Phục dựng di tích Thành Cổ Loa: Đừng mắc bệnh hoành tráng

Thứ tư, ngày 04/11/2015 11:29 AM (GMT+7)
Về yêu cầu phục dựng di tích Thành Cổ Loa, PGS.TS Nguyễn Văn Huy tỏ sự ái ngại nếu như chúng ta mắc căn bệnh “hoành tráng” trong phục dựng như lâu nay vẫn làm.
Bình luận 0

Sẽ nghiên cứu phục dựng một số đoạn thành nội trong không gian khu di tích Thành Cổ Loa- đó là một trong những nội dung trong Qui hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) vừa được công bố. Dẫu vậy, cũng giống như câu chuyện phục dựng Điện Kính Thiên, theo quan điểm của giới nghiên cứu văn hóa và khảo cổ học, tái hiện và phục dựng một di tích lịch sử văn hóa cần nhiều tư liệu và phải được nghiên cứu thật kỹ lưỡng.

Khả năng phục dựng là có thể

 Trở thành công viên lịch sử - sinh thái - nhân văn của Thủ đô trong tương lai, di tích Thành Cổ Loa đang được kỳ vọng sẽ là điểm kết nối các vùng di sản Hà Nội. Với diện tích 860,4ha, phạm vi quy hoạch Khu di tích Thành Cổ Loa và phụ cận thuộc địa bàn các xã: Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ...  (Đông Anh - Hà Nội).

img

Di tích Thành Cổ Loa.

Theo đánh giá, khu di tích Cổ Loa là không gian quan trọng kết nối các tuyến du lịch văn hóa lớn của Thủ đô như: Tuyến cảnh quan văn hóa sông Hồng - Hồ Tây - Ba Vì; tuyến không gian bảo tồn hệ thống di tích Đền Hùng - Mê Linh - Cổ Loa - Hoàng thành Thăng Long - Sơn Tây - thành cổ Luy Lâu.

Dự kiến, sau khi quy hoạch hoàn chỉnh, di tích này sẽ dần chuyển đổi từ vùng dân cư nông thôn nội thành Hà Nội sang mô hình công viên lịch sử, trong đó ngành kinh tế chủ đạo là phát triển dịch vụ và du lịch dựa trên bảo tồn và khảo cổ học. 

Theo quy hoạch vừa được công bố, toàn bộ di tích Cổ Loa được chia thành 4 vùng: Vùng lõi, vùng trung, vùng ngoại và vùng biên. Trong đó vùng trung tâm của di tích- vùng lõi sẽ tiến tới nghiên cứu, phục dựng một số đoạn thành nội, nhằm vừa bảo tồn di sản, vừa quảng bá cộng đồng, khai thác du lịch.

Vậy khả năng phục dựng thành nội khu di tích Cổ Loa ra sao, TS Trịnh Hoàng Hiệp (đại diện nhóm nghiên cứu thành Cổ Loa của Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội) cho hay: Không thể phục dựng được toàn bộ quần thể di tích xưa, vì hiện nay cư dân sinh sống nhiều trong khu di tích, trên 3 vòng thành. Nhiều di chỉ khảo cổ học, nhiều đoạn thành bị phá nên diện tích còn lại để nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích không còn.

Theo đó, ông Hiệp hoàn toàn đồng tình với việc phục dựng từng đoạn thành ở những vị trí hiện được bảo tồn tốt nhất. Ông cho rằng, với những tư liệu thu được từ khảo cổ học cho đến thời điểm hiện nay, thì có thể phục dựng được trên 70%. Song hành với phục dựng, bảo tồn sẽ là hoạt động khai quật khảo cổ học.

Chẳng hạn, ở giai đoạn 1 (năm 2016): Lựa chọn một khu tiêu biểu nhất của khu di tích Cổ Loa, mà ở đó còn để lại những di tích tiêu biểu và đặc trưng duy nhất của thành Cổ Loa như: 3 vòng thành, hào, hỏa hồi, giếng Ngọc, đền thờ vua An Dương Vương... để có thể nghiên cứu, phục hồi và trên cơ sở khoa học đó, giúp du khách trong và ngoài nước có thể nhận diện toàn bộ khu di tích. Bên cạnh đó, tiến hành khai quật lũy phía Tây Nam Thành Ngoại, lũy phía Tây Nam Thành Trung, lũy và Ụ hỏa hồi phía Tây Nam Thành Nội và hào Thành Ngoại. Sau khi kết thúc khai quật sẽ làm nhà mái tre bảo vệ di tích (bảo tàng ngoài trời)… nhằm giới thiệu cho khách tham quan và nghiên cứu về khu di tích thành Cổ Loa.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Trịnh Sinh cho rằng: Viện Khảo cổ: Qui hoạch tổng thể khu di tích Cổ Loa, trong đó có đề cập tới việc nghiên cứu phục dựng một số đoạn trong thành nội là nên làm. Bởi tòa Thành Cổ Loa có lẽ là rất hiếm ở trong bối cảnh thời đó ở Đông Nam Á. Trong quá trình khảo cổ học tại đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những hiện vật để  minh chứng tòa thành Cổ Loa từ truyền thuyết đã hé lộ những chứng cứ lịch sử. Ví dụ nhưng trong truyền thuyết có nói về mũi tên đồng Cổ Loa “Nhất phát nhất vạn nhân” (tức là một mũi tên giết được một vạn người”.

Đó là truyền thuyết, song giới khảo cổ đã tìm được những chứng cứ của những mũi tên đồng đó. Họ đã  tìm được hàng vạn chiếc ở ngay thành Cổ Loa. Sau này các chuyên gia khảo cổ còn tìm được những khuôn bằng đá để đúc những mũi tên đó. Theo PGS.TS Trịnh Sinh, những chứng cứ khoa học về niên đại đã chứng thực di tích Thành Cổ Loa là có thật trong lịch sử.

Nên là một di sản sống

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ, điều mà ông lấy làm tâm đắc nhất là khu di tích lịch sử Thành Cổ Loa có rất nhiều huyền tích và những câu chuyện lịch sử có ý nghĩa. Dẫu vậy, với số tiền đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cùng kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn trong tương lai - theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, điều ấy sẽ còn phụ thuộc nhiều vào cách mà chúng ta kể câu chuyện lịch sử hàng ngàn năm ra sao.

Ông Nguyễn Văn Huy ủng hộ quan điểm để người dân sống trong lòng di tích. Bởi vì, di tích xen kẽ trong cộng đồng chính là một thực thể sống, tạo nên sự sinh động của di sản. Đã từng có những quan điểm di dời toàn bộ người dân ra khỏi di tích sẽ làm lộ diện giá trị về mặt lịch sử, các kiến trúc cũ, tạo điều kiện cho công tác khảo cổ. Nhưng theo ông, du khách đến với di tích, ngoài việc ngắm nhìn hiện vật mấy ngàn năm lịch sử, còn có nhu cầu  ngắm nhìn không gian văn hóa lịch sử ấy.

Tách con người ra khỏi di tích thì nơi đó chỉ là bãi khảo cổ. và ông cũng thẳng thắn phân tích, Lễ hội Cổ Loa chỉ diễn ra vào đầu tháng Giêng hàng năm. Nếu bây giờ biến lễ hội thành sản phẩm trình diễn thường xuyên thì chắc không nên. Lễ hội Cổ Loa là cuộc sống, niềm tin và văn hóa của người dân, nó phải gắn với cộng đồng dân cư, vẫn giữ nhiều nét đẹp dân giã. Theo đó không nên vì Qui hoạch mà sân khấu hóa lễ hội này.

Minh chứng 2 câu chuyện bài học bảo tồn làng cổ Đường Lâm với bảo tồn phố cổ Hội An - một mô hình không thành công và một mô hình thành công, ông cho rằng phải gắn quyền lợi của cộng đồng dân cư nơi có di tích trong đó. Và khi người dân hiểu về giá trị di tích thì họ sẽ chủ động tham gia vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa.

Về yêu cầu phục dựng di tích Thành Cổ Loa, ông tỏ sự ái ngại nếu như chúng ta mắc căn bệnh “hoành tráng” trong phục dựng như lâu nay vẫn làm. Theo đó, để làm nổi bật giá trị di tích này cần thể hiện bằng phương pháp đa chiều, đa thanh mà điểm nhấn là câu chuyện An Dương Vương xây thành, mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy… Nhưng chất liệu không thể sử dụng tư duy trình diễn như chúng ta quen gọi và thường thấy.

Kinh nghiệm bảo tồn di tích lịch sử văn hóa ở một số nước mà ông đã được tham khảo rất hiệu quả. Đó là những câu chuyện lịch sử được kể trong phòng bảo tàng bằng phương pháp 3D, vừa thực và vừa ảo. Rồi công tác phục dựng cũng rất tôn trọng chất liệu hiện có.

Như vậy, qui hoạch thành công viên lịch sử- sinh thái- nhân văn trong tương lai là tốt, nhưng Cổ Loa là huyền tích đẹp, không nên hiện thực hóa. Giờ đây, những cái gì còn thì phải giữ để bảo lưu. Những chỗ nào bị phá, nếu còn nhiều cơ sở khoa học có thể phục hồi. Còn những thứ đã trở thành quá xa vời như chốn ở của vua, quan, cung tần mỹ nữ… thì không nên phục dựng.

Quan trọng nhất chúng ta không có đủ tư liệu. Không ai có thể hình dung hiện thực diễn ra như thế nào khi lịch sử đã cách chúng ta đã mấy ngàn năm.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh: “Sự hấp dẫn của di tích lịch sử Thành Cổ Loa lâu nay chính là thành đất cổ và các huyền thoại của nó”.

Minh Quang - Minh Quân (Đại Đoàn Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem