Tầm quan trọng của đê - thành từ Cổ Loa đến Thăng Long

Nhà sử học Lê Văn Lan Thứ tư, ngày 18/02/2015 13:43 PM (GMT+7)
Tư tưởng đắp đê bảo vệ mùa màng, trị thủy (kinh tế) và chống giặc (quân sự) đã được các bậc tiền nhân xây dựng, áp dụng nhuần nhụy trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, từ thời Âu Lạc đến thời Lý sau này. 
Bình luận 0

Huyện Phong Khê có đê phòng lụt

Giữa thế kỷ thứ III trước Công nguyên, Vua An Dương nước Âu Lạc cho đắp dựng ở vùng đồng bằng giáp trung du của lưu vực sông Hồng một công trình thổ mộc kỳ vĩ có ba chức năng: Kinh thành-quân thành và thị thành, đang được gọi bây giờ là: Thành Cổ Loa.

img
Đền thờ An Dương Vương

Khi thi công tòa thành này - ngày ấy có tên là “Chạ Chủ” - cần chỗ có thế đất cao, nhà vua đã cho di dời những cư dân và làng Chạ ở chỗ bây giờ là xã Cổ Loa xuống vùng đất trũng – bây giờ là xã Liên Hà - ở bên cạnh. Chỗ và dân vùng trũng ấy gồm: Quậy Cả, Quậy Con và Quậy Rào – gọi chung thành Quậy. Vậy là hình thành một câu cổ ngữ lạ, nói về mối quan hệ giữa Quậy và Chủ: “Quậy ủ Chủ tươi/Quậy cười Chủ khóc”! Được người địa phương giải nghĩa là: Gặp lúc lụt lội, vùng trũng (Quậy) khổ, thì vùng cao (Chủ) đỡ hơn. Nhưng khi khô hạn thì vùng cao (Chủ) khổ, còn vùng trũng (Quậy) lại… mát mặt!

Tất cả là do chuyện nước nôi mưa nắng. Và tụ lại ở một đầu mối là dòng sông Hoàng Giang, chảy sát ngay mạn nam thành Cổ Loa. Ngày xưa, đây là một dòng chảy lớn. Chọn vùng đồi gò ở ngay trên bờ bắc sông Hoàng Giang để khơi ngòi vật đất đắp thành Cổ Loa. Cặp mắt tinh đời của An Dương Vương đã khiến công trình quân thành lợi hại quây quanh một vùng thị thành phồn thịnh, được dùng làm tòa kinh thành đầu não của cả quốc gia này, trở thành trung tâm của cả một hệ thống giao thông đường thủy. Đồng thời, lại cũng có thể nhờ ngay nguồn nước sông Hoàng Giang mà vừa tắm tưới, vừa che chắn trực tiếp cho chỗ đóng tòa kinh thành - thành - thị thành Cổ Loa này.

img
Hệ thống thành - đê Cổ Loa

Tìm trong một tài liệu đã gần hai nghìn năm tuổi – sách “Hậu Hán Thư” – thấy viết gọn một câu: “Huyện Phong Khê có đê phòng lụt”! Đây là câu sử bút đầu tiên, nói về công trình đê điều đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Và Phong Khê – địa danh của nơi “có đê phòng lụt” đầu tiên - ở vào thời gian đầu Công nguyên chính là miền đất có Cổ Loa làm thủ phủ! Tuy nhiên, tìm trên thực địa đương thời, ở chỗ Cổ Loa – Phong Khê ấy, chỉ thấy có thành Cổ Loa mà thôi. Cho nên, hiển nhiên phải hiểu ở đây: Thành cũng chính là đê. Và đắp thành là đắp đê. Những vòng tường thành Cổ Loa – vòng ngoài lồng vòng trong, tổng chu vi lên tới 16km-vừa được đắp để bảo vệ tòa kinh đô đầu não và trung tâm kinh tế của Nhà nước Âu Lạc chống giặc ngoại xâm, vừa cũng là để ngăn nạn nước dâng tràn.

Tính lưỡng hợp của đê- thành

Bài học quan trọng này, hơn nghìn năm sau đấy, về thời định đô, và xây đô Thăng Long (thành Đại La) đã được Vua Lý Thái Tổ tiếp thu, vận dụng thật nhuần nhụy. Tòa thành này nằm sâu trong vòng quây lại của ba dòng sông: Tô Lịch, Kim Ngưu và sông Mẹ (sông Cái, Hồng Hà).

Một cổ thư sắp bảy trăm năm tuổi – sách “Đại Việt sử lược” – đã đo đếm và mô tả được rất tinh vi chi tiết tòa thành Đại La này. Đó là: Chu vi 1.980 trượng 5 thước (tức khoảng 6,1km), cao 2 trượng 6 thước (khoảng 8m), chân thành cũng rộng 2 trượng, 6 thước (khoảng 8m)… Rất đáng chú ý là liền với đoạn sử bút viết về tòa thành Đại La như thế này, sách “Đại Việt sử lược” còn có một đoạn tư liệu đặc sắc nữa, nói rành rẽ rằng: Một dải đê đã được đắp bao quanh thành, chu vi 2.125 trượng, 8 thước (khoảng 6,35km), cao 1 trượng 5 thước (4,5m), chân rộng 3 trượng (khoảng 9m)! Dải đê này như vậy, thấp hơn tường thành khoảng 3,5m nhưng chân lại rộng hơn chân tường thành 1m và có độ dài lớn hơn 250m so với chu vi vòng tường thành. Có nghĩa, vì là đê ngăn nước, nên nó không cần cao như tường thành để ngăn địch, nhưng cần rộng chân để chắc hơn tường thành trong việc chống nước phá nhưng vẫn bảo lưu tính lưỡng hợp giữa đê và thành.

Thăng Long năm 1010 của Vua Lý Thái Tổ - đúng hơn là: Khu (bây giờ đang gọi là) mang đặc trưng là: Chỉ có một vòng đê – thành, với chu vi khoảng hơn 6km một chút để cho cả vua quan lẫn dân chúng cùng ở bên trong. Hẳn là thấy rất bất tiện khi chung chạ như thế, nên chỉ 4 năm sau khi tôn tạo Đại La thành Hoàng Thành Thăng Long, Vua Lý Thái Tổ đã quyết định cho đắp một vòng tường thành mới, bao rộng ra ngoài khu (vòng) thành, để điều chuyển dân chúng từ trong khu Hoàng Thành ra đấy mà sinh sống. Vòng tường thành bắt đầu xuất hiện vào và từ năm 1014 này có hai đặc trưng nổi nét là: Thứ nhất – đắp toàn bằng đất; và thứ hai – gần như cứ men theo mép nước của ba dòng Tô Lịch- Kim Ngưu – sông Cái (Hồng Hà) mà đắp!

Đó chính là đặc trưng của một dải đê, ngăn nước cho một vùng nội hà (về sau là Hà Nội - ở mé trong sông) nhưng lại được gọi là thành – “Kinh Thành”, hoặc “La Thành”, “Đại La Thành”, tức: Thành, hoặc thành to, bao (la) ở bên ngoài!

Sau đời Vua Lý Thái Tổ, sang đến đời Vua Lý Nhân Tông, một việc lớn được ghi vào chính sử là: Đất nước bắt đầu chính thức có con đê đầu tiên – đê Cơ Xá. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rõ: “Mùa xuân, tháng hai, đắp đê ở phường Cơ Xá”. Phường Cơ Xá về thời Lý là một điểm điều chuyển dân chúng từ trong Hoàng thành ra sinh. Chỗ này, từ năm 1014 đã đắp dải đê – thành bao ngoài khu dân cư ở mạn đông Hoàng thành rồi. Nhưng nay thì dải đê thành ấy, cùng với và sau khi được gia cố được gọi tên là: Đê Cơ Xá.

Nhưng, tuy gọi thế, con đê này vẫn mang trong bản chất của mình, tính lưỡng hợp của một dải đê – thành. Và cả truyền thống - đắp đê cũng là dựng thành, đặc biệt là cái tinh thần (tư tưởng): Kinh tế kết hợp (gắn bó) với quân sự một cách nhuần nhụy.

Hiển nhiên phải hiểu ở đây: Thành cũng chính là đê. Và đắp thành là đắp đê. Những vòng tường thành Cổ Loa - vòng ngoài lồng vòng trong, tổng chu vi lên tới 16km-vừa được đắp để bảo vệ tòa kinh đô đầu não và trung tâm kinh tế của Nhà nước Âu Lạc chống giặc ngoại xâm, vừa cũng là để ngăn nạn nước dâng tràn.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem