Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Nhận định tình hình dịch bệnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Dịch tả lợn Châu Phi đã và đang xảy ra tại 29 tỉnh, thành phố và chưa có dấu hiệu dừng lại; bệnh có khả năng gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi nước ta; trong khi đó hiện nay chưa có thuốc chữa bệnh, chưa có vắc xin phòng bệnh, nên nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất cao.
Ngay sau khi dịch xảy ra, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện; tập trung chỉ đạo, tổ chức xây dựng chuỗi chăn nuôi lợn (như chuỗi sản xuất thịt lợn của các Công ty GreenFeed Việt Nam, Masan, Dabaco, CP, …). Đến nay, cả nước có 740 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn được chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Các địa phương và các doanh nghiệp cũng đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm, các loài gia súc khác để bù đắp cho chăn nuôi lợn; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức nghiên cứu các giải pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả hơn; tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Người dân vận chuyển lợn bị dịch tả lợn châu Phi đi tiêu hủy.
Theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn đầu (từ ngày 01/02 đến cuối tháng 4/2019), bệnh phát sinh ở nhiều nơi song chủ yếu là ở các hộ nhỏ lẻ, số lượng lợn phải tiêu hủy ít. Tuy nhiên, hiện nay, dịch có tốc độ lây lan nhanh. "Nếu không có các giải pháp và việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua, chắc chắn mức độ thiệt hại còn trầm trọng hơn nhiều" - Phó Thủ tướng nói.
Để có giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp và hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề ra 10 nhóm giải pháp sau:
Một là, cần tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP.
Hai là, các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia thành lập ngay các Đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ba là, giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy.
Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc giết mổ lợn trong vùng dịch; cơ sở giết mổ đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được phép nhập lợn từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trong và ngoài tỉnh để giết mổ và xuất bán các sản phẩm lợn sau khi giết mổ ra ngoài vùng dịch dưới sự giám sát của cơ quan thú y.
Hướng dẫn các địa phương thành lập và xây dựng 5 trạm kiểm dịch quốc gia bảo đảm các yêu cầu kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ Bắc Nam. Tiếp tục chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và kêu gọi các tổ chức quốc tế, các nước hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để giúp Việt Nam trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP.
Bốn là, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.
Năm là, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cấp kinh phí hỗ trợ cho các địa phương để tổ chức chống dịch.
Sáu là, giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức chỉ đạo việc thông tin, tuyên truyền với nội dung xác thực, với tần suất, hình ảnh phù hợp để vừa bảo đảm công tác chống dịch có hiệu quả, vừa bảo vệ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Bảy là, giao Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt các nhiệm vụ khoa học theo thẩm quyền và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các nhiệm vụ trong chương trình sản phẩm quốc gia.
Tám là, các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia căn cứ chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo hệ thống ngành dọc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan phục vụ công tác phòng, chống bệnh DTLCP.
Chín là, Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trong kế hoạch tổ chức chỉ đạo ứng phó với bệnh DTLCP phải có phương án cụ thể để tiêu hủy lợn bị bệnh phù hợp với các cấp độ xảy ra, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong việc tiêu hủy lợn. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân xả lợn bệnh, lợn chết ra ngoài môi trường.
Mười là, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục chung tay, chung sức với ngành nông nghiệp để tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm để tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.