Niềm vui đón điện...Có mặt tại Phú Quốc những ngày này mới thấy hết cảm giác háo hức của người dân khi đón dòng điện lưới quốc gia trong những ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Những năm qua, hơn 24.000 hộ dân, doanh nghiệp sinh sống, sản xuất kinh doanh trên đảo đều phải sử dụng nguồn điện diesel tại chỗ. Do sử dụng nguồn điện diesel nên giá thành điện rất cao. Trong khi đó, các máy phát điện thường xuyên bị lỗi, nguồn điện chập chờn, người dân ngoài việc phải mua điện với giá cao, nhưng vẫn thường xuyên chịu cảnh mất điện, khiến cho cuộc sống người dân càng thêm khó khăn và hạn chế rất nhiều đến phát triển kinh tế ở vùng đặc khu kinh tế.
Cán bộ kỹ thuật đang xử lý đưa điện về các xã, thị trấn trong huyện đảo Phú Quốc.
Ông Nguyễn Văn Đáng ở tổ 4, ấp Gành Dầu, xã Gành Dầu hồ hởi vì từ nay sẽ không còn phải trả hàng trăm nghìn đồng tiền điện mỗi tháng mà chỉ sử dụng có 1 ngọn đèn. Giờ thì gia đình ông có thể dùng điện cả ngày lẫn đêm với giá điện của Nhà nước.
Anh Đào Văn Luyện ở tổ 5 ấp Gành Dầu kinh doanh Internet và cà phê cũng cho biết, với giá điện chỉ bằng 1/3 giá khi chưa có dự án, anh sẽ giảm giá các dịch vụ, thay vì trước đây thu 7.000 đồng/giờ, thì bây giờ chỉ còn 4.000 đồng/giờ.
Việc Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát điện đến năm 2020, hòn đảo này đang được đầu tư để trở thành mẫu hình đặc khu hành chính-kinh tế trực thuộc Trung ương trong tương lai gần. Dự án cáp ngầm dẫn điện xuyên biển được xây dựng nhắm đến mục tiêu đáp ứng năng lượng điện cho một Phú Quốc đang phát triển để trở thành đặc khu kinh tế quan trọng của cả nước và mang tầm cỡ châu Á. Lần đầu tiên tại Việt Nam, một dự án cáp ngầm dẫn điện xuyên biển được xây dựng với chiều dài gần 56km, nối từ đất liền ra đảo Phú Quốc - Kiên Giang. Đây cũng là công trình đứng đầu Đông Nam Á về quy mô.
Trước đây, nguồn phát điện chính tại chỗ của huyện đảo Phú Quốc là bằng máy diesel nhưng liên tục quá tải. Dù chính quyền địa phương đã tăng công suất lên gấp 8 lần trong vòng 10 năm qua (từ 7,6 triệu kWh lên 45 triệu kWh) nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu điện đang tăng rất cao trên đảo. Trong khi đó, ngành điện phải bù lỗ trung bình 100 tỷ đồng/năm do chênh lệch lớn giữa giá bán và chi phí sản xuất. Nếu tiếp tục nâng công suất máy phát diesel, địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu tư quá lớn, giá điện thương phẩm cao (khoảng 5.000 đồng/kWh) và gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với định hướng quy hoạch du lịch xanh.
Với việc có điện lưới quốc gia, nhân dân và các thành phần kinh tế trên huyện đảo được hưởng giá điện theo giá đất liền (chỉ bằng 1/3 so với giá khi chưa có dự án), cụ thể là giảm được giá điện từ mức bình quân 5.037,66 đồng/kWh về bằng giá đất liền bình quân khoảng 1.783,81 đồng/kWh. Ước năm 2014 sản lượng điện thương phẩm trên huyện đảo hơn 80 triệu kWh (tăng 1,5 lần so với năm 2013), nhân dân và khách hàng sử dụng điện trên đảo đã giảm chi một khoản tiền hơn 230 tỷ đồng do giá bán điện giảm.
Lời hứa với dân đảo
Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, mặc dù trong những năm qua, huyện đảo Phú Quốc có rất nhiều khó khăn về hạ tầng cơ sở nhưng thu nhập bình quân đầu người của Phú Quốc vẫn cao hơn bình quân cả nước. Nay cùng với trục đường xuyên đảo, cụm cảng hàng không, cảng nội địa, cảng quốc tế và điện lưới quốc gia, Phú Quốc đã hội tụ các điều kiện về hạ tầng cơ sở để phát triển, nên nhất định Phú Quốc sẽ trở thành một hòn đảo trù phú, xinh đẹp.
|
Vì lời hứa Tết Nguyên đán Giáp Ngọ người dân huyện đảo Phú Quốc sẽ có điện lưới quốc gia mà hơn 100 cán bộ công nhân viên Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đã phải đón tết trên đảo để đưa dòng điện từ lưới điện quốc gia đến từng hộ dân. Sau khi Dự án Cáp ngầm 110kV Hà Tiên-Phú Quốc đi vào hoạt động, lưới điện trên huyện đảo Phú Quốc đã được kết nối với hệ thống điện lưới quốc gia, huyện đảo sẽ được đáp ứng nhu cầu điện tốt nhất.
Để đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đã, đang đầu tư mới các lộ ra trạm 110kV Phú Quốc, cải tạo nâng cấp các đường dây trung thế trục chính, phát triển hệ thống lưới điện đến các xã chưa có điện và đặc biệt là việc thực hiện lắp máy biến áp thứ 2 (40MVA) của trạm 110kV Phú Quốc (sẽ hoàn thành trong quý II/2014); tổ chức quản lý vận hành hệ thống cáp ngầm đảm bảo an toàn và liên tục...
Dự án Cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc là tiền đề quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy, thu hút đầu tư phát triển và chỉ sau 1 tháng điện lưới quốc gia đưa được ra đảo, điều dễ nhận thấy là sự chuyển mình nhanh chóng của Phú Quốc để trở thành một đặc khu kinh tế quan trọng của cả nước.
Ngọc Hà (Ngọc Hà)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.