Em Đặng Thị Huyền.
Huyền là nhân vật mà báo Dân Việt đã phản ánh qua hàng loạt bài viết. Kể thì dài, nhưng tóm tắt như sau: Thí sinh Đặng Thị Huyền, dân tộc Hoa, là học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Em đoạt giải Ba quốc gia môn địa lý và thi THPT quốc gia đạt 27,5 điểm. Kỳ tuyển sinh vừa qua, Huyền đăng ký xét tuyển vào Đại học Luật Hà Nội, nhưng do ở vùng sâu, xa không có Internet, không biết thông tin nên Huyền đã không nộp giấy chứng nhận kết quả thi cho trường này. Thời gian gần đây, Huyền mới biết mình trượt đại học nên Huyền đã viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xin được xem xét để được nhận vào học tại Trường Đại học Luật Hà Nội.
Vậy là bao kỳ vọng trở thành tân sinh viên Đại học Luật Hà Nội của Huyền đã vỡ vụn, ít nhất là hết năm nay. Trường Đại học Luật đã thông báo: Không đồng ý tiếp nhận Huyền. Ngày 14.11, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Trương Quang Vinh ký văn bản 3396/ĐHLHN- ĐT, nêu rõ, sau khi tiếp nhận công văn của Bộ GD-ĐT “về việc nhập học của thí sinh Đặng Thị Huyền”, Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức họp Hội đồng tuyển sinh của nhà trường do Hiệu trưởng Lê Tiến Châu làm Chủ tịch hội đồng. Tại cuộc họp, các ý kiến của các thành viên Hội đồng tuyển sinh đưa ra đều thông cảm, chia sẻ với những điều kiện khó khăn của gia đình, bản thân cũng như sự nỗ lực của thí sinh Đặng Thị Huyền. Quan điểm chung của tất cả các thành viên tham gia dự họp là xem xét vấn đề một cách thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh (đặc biệt thí sinh là người dân tộc, học giỏi) nhưng trên tinh thần tuân thủ đúng Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Theo đó, Hội đồng tuyển sinh của nhà trường xác định thí sinh Huyền thực hiện đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội nhưng không nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia. Chính vì vậy, trường từ chối tiếp nhận thí sinh Đặng Thị Huyền, mà chỉ nhận bảo lưu kết quả tuyển sinh năm 2016 để thí sinh được theo học ngành Luật cùng khóa 42 (niên khóa 2017-2021).
Biết kết quả này, cá nhân tôi thấy buồn cho Huyền và có một sự thất vọng không hề nhỏ đối với quyết định của nhà trường. Có cảm giác là nhà trường - với cái nôi đã đào tạo ra biết bao thế hệ cử nhân luật - mới chỉ thực hiện cái gọi là lý thôi, còn tình thì các thầy đã bỏ qua dù rằng Hội đồng đã khẳng định xem xét một cách “thấu tình đạt lý”.
Ai chẳng biết, việc từ chối em Huyền là trường đang căn cứ vào các quy định, Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, rồi căn cứ vào các văn bản hướng dẫn thi hành, lịch tuyển sinh như từ ngày 1.8 đến 12.8 thí sinh phải đăng ký xét tuyển vào trường, nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT từ ngày 18.8 đến 21.8… Đó là quy định, là lý của nhà trường.
Nhưng sao trong trường hợp này nhà trường lại không linh hoạt, ứng biến cho phù hợp cái tình, cái đạo lý của người Việt? Huyền là học sinh đã đoạt giải Ba cấp quốc gia, thi tốt nghiệp THPT đạt gần 28 điểm cơ mà? Người tài ở đây chứ ở đâu. Huyền là học sinh dân tộc thiểu số - đối tượng đáng được hưởng tất cả những sự ưu tiên chứ… Tại sao trường chỉ căn cứ vào các quy chế đã đóng khung, quy chế “chết” để ứng xử tàn nhẫn với em như vậy?
Buồn thay quyết định từ chối em Huyền của Trường Đại học Luật Hà Nội lại xảy ra trong bối cảnh ngành giáo dục đang “linh hoạt” rất nhiều thứ. Ví như một học trò ở xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không biết chữ nhưng vẫn được “linh hoạt” cho học lớp 6. Nhìn những nét chữ nguệch ngoạc, không có nghĩa trong vở của các em chép theo trên bảng, nhiều người không khỏi xót xa. Rồi việc Bộ GD-ĐT đang cấm các trường dạy thêm, học thêm, nhưng biết bao nhiêu trường đang “linh hoạt” để giáo viên mình xé rào quy định này…
Có thể thấy, cái cần phải thực hiện theo quy định, quy chế thì chúng ta không theo. Cái cần áp dụng linh hoạt lại không áp dụng. Đó có phải là một sự phi lý, thiếu công bằng với một thí sinh có ước mơ rất chính đáng như Huyền?
Nói đến đây, tôi lại nhớ đến câu chuyện ngành giáo dục Nhật Bản hành xử đối với một học sinh cấp 2. Câu chuyện đó xảy ra chưa lâu và rất nhiều người biết. Đó là trong nhiều năm trời, ga tàu Kami-Shirataki, phía cực Bắc đảo Hokkaido, Nhật Bản chỉ phục vụ đúng một hành khách duy nhất. Cứ đủ 5 ngày trong tuần, tàu lại đến để đưa một cô học sinh trung học đến trường, sau đó đưa cô trở về khi tan học. Đây là quyết định của doanh nghiệp đường sắt Nhật Bản, cũng chính là doanh nghiệp vận hành toàn bộ những chuyến tàu đi khắp nước Nhật trong 3 năm trước.
Đương nhiên hành xử của doanh nghiệp thì khác một nhà trường. Nhưng điểm cốt lõi ở đây các nhà dạy luật chắc đều biết, rằng nếu theo quy chế, quy định thì dành một ga tàu, một chuyến tàu chỉ chở 1 học sinh thì đó là sự lãng phí, phung phí tài nguyên, tiền bạc ghê gớm. Không thể chấp nhận được. Vậy sao người ta vẫn bỏ mặc tất cả các tính toán đó để thực hiện cái điều tưởng chừng như hết sức phi lý đó? Đơn giản thôi, vì họ đã đề cao cái tình, cái nhân văn hơn là những quy định, quy chế mang tính khuôn mẫu, áp đặt.
Câu chuyện của em Huyền cuối cùng cũng đã kết thúc, với cái kết mà cá nhân tôi không hề muốn như thế. Thôi thì chỉ biết động viên Huyền lúc này, tuổi em còn dài, bỏ đi một năm chắc cũng không ảnh hưởng gì đến tương lai. Cố lên em, câu chuyện của em không phải là trường hợp đáng để người ta phải áp dụng sự linh hoạt...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.