học, các vụ còn lại xử lý kỷ luật khiển trách và cảnh cáo toàn trường. Đa số các học sinh vi phạm đều có học lực yếu và nghiện chơi game online. Vì vậy, việc giáo dục học sinh về kỷ luật học đường, về kiểm soát chơi game online là rất cần thiết.

Mấy năm nay, Hội Cha mẹ học sinh Trường THCS Cái Bè (huyện Cái Bè, Tiền Giang) triển khai chương trình "lạ": Mỗi ngày các thành viên Hội Cha mẹ học sinh thay phiên nhau "trực" tại trường để cùng giáo viên giải quyết hầu hết các vấn đề nảy sinh. Thành viên trong ca trực có nhiệm vụ lắng nghe học sinh, trả lời những thắc mắc mà các em không dám hỏi thầy cô giáo, hòa giải ngay tại chỗ những cãi vã của học sinh, tìm hiểu hoàn cảnh của từng em khi có những biểu hiện khác thường… Với cách làm này, Trường THCS Cái Bè trở thành mái nhà chung của tất cả học sinh. So với nhiều trường khác, học sinh Trường THCS Cái Bè ít la cà ở tiệm Internet để chơi game bạo lực. Mấy năm liền, địa phương này không có hiện tượng học sinh đánh nhau trong trường.

Từ mô hình của Trường THCS Cái Bè, Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã tiếp tục thí điểm ở những trường khác, bước đầu cho kết quả khá khả quan. "Chỉ khi học sinh giãi bày với một người cũng là cha mẹ học sinh thì tâm lý đó bỗng dưng được hóa giải. Chính nhờ điều này mà tỷ lệ học sinh sa đà vào game online ở đây giảm hẳn" - Tiến sĩ Đức nói.

Góp sức mạnh cho giáo viên

Hiện, tỉnh Đoàn An Giang đã phối hợp với Sở Thông tin truyền thông, VNPT thành lập được 5 phòng net xanh khoảng 50 máy, với những trang web, trò chơi giải trí bổ ích, lành mạnh và huy động các em đến truy cập những điểm này. Kế hoạch của Tỉnh đoàn là các huyện đều có phòng net xanh.

Theo ông Đức, cắt đường truyền Internet để cấm game chỉ là giải pháp tình thế. Thực chất việc làm này vừa trái luật vừa trái thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng thanh thiếu niên "ngộ độc" game bạo lực đang ở mức báo động, nên cần thiết phải có những biện pháp mạnh để quản lý. Bản thân ngành giáo dục không thể can thiệp vào hoạt động của lĩnh vực Internet. Do đó, quan điểm của ngành giáo dục Tiền Giang là "chống" bằng cách "phòng".

Bộ GD-ĐT đang có chủ trương tập huấn cho giáo viên những năng lực tư vấn tâm lý học sinh, rèn luyện kỹ năng sống cho các em… Ngành sẽ tạo điều kiện tốt nhất có thể để nhanh chóng có được những giáo viên thấu hiểu và chia sẻ được với học sinh, sát sao hơn nữa đối với từng em để ngăn không cho các em đến với game bạo lực.

Ông Trần Trọng Khiếm - Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ cũng chia sẻ: “Chúng tôi cũng nhìn nhận tác hại của game online ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức, lối sống của bộ phận học sinh- sinh viên hiện nay. Nhưng cái khó của Sở là không có chức năng quản lý, cũng như kiểm tra xử lý các cơ sở game online. Vì vậy, chúng tôi trông cậy vào lực lượng giáo viên tăng cường tuyên truyền giáo dục các em”.

(Còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem