Phụ huynh giật mình khi trường học không còn an toàn vì 4 lý do này

Tùng Anh Thứ tư, ngày 21/12/2016 16:01 PM (GMT+7)
Chỉ có 16% học sinh nữ và 19% học sinh nam cảm thấy an toàn khi ở trường. Con số vừa được Viện nghiên cứu Y - Xã hội và tổ chức Plan đưa ra khiến không ít bậc phụ huynh phải giật mình.
Bình luận 0

img

Rất nhiều học sinh cảm thấy không an toàn khi ở trường học (ảnh minh họa: IT)

Nhiều kết quả nghiên cứu những năm gần đây cho thấy, học sinh Việt Nam gặp rất nhiều vấn đề ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và việc học tập tại chính môi trường giáo dục mà mình đang  theo học. Trong đó, bạo lực học đường, bạo lực tình dục, áp lực học tập, áp lực từ các mối quan hệ cá nhân là 4 nguyên nhân chính dẫn đến trẻ không thấy an toàn khi ở trường học.

Theo số liệu của Bộ GD ĐT, năm học 2012-2013, có khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau (khoảng 5 ngày/1vụ). Cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau, cứ khoảng 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, trung bình 9 trường thì có học sinh đánh nhau.

Một nghiên cứu khác của Viện nghiên cứu Y – Xã hội thực hiện trên 3.000 học sinh THPT và THCS của Hà Nội cũng cho thấy: có tới 80% học sinh cho biết từ trước đến nay đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần.Trong đó, 73% học sinh bị bạo lực tinh thần (mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục…), 41% bạo lực thể chất và 19% bị bạo lực tình dục. Chỉ có 16% học sinh nữ và 19% học sinh nam được hỏi cảm thấy an toàn khi ở trường.

Tình trạng bạo lực không chỉ diễn ra giữa học sinh với học sinh, mà những năm gần đây thường xuyên xảy ra các vụ việc thầy, cô đánh trò; phụ huynh lên bục giảng đánh thầy; thầy cô giáo đánh nhau…gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của một môi trường giáo dục.

Ngoài ra, chương trình học chưa phù hợp đã khiến rất nhiều học sinh chịu áp lực nặng nề. Năm 2015 – 2016, cả nước có tới 42.698 học sinh THCS và 19.281 học sinh THPT bị lưu ban.

Chị Trần Thị Phượng (phường Hải Tân - Tp Hải Dương) giật mình khi đọc được những số liệu nghiên cứu trên. Chị Phượng cho biết: "Đa số phụ huynh đều có tâm lý hoàn toàn yên tâm khi con đã đến trường. Thậm chí nhiều bố, mẹ còn ước không có...nghỉ hè vì sợ con không đi học sẽ không biết quản lý con thế nào. Nhưng bây giờ, trẻ bị áp lực, có nguy cơ gặp nhiều nguy hiểm ở chính trường học thì thật đáng lo ngại".

Phụ huynh Lê Thị Yến (Ba Đình - Hà Nội) cho rằng, rất nhiều bậc cha mẹ hiện đang "mất phương hướng" trong việc chọn trường cho con: "Phụ huynh mới chỉ nghĩ đến chọn trường nào giúp con học tốt chứ chưa nghĩ đến việc trường đó có phải là môi trường an toàn về tinh thần và thể chất cho con không" - chị Yến nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình – Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, học sinh còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề định hướng nghề nghiệp, tình bạn, tình yêu và trong các mối quan hệ gia đình, dòng họ. Cụ thể: “Có những trường THCS, trong số 3.300 học sinh thì có đến 10% các em có bố mẹ ly hôn, ly thân hoặc đang có xung đột. Nhiều lớp có 2/3 học sinh bố mẹ ly thân, ly hôn” – ông Bình dẫn chứng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, áp lực học tập, sự  thay đổi tâm lý và những khó khăn gặp phải trong trường học chính là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh tự tử ngày càng nhiều. Con số được Bộ GD ĐT đưa ra rất đáng báo động. Cụ thể, có tới 17% học sinh được khảo sát cho biết đã có ý định tự tử. Thậm chí, đã có một vài trường hợp học sinh rủ nhau tự tử tập thể do nghĩ mình sẽ trượt trong kỳ thi ĐH CĐ hoặc buồn chán vì chuyện gia đình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem