Phụ nữ không còn cam chịu khi bị bạo lực

Thùy Anh Thứ tư, ngày 15/07/2020 06:30 AM (GMT+7)
Sau 10 năm Việt Nam công bố báo cáo điều tra quốc gia lần 2 về bạo lực với phụ nữ, kết quả cho thấy các hình thức bạo lực có giảm nhưng không đáng kể.
Bình luận 0

Nhiều hình thức bạo lực đa dạng, đan xen, đặc biệt bạo lực tình dục có xu hướng tăng, đòi hỏi cần phải có những giải pháp xử lý, hỗ trợ tích cực.

Bạo lực tình dục tăng cao

Sáng 14/7, Bộ LĐTBXH và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cùng Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) đã tổ chức hội nghị công bố báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 với chủ đề "Hành trình để thay đổi".

Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 được thực hiện trên gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 ở 500 địa bàn, thuộc 63 tỉnh, thành phố.

Ông Phạm Quang Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các bạo lực với phụ nữ đều do chồng gây ra. Cụ thể, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như thiếu kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Gần 32% phụ nữ được khảo sát cho biết đang bị bạo lực (trong 12 tháng qua).

Phụ nữ không còn cam chịu khi bị bạo lực  - Ảnh 1.

Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ gây thiệt hại khoảng 1,8% GDP cho nền kinh tế Việt Nam năm 2018 (ảnh: Minh họa).

Nghiên cứu cũng chỉ ra, ngoại trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ ở tất cả các hình thức năm 2019 đều thấp hơn so với năm 2010 và sự thay đổi tích cực này có lẽ đang diễn ra ở nhóm phụ nữ trẻ.

Trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra năm 2019 thấp hơn so với năm 2010. Điều này rõ ràng hơn với nhóm phụ nữ trẻ. Đặc biệt, ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%).

Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010). Đặc biệt, có 4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 tuổi.

"Mặc dù điều này phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực nhưng cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề tình dục và bạo lực tình dục. Trong tương lai cần có nghiên cứu và phân tích sâu hơn để xác định được đúng xu hướng này" - ông Vinh nói.

Phụ nữ đã tìm hướng giải thoát

Kết quả từ báo cáo bạo lực với phụ nữ năm 2019 ước tính, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ đang gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam khoảng 1,8% GDP năm 2018, tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn hơn 3% so với điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ lần thứ nhất năm 2010 (chỉ 15% GDP".

Ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH)

Chị Nguyễn Thị Na (Thái Nguyên) là nạn nhân của bạo lực gia đình gần 10 năm nay. Nghiên cứu hồi tố cho thấy cuộc sống của chị từ khi lấy chồng rất khổ. Chồng chị và chị đều là dân lao động, không được học hành. Anh chị thương nhau rồi về ở với nhau. Thời gian đầu chồng chị cũng hiền lành, chân chất. Vợ chồng sinh sống bằng nghề đốn củi, đốt than, sau thấy chật vật quá nên chuyển qua mua thuyền thúng đi câu. Hai vợ chồng có với nhau 5 người con.

Chị Na nhớ lại: "Sống được mấy năm bình yên, chồng tôi theo lời rủ rê của bạn bè nghiện rượu, không làm ăn gì nữa. Mười mấy năm ông ấy không đưa một đồng nào để tôi mua sắm chi tiêu nuôi con. Mỗi lần rượu vào là đánh chửi, có lần còn đánh tôi thừa sống thiếu chết. Có lần ông ấy còn ném cả ấm nước sôi khiến tôi bị bỏng nặng phải đi cấp cứu. Lần khác thì đánh gãy tay, gãy chân phải nằm một chỗ cả mấy tháng".

Có lần chị Na không chịu đựng được, báo cáo với chính quyền địa phương vào giải quyết nhưng rồi tình trạng đó vẫn cứ lặp lại. Trước đây, chị đâm đơn ly hôn nhưng chồng không ký. Mãi tới giờ chị mới biết có quyền đơn phương ly hôn. Chị Na cho biết chị sẽ không cam chịu nữa và sẽ gửi đơn đơn phương ly hôn.

Với chị Lê Thị Nhung (21 tuổi, Thanh Hóa) thì việc bạo lực còn đáng sợ hơn. Chị bị chồng bạo lực cả khi đang mang thai. Lúc đó, chị đã quyết định ly dị.

Sau khi sinh con đầu, chồng chị quay lại hứa là sẽ thay đổi, chị lại đồng ý. Thế nhưng hạnh phúc không tày gang, ông ta quay ra đánh đập chị, nỗi đau như càng gia tăng.

"Trên thân thể tôi là chằng chịt những vết đâm, chém, đánh đập. Mặt mày thâm tím y như cái bản đồ. Đầu thì bị ông ấy đạp, lưng bị ông ấy phang, tay chân bị chém, gãy tùm lum, đứt lòi gân phải đi khâu" - chị Nhung đau đớn nhớ lại.

Chị đã quyết tâm ly thân và chờ được ly hôn để giải thoát cho bản thân. Hiện tại chị trở thành một hòa giải viên cơ sở, giúp đỡ những phụ nữ cùng hoàn cảnh.

Không chỉ người nghèo, những nông dân học ít, những người phụ nữ trí thức như chị Lương Huyền My (Đồng Nai) cũng hứng chịu bạo lực khủng khiếp. Anh chị kết hôn vì tình yêu, anh là cử nhân văn, chị là cử nhân luật. Học cao biết rộng nhưng chồng chị lại là một người cực gia trưởng.

"Ở với nhau không lâu anh giở thói chơi bời, bạo lực. Có lần anh ghen tuông, mắng tôi thậm tệ trước mặt con, thậm chí đánh tôi dã man. Thằng bé sợ co dúm cả người van khóc anh vẫn không tha" - chị Huyền My kể lại.

Hơn 10 năm sống trong địa ngục trần gian, được sự động viên của đứa con trai 13 tuổi, chị Huyền My quyết định ly hôn để hai mẹ con tìm cuộc sống mới.

Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH (Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam) cho biết sau nhiều năm triển khai, vấn đề bình đẳng giới đã có những thay đổi tích cực. Những thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực. Những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn và điều này cho thấy học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống.

"Tuy nhiên, nhiều phụ nữ vẫn có nguy cơ cao bị bạo lực. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và "văn hóa đổ lỗi" là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi trẻ phải sống trong gia đình mà mẹ của mình bị bạo lực" - bà Hà nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem