Trào lưu khoe con là "lao động chính ngày Tết": Tác hại lớn từ việc đùa vui

Tào Nga Thứ ba, ngày 17/01/2023 16:09 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, nhiều bậc cha mẹ trêu đùa nhau chụp ảnh khoe con là "lao động chính ngày Tết". Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với việc làm này.
Bình luận 0

Một phụ huynh phản đối trào lưu "khoe con là lao động chính ngày Tết"

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Ngô Hồng Giang (đang sinh sống ở Thụy Điển) cho hay: "Mình để ý là từ 2-3 năm nay, cứ mỗi dịp Tết đến, có một trend đăng ảnh các con kèm theo status: "Mấy ngày nữa là lao động chính của gia đình" hay "nguồn thu nhập Tết của cả nhà"... Có thể là bố mẹ đùa cho vui, nhưng "vật chất hóa chuyện lì xì" là một xu hướng và lối suy nghĩ độc hại.

Thứ nhất, đó là cách dạy con rằng "tiền có thể dễ dàng kiếm được". Bố mẹ đang dạy con rằng tiền lì xì (tiền mừng tuổi) là một nguồn thu nhập. Thu nhập này là từ người khác cho. Con chỉ cần chào, chúc một câu (học thuộc) thậm chí lắm khi chẳng cần chào, nhiều người lớn thấy con là tự động đưa phong bao. 

Vì con nghĩ là con là người làm ra thu nhập nên con có quyền tò mò mở ngay ra xem con kiếm được bao nhiêu. Mình đã từng cảm thấy rất khó xử khi bị một đứa trẻ 8 tuổi mở phong bao ngay trước mặt, bĩu môi hờn dỗi "Ít thế!". Bạn có muốn gặp phải tình huống tương tự hay muốn con mình cư xử xấu xí như vậy?".

Trào lưu khoe con là "lao động chính ngày Tết": Đùa thôi nhưng tác động đến cả thế hệ - Ảnh 1.

Gia đình chị Ngô Hồng Giang hiện sống tại Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Thứ hai, đó là cách dạy con rằng: "Người lớn thể hiện tình yêu bằng vật chất". Việc "vật chất hoá chuyện lì xì" tới tâm lý so sánh, đo tình yêu bằng vật chất. 1-2 tuổi có thể các con chưa hiểu nhưng lớn hơn một chút bắt đầu tiếp xúc với con số, các con biết số 5 lớn hơn số 1. Và các con sẽ nhớ là cô A lì xì con nhiều hơn chú B, tức là cô A yêu con hơn chú B.

Mình biết một trường hợp, bố mẹ ly hôn, con ở với ông bà. Tết đến, mỗi bố mẹ tranh thủ bù đắp cho con bằng một khoản lì xì lớn. Bé hồn nhiên khoe: Năm nay, bố yêu con hơn vì bố mừng tuổi con nhiều hơn.

Thứ ba, thái độ sống đối với tiền nói chung và vật chất nói riêng. Mỗi câu nói, mỗi hành vi của bố mẹ đều góp phần định hình tư duy, thái độ sống của con. Những đứa trẻ coi trọng vật chất thường định hình niềm tin rằng thành công được đo bằng việc sở hữu những món đồ đắt tiền hay lượng lớn của cải vật chất. Điều này khiến chúng coi thường những người nghèo, có cái nhìn sai lệch về giá trị cuộc sống khi trưởng thành.

Mình thì không muốn con mình trở nên như vậy, nên mình quán triệt luôn với con. Con nên hiểu: Tiền lì xì là tiền mừng tuổi với ý chúc con khoẻ mạnh, may mắn; ý nghĩa tượng trưng, không phân biệt ít nhiều. Mỗi người lì xì khi cho con phong bao đều có tình yêu thương và ý chúc tốt đẹp với con. Số tiền con nhận được từ lì xì không phải do con nỗ lực, lao động để kiếm được.Con cũng có thể mừng tuổi người khác, đặc biệt là ông bà, người lớn tuổi để thể hiện lòng kính yêu và thành ý chúc sức khoẻ, may mắn.

Tuyệt đối con không được không mở phong bao trước mặt người mừng; không được phép vòi vĩnh, không xin tiền mừng tuổi, không được chê ít, không được có vẻ mặt thất vọng. Con không được đòi hỏi sử dụng toàn quyền tiền mùng tuổi, vì đó không phải tiền do con làm ra".

Trào lưu khoe con là "lao động chính ngày Tết": Đùa thôi nhưng tác động đến cả thế hệ - Ảnh 2.

Gia đình chị Giang làm việc, sinh sống ở nhiều châu lục và từng đặt chân tới hơn 30 quốc gia. Ảnh: NVCC

Chị Ngô Hồng Giang (tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương) có một con nhỏ sinh năm 2019, nickname là Mũi Tẹt. Gia đình Mũi Tẹt có bố là người Nhật, mẹ người Việt, hiện sinh sống ở Thụy Điển.  Hiện tại, chị Giang làm việc với vai trò kỹ sư phần mềm tại một công ty ở thủ đô Stockholm, và thường xuyên chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, kinh nghiệm nuôi dạy con đa ngôn ngữ, đa văn hoá ở Bắc Âu.

Nói về trào lưu khoe trẻ nhỏ là "lao động chính" kiếm tiền lì xì dịp Tết, chị Giang cũng nhận được ý kiến trái chiều khi cho rằng chị hơi khắt khe và đây chỉ là câu nói vui. Tuy nhiên, chị Giang khẳng định: "Thứ nhất, mình không bài trừ lì xì, mình dạy con hiểu đúng ý nghĩa của lì xì và qua đó trân trọng giá trị văn hóa truyền thống. Thứ hai, mình không tranh luận đến chuyện "thu chi" vì đó là chuyện của mỗi nhà. Thứ ba, bài viết của mình tập trung vào quan điểm: Câu đùa cho vui của bố mẹ đang vô tình hay cố ý "vật chất hoá" chuyện lì xì. Điều đó tác động vào cách chúng ta dạy con về giá trị sống và thái độ đối với vật chất. 

Vì sao? Vì bố mẹ chỉ là nói vui, nhưng nó phản ánh tư duy, có đảm bảo chắc chắn bố mẹ không "lỡ miệng" nói trước mặt con, hay dạy con những điều tương tự? Và nếu cứ để trend "nói cho vui" này tiếp tục, nó sẽ trở thành một trào lưu, thậm chí một thói quen của xã hội. Con mình mình dạy được, nhưng bạn của con nói vậy, con cũng sẽ ảnh hưởng theo. Nhiều khi những chuyện bố mẹ chúng mình tặc lưỡi "đùa thôi mà" nhưng lại tác động đến cả thế hệ".

Chia sẻ với PV về trào lưu khoe con là lao động chính ngày Tết, Parent Coach Tú Anh Nguyễn cho hay: "Tôi không chỉ trích nhưng chúng ta không nên nói như vậy. Mặc dù đây chỉ là câu nói vui vẻ, hài hước của phụ huynh trong ngày Tết. Tuy nhiên, một số người từ đùa trên mạng rồi lại nói với tất cả mọi người trong nhà và vô tình trẻ nghe thấy. Với trẻ còn nhỏ vài tháng tuổi thì không sao, nhưng với những đứa trẻ 2, 3 tuổi trở lên thì sẽ hiểu sai về lì xì và sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ về giá trị đồng tiền... Như vậy sẽ làm thành tiền đề những suy nghĩ chưa đúng đắn cho các bạn nhỏ. Ngày Tết, chúng ta chỉ nên nói ý nghĩa của lì xì, vì sao Tết con lại được nhận lì xì...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem