Phú Yên: Đến khổ, gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, nông dân đang mất những thứ này

Thứ bảy, ngày 16/01/2021 12:15 PM (GMT+7)
Tại tỉnh Phú Yên, những ngày qua, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường kết hợp gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, nhiều đợt sóng cao với cường độ mạnh đã khiến một số khu vực bờ biển bị xói lở, xâm thực sâu vào đất liền.
Bình luận 0

Tại Phú Yên, sạt lở bờ biển gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân đã diễn ra nhiều năm qua. Mặc dù chính quyền địa phương và người dân đã có nhiều giải pháp để khắc phục nhưng nỗi lo triều cường và xâm thực bờ biển vẫn luôn hiện hữu.

Phú Yên: Đến khổ, gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, nông dân đang mất những thứ này - Ảnh 1.

Tuyến đường Bạch Đằng (thành phố Tuy Hòa) bị sóng biển đánh mạnh và tiếp tục xâm thực ở những vị trí đã xói lở trước đó (ảnh chụp ngày 10/11/2020).

Lo mất nhà, mất sinh kế

Làng Mỹ Quang Nam (xã An Chấn, huyện Tuy An) nằm dọc bờ biển với chiều dài hơn 1km. Trong đó, khoảng 200m đã được đầu tư xây dựng kè bê tông không bị ảnh hưởng bởi sóng biển. Từ ngày 3/1/2021 đến nay, triều cường, sóng lớn, cao từ 2m đến 3m, liên tục đánh vào bờ khu vực chưa được xây dựng kè. Đã có gần 20 ngôi nhà người dân bị sạt lở và uy hiếp. Các điểm giao thông nối từ làng ra biển cũng bị sóng đánh hư hỏng.

Sống gần biển nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Minh Thị (người dân thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn) lại thấy lo sợ như lúc này. Khoảng sân của gia đình ông đã bị sóng đánh sập, cuốn ra biển. Nếu những ngày tới, triều cường vẫn mạnh chắc căn nhà cũng không "trụ" nổi.

Ông Thị lo lắng: Chưa bao giờ triều cường kéo dài như đợt này. Người dân sống gần biển đã dùng đá hộc, lưới thép để gia cố nhưng sóng mạnh nên mọi thứ đều hư hỏng; giờ chỉ biết nhìn ra biển và trông mong trời yên, biển lặng để khỏi mất nhà cửa.


Tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển cũng đang xảy ra nghiêm trọng tại 2 thôn Nhơn Hội và Hội Sơn, xã An Hòa Hải. Khu vực bị triều cường gây sạt lở dài khoảng 1km, sâu vào đất liền từ 5m đến 7m, với độ cao trên 8m. Triều cường liên tục xuất hiện đã khiến 20 hộ dân ở khu vực sát biển phải di dời; gây ảnh hưởng lớn đến việc khai thác thủy sản của hơn 600 hộ dân địa phương.

Ông Trương Tấn Lai - Trưởng thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An cho biết: Những ngày qua, liên tục có triều cường. Sóng to đã cuốn lượng lớn đất, cát xuống biển. 

Một số hộ chằng, néo ghe không chắc chắn cũng bị sóng cuốn mất. Cán bộ, chiến sĩ Đồn An Hải đã giúp dân đắp hàng nghìn bao cát nhưng vài ba ngày lại bị cuốn trôi. T

ình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của các hộ dân. Bà con mong mỏi chính quyền, ngành chức năng có các giải pháp để sớm xây dựng kè bảo vệ.

Tại khu vực bờ biển thành phố Tuy Hòa, các bãi tắm cũng bị sóng biển đánh mạnh, "ăn" sâu vào bờ. Một số công trình do các đơn vị kinh doanh du lịch đầu tư phục vụ du khách bị cuốn trôi ra biển. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này, có thể bãi tắm dọc bờ biển Tuy Hòa sẽ bị "xóa sổ".


Từ năm 2010 tới nay, sạt lở khu vực ven sông, biển của tỉnh Phú Yên có diễn biến phức tạp, gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông tỉnh Phú Yên, tốc độ xâm thực bình quân từ 10-20m; có nơi như thôn Hòa An, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, và thôn Long Thủy, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa bị xâm thực 25-35m/năm; xói lở đã làm mất hàng chục đến hàng trăm hecta đất ven sông, ven biển.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 39,4km. 

Trong đó có 14 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (theo tiêu chí về phân loại sạt lở bờ sông, bờ biển quy định tại Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ) với tổng chiều dài 24,8km.

Diễn biến phức tạp của thời tiết như hiện nay, nhiều điểm sạt lở bờ biển liên tục xuất hiện, là nỗi lo của người dân cũng như chính quyền địa phương…

Cần những giải pháp bền vững

Để hạn chế những thiệt hại về tài sản của nhân dân do tình trạng xâm thực bờ biển ở khu vực thôn Mỹ Quang Nam (xã An Chấn) và thôn Nhơn Hội (xã An Hòa Hải), Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã phê duyệt các dự án kè chống sạt lở.

Đoạn kè biển thôn Mỹ Quang Nam được đầu tư xây dựng dài khoảng 215m với tổng vốn đầu tư hơn 21,9 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư được hỗ trợ từ Trung ương và ngân sách địa phương. Kè biển chống sạt lở xã Hòa Hải được xây dựng với chiều dài 1km. 


Dự án chia làm 2 giai đoạn với tổng kinh phí 80 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ khẩn cấp sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm khu vực miền Trung theo Nghị quyết 797/NQ-UBTVQH14, ngày 24/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ngân sách địa phương.

Ông Đặng Khoa Đãm, Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đầu tư và xây dựng tỉnh Phú Yên cho biết: Cả hai công trình này đều thực hiện các thủ tục và đầu tư xây dựng từ năm 2020 đến 2021. Dự kiến hoàn thành trong năm 2021, các công trình nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ biển ăn sâu vào đất liền.


Thời gian qua, để chủ động phòng chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư, bằng nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Phú Yên đã xây dựng được khoảng 4.500m kè biển và đang tiếp tục xây dựng các tuyến kè quan trọng cụ thể như: Kè chống sạt lở, bồi lấp cửa biển Đà Diễn; Kè chống xói lở ven bờ biển khu vực xóm Rớ phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa; đường Nam cầu Hùng Vương đến Khu Công nghiệp Hòa Hiệp I...

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết: Đối với khu vực ven biển, việc xây dựng các tuyến đê kè đem lại lợi ích to lớn đối với phát triển kinh tế; hạn chế nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân trong mùa mưa, bão; giúp người dân trong vùng dự án yên tâm sản xuất. 

Môi trường cảnh quan được thay đổi đẹp hơn, nhiều công trình kè kết hợp đường giao thông đã trở thành điểm tham quan du lịch, lưu thông an toàn cho người dân, đời sống tinh thần được nâng cao. Từ đây, người dân có cơ hội thoát nghèo và có cuộc sống chất lượng hơn.

Cũng theo ông Trần Hữu Thế, việc xây dựng các công trình bờ kè vùng sạt lở, triều cường chưa phải là phương pháp tối ưu, vì cần kinh phí lớn và không thể làm bờ kè theo kịp tình hình sạt lở như hiện nay. 


Các giải pháp xây dựng đê kè nói chung cần được thực hiện dựa trên các nghiên cứu khoa học, tính toán có cơ sở. Những nơi thật cần thiết phải bảo vệ về kinh tế, dân sinh mới làm kè; những nơi khác tìm, những giải pháp phi công trình và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu cả giải pháp công trình và phi công trình không mang lại hiệu quả lâu dài, phải chấp nhận di dân để đảm bảo dòng chảy thuận theo hình thái tự nhiên.

Bên cạnh các giải pháp công trình, phi công trình, các địa phương cũng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó với sạt lở cho người dân.

Xuân Triệu (TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem