Phú Thọ: Trồng thứ cây lạ, trồng 1 lần chặt trong 10 năm, ông nông dân thu nhập cao không ngờ

Huy Hùng Thứ ba, ngày 25/05/2021 13:08 PM (GMT+7)
Sau nhiều lần trồng thử nghiệm các loại cây nhưng không hiệu quả, ông Lê Minh Chiến (khu 2, xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) quyết định đem thứ cây lạ-cây gai xanh về trồng. Chỉ sau 4 năm, ông Chiến trồng cây gai xanh nhiều gấp nhiều lần, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn nhiều so với những cây trồng khác.
Bình luận 0

Bây giờ, đến khu 2, xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, chúng ta dễ dàng nhận thấy cánh đồng trồng bạt ngàn những loại cây lá to, cao ngang người và người dân đang hì hụi chặt.

Đó là cây gai xanh, mới được đem về đây trồng khoảng 4 năm nay, nhưng đã cho thu nhập cao hơn nhiều với những cây bản địa như chè, sắn, lúa…

Về Phú Thọ xem ông Chiến "gai" trồng loại cây "độc lạ" mà cho thu nhập cao - Ảnh 1.

Đến khu 2, xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, bây giờ là bạt ngàn màu xanh của cây gai xanh.

Theo ông Lê Minh Chiến, Giám đốc HTX Gai Cường Thịnh, sau nhiều lần trồng thử nghiệm các loại cây không đem lại hiệu quả, năm 2018, qua giới thiệu, ông tìm vào Thanh Hóa để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, đồng thời mua giống cây gai xanh về trồng. Và cũng trong năm này, HTX Gai Cường Thịnh ra đời, với diện tích khoảng 2ha trồng cây gai xanh.

Ông Chiến cho biết, qua nghiên cứu về thổ nhưỡng, khí hậu, ông thấy vùng đất Hoàng Cương có thể đáp ứng được việc trồng cây gai xanh nên quyết định đầu tư vào giống cây này.

"Qua tìm hiểu tôi thấy, cây gai xanh có thể lấy lá làm bánh gai, cũng có thể làm thức ăn cho dê, hươu… vỏ thân làm sợi vải, còn rễ thì làm thuốc an thai rất tốt. Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm cây gai xanh cũng không đáng ngại bởi có nhà máy chế biến vải sợi của cây gai do Tập đoàn An Phước sẵn sàng thu mua", ông Chiến chia sẻ.

Về Phú Thọ xem ông Chiến "gai" trồng loại cây "độc lạ" mà cho thu nhập cao - Ảnh 2.

Ông Lê Minh Chiến là người đầu tiên đưa giống cây này về trồng và thành lập HTX Gai Cường Thịnh

Cũng theo ông Chiến, cây gai xanh có đặc điểm rất ít bị sâu bọ cắn phá, nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 

Đặc biệt, cây cây gai xanh chỉ cần trồng 1 lần, sau khi chặt thì gốc cây sẽ tự trồi lên tái sinh và cho thu hoạch tiếp. Trong một năm, cây gai xanh sẽ cho thu hoạch nhiều lần và khoảng 10 năm sau mới phải trồng lại.

"Cây gai xanh phát triển tốt, ít sâu bệnh, sản phẩm lại được bao tiêu, nên trong thời thời gian ngắn, từ 2ha ban đầu, HTX Gai Cường Thịnh đã mở rộng lên thành 30ha, với 13 thành viên. Không những thế, chúng tôi còn đang mở rộng sang các xã lân cận ở huyện Thanh Ba, cũng như tiến xa hơn để mở rộng diện tích trồng cây gai xanh ở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ với quy mô khoảng 1.100ha", ông Chiến vui vẻ cho biết.

Ông Chiến cho biết thêm, nhà ông hiện đang trồng 4ha cây gai xanh, mỗi ha cho thu hoạch khoảng 1 tấn vỏ gai khô. Với giá vỏ gai khô hiện đang là 42.000 đồng/kg, 1 năm sẽ thu được 170 triệu đồng/ha. Sau khi trừ hết chi phí đi, sẽ thu lãi khoảng 80 triệu/ha/năm.

Về Phú Thọ xem ông Chiến "gai" trồng loại cây "độc lạ" mà cho thu nhập cao - Ảnh 3.

Người dân xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ thu hoạch cây gai xanh bằng cách chặt sát gốc, sau đó cho thân cây cho vào máy tuốt lấy vỏ.

Còn theo bà Vũ Thị Liên (50 tuổi, ở khu 2, xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ), gia đình bà trồng 3 sào cây gai xanh. Giống cây do HTX Gai Cường Thịnh cung cấp, sản phẩm thu hoạch cũng được HTX này gom lại bán cho nhà máy.

"Trồng cây này ít mất công chăm bón, phun thuốc, thu nhập lại cao. Với 3 sào, tôi chỉ mất một ngày thu hoạch, sau thu hoạch mất thêm 1 buổi bón phân. Vậy mà với 3 sào ấy, mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu được cả chục triệu đồng", bà Liên chia sẻ.

Phú Thọ: Đem cây trồng 1 lần thu hoạch 10 năm về phát triển, ông nông dân thu nhập cao không ngờ - Ảnh 4.

Sau khi tách, vỏ cây gai xanh được phơi khoảng 3 ngày.

Phú Thọ: Đem cây trồng 1 lần thu hoạch 10 năm về phát triển, ông nông dân thu nhập cao không ngờ - Ảnh 5.

Cây gai xanh mỗi năm cho thu hoạch 5 vụ và 10 năm sau mới phải trồng lại.

Theo ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Cương, sau 4 năm phát triển mô hình trồng cây gai xanh, qua thống kê nhận thấy cây này cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với những cây khác trồng trên địa bàn từ 1,5 – 2 lần.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc trồng cây gai xanh cũng gặp một số những khó khăn như: Chi phí nhân công cao, lao động ở địa phương giờ chỉ còn phụ nữ, người cao tuổi do thanh niên ở đây đi làm ăn xa. Không những thế, việc trồng cây gai xanh cần phải trồng tập trung, thuận tiện về thủy lợi.

Về Phú Thọ xem ông Chiến "gai" trồng loại cây "độc lạ" mà cho thu nhập cao - Ảnh 5.

Khi sợi gai khô thì bó lại, nông dân xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ bán cho nhà máy làm sợi vải.

"Nói vậy, nhưng trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây gai xanh này. Cụ thể, ngoài việc tuyên truyền mở rộng diện tích, chính quyền sẽ có những phương án về công tác thủy lợi để cung cấp đủ nước tưới, cũng như có chính sách giao khoán tập trung đất để phát triển giống cây gai xanh này", ông Đỗ Văn Tuấn cho biết thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem