Niên vụ sắn 2011-2012, nhiều diện tích sắn ở huyện Đồng Xuân và huyện Sơn Hòa tự dưng bị phân cành, cây sắn mọc thêm nhiều chồi ngọn và chồi thân, trông giống như "chổi rồng". Những cây bị bệnh này, chồi và ngọn bị chết khô. Lâu nay, chưa ai thấy bệnh này nên không biết cách xử lý ra sao.
|
Sắn ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa nhiễm bệnh chổi rồng. |
Trước tình trạng nông dân trồng sắn đang hoang mang, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên thu thập mẫu gửi giám định tại Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT). Theo ông Đặng Văn Mạnh - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, kết quả xác định đây là bệnh do Phytoplasma (dịch khuẩn bào - một loại vi sinh vật ở giữa virus và vi khuẩn) gây ra, hiện chưa có thuốc đặc trị, chỉ phòng trừ bằng biện pháp canh tác.
Cũng theo ông Mạnh, bệnh này lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Khi cây sắn bị bệnh sớm thường không cho thu hoạch. Cây bị bệnh muộn thì làm giảm năng suất từ 10 - 30%, hàm lượng tinh bột giảm 20 - 30%. Đáng lưu ý, bệnh có dạng ẩn bệnh, cây nhìn bề ngoài có vẻ khỏe, nhưng có thể đã nhiễm bệnh.
Ba cách đối phó với bệnh chổi rồng
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết: “Bệnh chổi rồng đã tấn công hàng nghìn ha sắn ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, chứ không riêng gì ở Phú Yên. Bệnh đã gây thiệt hại nặng nề trên cây sắn tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã xâm nhập vào VN”. Cục khuyến cáo 3 cách: Tiêu hủy ngay những cây bị nhiễm bệnh. Không vận chuyển, trao đổi hom giống từ vùng có bệnh đến vùng chưa có bệnh. Chuyển đổi các giống sắn có khả năng chống chịu tốt với bệnh chổi rồng.
Hữu Thông
Ông Mạnh lo lắng bệnh sẽ lây lan nhanh vì nông dân thường hay sử dụng giống trao đổi lẫn nhau. Trong khi đó, con đường lây lan chủ yếu qua hom giống và côn trùng môi giới (rầy lá - Cicadellidea, và rầy thân - Fulgoridea). Cũng theo ông Mạnh, hiện nông dân Phú Yên đa số sử dụng giống sắn cao sản KM 94, đây là giống đang nhiễm bệnh. “Đây đang là niên vụ mới, nông dân lại hay trao đổi hom sắn cho nhau vì thế nguy cơ vụ tới bệnh còn lan truyền nặng hơn” - ông Mạnh nói.
Hiện nay, để ngăn chặn bệnh này, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú yên khuyến cáo nông dân tuyệt đối không sử dụng hom sắn ở khu vực đã bị bệnh, tiêu hủy triệt để thân cây sắn và tàn dư còn tươi ở các vùng sắn đã bị bệnh. Ngoài ra, cơ quan này còn lưu ý nông dân trong thời gian từ khi sắn mọc đến thu hoạch phải tăng cường theo dõi, nếu thấy rầy môi giới xuất hiện mật độ cao thì phun thuốc diệt trừ; đặc biệt phải sử dụng giống sắn năng suất, chất lượng cao trồng thay thế giống sắn KM 94 tại các vùng đã bị nhiễm bệnh.
Mạnh Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.