Phú Thọ chi 77 tỷ đồng xây dựng chỉ dẫn địa lý “quế Phú Thọ”

Hoan Nguyễn Thứ ba, ngày 05/07/2022 18:26 PM (GMT+7)
Tỉnh Phú Thọ dành hơn 77 tỷ đồng để mở rộng, xây dựng vùng trồng quế được chứng nhận hữu cơ tại xã Trung Sơn và xã Thượng Long, huyện Yên Lập, hướng đến hình thành chỉ dẫn địa lý quế Phú Thọ.
Bình luận 0

Quế trở thành cây mũi nhọn ở Phú Thọ

Phú Thọ có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây quế. Nhờ đó, cây quế được trồng tại Phú Thọ cho chất lượng khá tốt, chất lượng vỏ quế dày, hàm lượng tinh dầu cao, giá ổn định được thị trường tin dùng.

Cây quế đã trở thành cây mũi nhọn chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng của người nông dân.

Phú Thọ chi 77 tỷ đồng, hướng đến xây dựng, hình thành chỉ dẫn địa lý “quế Phú Thọ” - Ảnh 1.

Từ nhiều năm qua, quế là cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập chính người dân xã Thượng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoan Nguyễn

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ còn có diện tích đất lâm nghiệp lớn, thuận lợi cho việc mở rộng diện tích trồng quế; dân số trong độ tuổi lao động dồi dào; nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn của Trung ương, của tỉnh đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn.

Đồng thời, thị trường tiêu thụ quế trong và ngoài nước rất tiềm năng; khoa học kỹ thuật phát triển... Đây chính là những điều kiện thuận lợi để người dân Phú Thọ mở rộng sản xuất, chế biến phát triển cây quế trong thời gian tới.

Phú Thọ chi 77 tỷ đồng, hướng đến xây dựng, hình thành chỉ dẫn địa lý “quế Phú Thọ” - Ảnh 2.

Vườn ươm quế giống của anh Đinh Thanh Lâm (xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn) - một trong những mô hình kinh tế mới, hiệu quả trong phong trào "Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp" của huyện. Ảnh: Hoan Nguyễn

Từ những lợi thế đó, UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành kế hoạch phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. 

Mục tiêu chính của kế hoạch được xác định nhằm phát triển cây quế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn tại các địa phương có điều kiện phù hợp gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị; áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật; nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu và sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mở rộng vùng trồng quế quy mô lớn

Theo đó, tỉnh Phú Thọ sẽ dành hơn 77 tỷ đồng tập trung mở rộng diện tích vùng trồng quế tập trung, quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng quế trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.000ha, trên địa bàn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, tăng thêm 1.100ha so với hiện nay.

Cụ thể, tại huyện Yên Lập trồng mới 700ha tập trung tại xã Trung Sơn, Xuân An, Phúc Khánh và mở rộng trên địa bàn các xã có điều kiện thuận lợi, tuy nhiên phải đảm bảo tập trung, liền vùng. 

Tại huyện Tân Sơn trồng mới 300ha tập trung tại các xã Thạch Kiệt, Thu Cúc, Kiệt Sơn. 

Huyện Thanh Sơn trồng mới 100ha tập trung tại các xã Đông Cửu, Khả Cửu, Thượng Cửu.

Cùng với đó, xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, các dự án phát triển sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ theo chuỗi; tăng cường liên kết, hình thành các HTX, tổ hợp tác, trang trại đảm bảo dịch vụ đầu vào, đầu ra ổn định cho các thành viên theo chuỗi giá trị.

Phú Thọ chi 77 tỷ đồng, hướng đến xây dựng, hình thành chỉ dẫn địa lý “quế Phú Thọ” - Ảnh 3.

Người dân tỉa cành, khai thác tỉa cây quế. Ảnh: Hoan Nguyễn

Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. 

Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và quản lý chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm quế.

Phấn đấu 100% các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình tham gia trồng quế, chế biến sản phẩm quế được tập huấn đầy đủ về quy trình kỹ thuật từ sản xuất đến sơ chế, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ; áp dụng các quy trình sản xuất thực hành tốt (VietGAP, hữu cơ...).

Đặc biệt, xây dựng và hình thành chỉ dẫn địa lý quế Phú Thọ; xây dựng vùng trồng quế được chứng nhận hữu cơ tại xã Trung Sơn và xã Thượng Long, huyện Yên Lập; nâng cao giá trị thu nhập từ cây quế tăng 1,5 lần so với hiện nay.

Để phát triển ổn định và bền vững, ngành sản xuất, chế biến quế tại Phú Thọ cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. 

Sản phẩm quế phải phát huy kiến thức bản địa và tạo sự tham gia của cộng đồng xã hội; phát triển vùng trồng quế gắn với tạo môi trường sinh thái, hình thành điểm du lịch, mời gọi du khách đến thăm như hồ Thượng Long (xã Thượng Long, huyện Yên Lập).

Phú Thọ chi 77 tỷ đồng, hướng đến xây dựng, hình thành chỉ dẫn địa lý “quế Phú Thọ” - Ảnh 4.

Phú Thọ đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm quế. Ảnh: Hoan Nguyễn

Đặc biệt, cần đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. 

Cùng với đó, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến quế; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường đối với sản phẩm quế; tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả sản phẩm khi được công nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và thương hiệu.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem