Hồi bé, gia đình cứ căn dặn đi căn dặn lại tôi rằng, làm con gái tuyệt đối không được dễ dãi quá! Phải để cho con trai nó chinh phục, phải bí ẩn chút, "khó khó" một chút. Mình là con gái, phải có giá trị của mình, con trai mới "nể".
Cũng chẳng biết có phải nhờ những lời căn dặn này không nhưng thú thực là tôi chính thực rất chi là... nghiêm túc! Đừng nhìn vẻ bề ngoài sexy, hay quần áo táo bạo của tôi mà bất cứ một phút nào nghĩ rằng có thể "tán tỉnh" tôi dễ dàng nhé! Thực chất tương phản với phong cách bề ngoài, tôi là một cô gái kín đáo trong ứng xử, dễ "mắc cỡ", nghiêm túc và giữ khoảng cách với người khác giới.
Yêu, đừng đánh mất bản thân mình.
Mọi người cứ kể chuyện vào showbiz bị đàn ông "dụ", rồi ngỏ lời khiếm nhã. Nhưng tôi cũng thầm nghĩ rằng cách cư xử của mình thế nào đối với người ra để người ta dám "khiếm nhã" với mình. Mình phải "ừ hữ", phải lúng, phải liếng, phải gợi mở, ỡm ờ, người ta mới có cái cớ. Chứ đàn ông cũng không ngu ngốc, và cũng chẳng cả gan.
Tôi chả bị ai "dụ" bao giờ! Thật đấy! Showbiz nó không đen tối như mọi người tưởng. Điều quan trọng là mình lựa chọn làm gì, giao du với ai, và đặc biệt, lựa chọn cuộc sống của mình là gì. Chứ tôi cũng đâu cần nhắm lấy chồng giàu có (chẳng may phải lòng ai giàu thì cũng chẳng phải điều gì sai, nhưng đây không phải mục đích duy nhất của tôi), cũng chẳng phải phô trương đẳng cấp. Đẳng cấp chỉ là khái niệm.
Trong một xã hội còn nghèo người ta cứ nghĩ giàu nứt đấu đổ vách là đẳng cấp. Nhưng ở xã hội đã no đủ thì người ta lại trọng cái tài, cái tâm hồn, cá tính, cách cống hiến... Âu là cái tất nhiên của xã hội, cũng chẳng sao, mình cứ tự có quy chuẩn riêng cho đẳng cấp của mình. Mình sống hạnh phúc là được, lúc nào cũng được kiêu hãnh ngẩng cao đầu là được.
Lại quay lại cái "chảnh" của phụ nữ. Đàn ông là giống đực, bản năng thích sự chinh phục, thích theo đuổi. Đàn bà fastfood thì đàn ông ăn tạm lúc đói cũng tốt. Ăn rồi cũng quên ngay, chả nhớ mùi vị của nó. No chẳng nhớ đến. Đói mà lười thì a lô đến ăn tạm (đồ ăn). Nhưng trong lòng lúc nào cũng mơ tưởng đến cao lương mỹ vị. Cao lương mỹ vị đâu phải ai cũng có tiền, cơ hội để nếm thử. Thậm chí nếm một lần đã hạnh diện lắm, nhớ cả đời. Nên phụ nữ nhớ, hãy làm cao lương, của lạ đối với đàn ông. Không người đàn ông nào cảm thấy hãnh diện khi có được người đàn bà mà người đàn ông nào cũng chinh phục được.
Bồ đôi khi là fastfood. Vì họ dễ có. Họ sẵn sàng đổ nhào, trao thân, dâng hiến. Xã hội này ngày càng nhiều tuýp phụ nữ chỉ mong có tấm chồng. Mong bằng mọi giá dù có phải giành của phụ nữ khác. Hoặc họ sẵn sàng "chung chồng", miễn sao được phúc yên ổn. Họ đánh mất cảm xúc thiêng liêng, coi nhẹ tình yêu, lòng kiêu hãnh của chính mình - chứ chưa nói gì đến việc quan tâm đến cảm xúc người khác.
Lắm cô gái trẻ cũng chẳng muốn làm fastfood, nhưng xung quanh bạn bè thấy ai cũng sống thế, nên mãi riết cũng thành quen, thấy cũng bình thường. Có cô thì nhẹ dạ cả tin. Nghĩ rằng người đàn ông ấy quả thực đang bị ngược đãi bởi "mụ phù thủy". Và thực sự tin rằng tình yêu của mình mới là đích thực... Và thế là cô gái tội nghiệp ấy bị biến thành fastfood.
Nhưng cũng có những trường hợp người vợ bị biến thành fastfood. Họ nhẫn nhịn quá, hy sinh quá, sống vì người khác nhiều quá. Họ vì chồng, vì con, gia đình chồng, gia đình mình, hàng xóm láng riềng. Rồi quên đi mất họ cũng cần sống hạnh phúc, cần có đam mê, bạn bè, sự nghiệp, làm đẹp. Họ cần được chồng chiều chuộng, đam mê, như món cao lương mà họ xứng đáng.
Những làn sóng phụ nữ phẫn nộ với việc chồng vợ ngoài luồng, âu cũng là giọt nước tràn ly, âu cũng là phản ánh xã hội chúng ta đang sống. Nhiều người tỏ ra chửi bới họ, khinh rẻ họ và gọi họ với tem "bỉm sữa" với vẻ giễu cợt. Tôi thì hiểu "giọt nước làm tràn ly" của họ.
Tôi không quan tâm đến cuộc sống, lựa chọn riêng của mỗi người. Âu mỗi người tự có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Tôi cũng chẳng quan tâm đến chuyện showbiz, vì nó cũng chẳng liên quan gì đến tôi. Nhưng tôi quan tâm đến xã hội chúng ta đang sống! Vì sao xã hội chúng ta tồn tại nhiều phụ nữ không hạnh phúc, và ngay cả khi họ hạnh phúc, cũng lo sợ hạnh phúc bị giành giật bất cứ lúc nào?
Người ta vẫn nói "It takes two to Tango" - Có cặp đôi mới nhảy Tango được chứ - nôm na là thế. Vậy nên một cuộc hôn nhân không hạnh phúc có thể do 2 (vợ, chồng), hoặc 3-4 người tạo nên. Biết đổ lỗi tại ai? Thôi thì mình làm chủ bản thân mình trước đã. Yêu, đừng đánh mất bản thân mình. Luôn biết giá trị của mình và tuyệt đối, đừng làm đồ fastfood!
Vũ Nguyễn Hà Anh (Gia đình & Xã hội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.