Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cơ quan CSĐT Công an huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phan Thượng Mỹ (SN 1979) để điều tra về tội cố ý gây thương tích.
Mỹ chính là người chặn đường để "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" một cách dã man đối với em L.G.K, học sinh lớp 9 Trường THCS thị trấn La Hà (huyện Tư Nghĩa).
Theo điều tra ban đầu, con ông Mỹ và nạn nhân K. là bạn học cùng lớp. Hơn hai tuần trước, con ông Mỹ bị giấu máy tính bỏ túi, nghi nam sinh này lấy. Bị đổ oan, K. về nói với mẹ. Người mẹ và vợ chồng ông Mỹ có nói chuyện qua điện thoại.
Hôm sau, một học sinh khác đã trả lại máy tính cho con ông Mỹ. Khi được minh oan, K. yêu cầu con ông Mỹ xin lỗi nên cả hai tiếp tục mâu thuẫn.
Trưa 8/12, khi các học sinh ra về, ông Mỹ đi theo K. trên đoạn đường từ trường THCS thị trấn La Hà đến ngã tư Đá Sơn - Hưng Nguyên, sau đó dừng xe dùng cùi chỏ, đầu gối đánh vào ngực, đầu, mặt, sau gáy của cậu bé.
K. sau đó được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa trong tình trạng nôn ói, chảy máu mũi, được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi.
Theo hồ sơ bệnh án, nam sinh bị sưng đau nhiều vùng đầu, mặt, xây xát ở hai vai do bị đánh, nôn ói. Sau khi chụp X quang, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tổn thương nội sọ và chuyển vào điều trị tại Khoa ngoại thần kinh.
Theo kết quả giám định tỉ lệ thương tật, nạn nhân bị tổn thương 12%.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, việc phụ huynh chặn đường đánh bạn học của con là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đáng lên án.
Hành vi này xâm phạm đến sức khỏe, tâm lý của trẻ em, gây bất bình trong xã hội, khiến các em học sinh cảm thấy bất an, hoảng sợ.
Thực tế hành vi của Mỹ đã gây thương tích cho nạn nhân 12%, vì thế, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bắt tạm giam vị phụ huynh trên về tội cố ý gây thương tích là đúng quy định pháp luật.
"Trong vụ việc này, dù kết quả xác minh cho thấy nạn nhân đã bị thương tích (dù tỉ lệ thương tích dưới 11%) nhưng hành vi được xác định là có tính chất côn đồ và gây thiệt hại đến sức khỏe của người dưới 16 tuổi, ông Mỹ vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích" – ông Cường nêu quan điểm.
Theo ông Cường, tội cố ý gây thương tích có mức phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, cao nhất là phạt tù chung thân.
Trong đó, khoản 1 của Điều luật quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ…sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Vị chuyên gia nói thêm, vụ việc này là một bài học trong cách hành xử của người lớn đối với trẻ em. Nếu là người có văn hóa, biết ứng xử, khi tiếp nhận thông tin về việc liên quan đến con mình, phụ huynh cần phải liên hệ với nhà trường và người liên quan để làm rõ sự việc.
Việc giáo dục phải theo nguyên tắc, có văn hóa, theo xu hướng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", cùng nhau tìm ra lỗi lầm, nguyên nhân để khắc phục, hóa giải mâu thuẫn.
Thành công trong giáo dục trẻ em phải là giáo dục ý thức tôn trọng người khác và tôn trọng pháp luật. Khi những đứa trẻ biết tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác, biết sẻ chia, cống hiến và biết nhận trách nhiệm mới là công dân sống có ích cho xã hội.
Kết quả giáo dục sẽ khiến đứa trẻ trở thành người tốt hay người xấu, trong đó vai trò của cha mẹ là rất quan trọng. Bởi cha mẹ là tấm gương phản chiếu làm hình thành, nảy sinh những hành vi, suy nghĩ của con cái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.