Phương Tây bắt đầu tỉnh ngộ sau sai lầm khuyến khích Ukraine chiến đấu đến cùng với Nga?

Phương Đăng (theo INews) Thứ hai, ngày 18/12/2023 19:30 PM (GMT+7)
18 tháng trước, ngay sau cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine sụp đổ, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng phương Tây sẽ ủng hộ Kiev “miễn là cần thiết” để đánh bại Moscow, một câu thần chú mà ông chủ Nhà Trắng đã lặp đi lặp lại nhiều lần kể từ khi cuộc xung đột diễn ra.
Bình luận 0
Phương Tây bắt đầu tỉnh ngộ sau sai lầm khuyến khích Ukraine chiến đấu đến cùng với Nga? - Ảnh 1.

Lữ đoàn cơ giới số 28 của Ukraine. Ảnh IT

Tuy nhiên, theo INews, tuần qua, ông Biden đã có giọng điệu tỉnh táo hơn khi cam kết với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine “miễn là chúng tôi có thể”, giáng một đòn mạnh vào Kiev khi sự ủng hộ của phương Tây trở nên ngày càng hạn chế, bấp bênh và viện trợ quân sự thậm chí đã cạn kiệt.

Khi cuộc phản công của Ukraine đi vào bế tắc và nước này phải đối mặt với một mùa đông khó khăn khác, các nhà quan sát đặt câu hỏi liệu ông Zelensky có nên xem xét cắt giảm tổn thất và đàm phán để kết thúc chiến tranh hay không.

Các báo cáo cho thấy, Mỹ và một số đồng minh châu Âu đã bắt đầu âm thầm khuyến khích Ukraine đạt được mục tiêu đó, nhưng các nhà phân tích và quan chức cho rằng mọi triển vọng hòa bình hiện đều khó có thể xảy ra, thậm chí nằm ngoài tầm với. 

Ngày càng rõ ràng rằng, chiến tranh đã có thể đã kết thúc chỉ vài tháng sau khi nó bắt đầu nếu phương Tây không khuyến khích Kiev chiến đấu đến cùng với Nga.

“Họ đã chuẩn bị sẵn 98% thỏa thuận hòa bình cách đây gần 2 năm và một phần là phương Tây đã nói với họ (Ukraine) rằng họ thực sự không thể ký vào thỏa thuận mà họ đã soạn thảo”, ông Marc Weller, giáo sư luật quốc tế và nghiên cứu hiến pháp quốc tế tại Đại học Cambridge cho biết.

“Đó là một thỏa thuận với sự đảm bảo an ninh mà Moscow sẽ là một phần trong đó và điều đó có vẻ vô lý đối với các quốc gia phương Tây và họ đã khuyến khích Ukraine không nên đi theo hướng đó".

Thỏa thuận hòa bình dự kiến đó; từng suýt đạt được vào tháng 4/2022, khoảng hai tháng sau khi chiến tranh bắt đầu. Thỏa thuận được cho là sẽ chứng kiến Ukraine đồng ý theo đuổi thái độ trung lập để đổi lấy việc Nga rút quân. Khi đó, ông Zelensky đã báo hiệu rằng đất nước ông sẽ sẵn sàng từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

Các quan chức Ukraine nói rằng, Kiev cuối cùng đã từ chối thỏa thuận một phần do ảnh hưởng của phương Tây. Ông Oleksiy Arestovych, cựu cố vấn của ông Zelensk y tiết lộ tuần trước rằng Thủ tướng Anh lúc đó là Boris Johnson có thể đã phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình.

Ông David Arakhamia, lãnh đạo Quốc hội thuộc đảng Đầy tớ của Nhân dân của ông Zelensky cũng từng tuyên bố rằng ông Johnson đã tới Kiev để thông báo cho các quan chức Ukraine rằng, phương Tây sẽ không ủng hộ kỳ thỏa thuận nào với Moscow và kêu gọi Ukraine "hãy chiến đấu".

21 tháng chiến tranh đã chứng kiến cả hai bên chịu thương vong hàng loạt và Ukraine mất khoảng 20% lãnh thổ vào tay lực lượng Nga. 

Vào tháng 9 năm ngoái, Nga bắt đầu sáp nhập 4 khu vực của Ukraine – Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson – bằng cách tiến hành cái gọi là “trưng cầu dân ý” như đã làm ở Crimea năm 2014.

Trong khi đó, lời hứa của phương Tây về việc tiếp tục hỗ trợ và viện trợ Ukraine đã giảm dần theo thời gian. Các quốc gia đã trì hoãn việc cung cấp xe tăng và máy bay phản lực cho Kiev trong nhiều tháng, và tuần trước sự bế tắc chính trị ở Mỹ đã khiến gói hỗ trợ an ninh bổ sung 60 tỷ USD cho Kiev bị đình trệ.

“Diễn biến gần đây ở Mỹ là một đòn giáng mạnh vào quan điểm của (phương Tây) rằng Nga nên nhận được bài học rằng (cuộc chiến) sẽ mãi mãi là vết thương rỉ máu đối với họ, mà cuối cùng họ không thể chấp nhận được”, Giáo sư Weller, người từng là cựu chuyên gia hòa giải của Liên Hợp Quốc và tư vấn về các cuộc đàm phán hòa bình ở nhiều quốc gia, bao gồm Kosovo, Myanmar và Sudan bình luận.

Nga cũng được cho là đã nhận thấy rằng sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine đã bắt đầu suy yếu, với việc Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại một cuộc họp báo lớn ở Moscow hôm thứ Năm tuần trước rằng các nhà lãnh đạo Ukraine đã phải tới tận nơi xin tiền các nước phương Tây để vực dậy đất nước nhưng không thành công. 

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bình luận Kiev đã hứa với Mỹ về một chiến thắng trên chiến trường để nhận được hỗ trợ tài chính nhưng “người Mỹ bây giờ hiểu rằng họ đã bị lừa".

Mặc dù có một số áp lực buộc Ukraine phải xem xét đàm phán với Nga nhưng Giáo sư Weller tin rằng, hiện cả hai bên tham chiến vẫn chưa đạt đến giai đoạn đó.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem