Phương Tây lên kế hoạch ứng phó với khủng hoảng trong trường hợp Nga sử dụng bom hạt nhân ở Ukraine

Lê Phương (Guardian) Thứ bảy, ngày 15/10/2022 20:48 PM (GMT+7)
Các nhà lãnh đạo phương Tây đang tham gia vào kế hoạch chuẩn bị nhằm ngăn chặn khủng hoảng trong trường hợp Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở trong hoặc gần Ukraine, một quan chức giấu tên cho biết.
Bình luận 0
Phương Tây lên kế hoạch ứng phó với khủng hoảng trong trường hợp Nga sử dụng bom hạt nhân ở Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố Moscow sẽ sử dụng "tất cả các phương tiện hiện có" để bảo vệ lãnh thổ Nga. Ảnh: Getty

Mặc dù khả năng một cuộc khủng hoảng hạt nhân được coi là rất khó xảy ra, nhưng các quan chức quốc tế vẫn đang kiểm tra lại kế hoạch cung cấp hỗ trợ khẩn cấp và trấn an những người dân lo sợ về leo thang xung đột.

Hôm 14/10, một quan chức giấu tên đã chia sẻ một số biện pháp sẽ được triển khai để ngăn chặn tình trạng hoảng loạn hoặc người dân chạy trốn khỏi các thành phố.

Theo đó, quan chức này cho biết các chính phủ đã tham gia "lập kế hoạch thận trọng cho một loạt các tình huống có thể xảy ra".

Các chiến dịch thông tin công khai và thậm chí cả các cuộc diễn tập ở trường học về cách sống sót sau một cuộc chiến tranh hạt nhân đã được tiến hành từ thời Chiến tranh lạnh, tiêu biểu là chiến dịch "Duck and Cover" ở Mỹ vào những năm 1950, "Protect and Survive" ở Vương quốc Anh vào cuối những năm 1970 và "Everyone has a chance" ở Tây Đức vào đầu những năm 1960.

Trong trường hợp hiện tại, trọng tâm của chiến dịch được cho là nhằm ngăn chặn sự hoảng loạn của công chúng do lo sợ về khả năng leo thang hạt nhân không kiểm soát được tại các thành phố lớn.

Tổng thư ký của Chiến dịch Giải trừ Vũ khí Hạt nhân Kate Hudson cho biết: "Việc lập kế hoạch thận trọng này có liên quan đến chiến dịch Protect and Survive trong thời kỳ Chiến tranh lạnh của chính phủ Anh".

Trong bối cảnh Moscow vấp phải những cuộc phản công tại Ukraine kể từ tháng 9, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra một số lời cảnh báo, đặc biệt là tuyên bố Điện Kremlin sẽ sử dụng "tất cả các phương tiện hiện có" để bảo vệ lãnh thổ Nga.

Quan chức phương Tây cho biết: "Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ phạm phải điều cấm kỵ được áp dụng từ năm 1945", điều này sẽ "dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với Nga, cũng như những nước khác".

Vào cuối tháng trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết sẽ có "hậu quả thảm khốc" đối với Moscow nếu họ tìm cách triển khai một vũ khí hạt nhân chiến thuật, có thể có sức công phá bằng 6 hoặc 7 vụ nổ ở Hiroshima.

Đầu tuần này, người đứng đầu cơ quan gián điệp GCHQ Jeremy Fleming nói rằng ông không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong hoặc xung quanh Ukraine. Cơ quan của ông có nhiệm vụ giúp giám sát các kế hoạch quân sự của Nga và kiểm tra xem liệu quân đội Moscow có đang cố gắng ghép nối đầu đạn hạt nhân với một tên lửa thông thường hay không.

Các chuyên gia tin rằng động thái của Tổng thống Putin nhằm mục đích gây ra nỗi sợ hãi đối với phương Tây, từ đó đảm bảo rằng Mỹ hoặc NATO không tham gia vào cuộc xung đột Ukraine.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem