Q1/2021, doanh thu xuất khẩu của “ông lớn” Vinamilk ước tăng trưởng trên 8% so với cùng kỳ
Quý 1 năm 2021, doanh thu xuất khẩu của “ông lớn” Vinamilk ước tăng trưởng trên 8% so với cùng kỳ
PV
Thứ tư, ngày 28/04/2021 17:32 PM (GMT+7)
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài tại nhiều nước trên thế giới nhưng hoạt động xuất khẩu của Vinamilk tiếp tục đón những thông tin tích cực trong quý 1 năm 2021 với sản phẩm sữa đặc và sữa hạt được xuất sang thị trường Trung Quốc, sữa tươi có chứa tổ yến được xuất sang thị trường “khó tính” Singapore…
Ngày 26/4, Công ty CP Sữa Việt Nam ("Vinamilk"; HoSE: VNM) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông năm 2021 theo hình thức trực tuyến.
Tại đại hội, nhiều vấn đề quan trọng về đầu tư, phát triển bền vững và quản trị doanh nghiệp đã được đưa ra thảo luận và nhận được sự đồng thuận cao từ các cổ đông. Theo đó, các cổ đông đã thống nhất thông qua các nội dung quan trọng.
Doanh thu, lợi nhuận ổn định, duy trì chính sách cổ tức bằng tiền tối thiểu 50%
Tại đại hội, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu cho năm 2021 là 62.160 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 11.240 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng doanh thu 4,1% và lợi nhuận giữ ổn định so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục giới thiệu các sản phẩm mới, chất lượng đến người tiêu dùng. Đồng thời, quá trình cao cấp hóa danh mục sản phẩm vẫn tiếp tục được thực hiện một cách có chọn lọc.
Ngoài ra, Công ty sẽ mở rộng chuỗi giá trị từ trang trại, nhà máy đến hệ thống phân phối và nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động tại các công ty thành viên.
Theo chia sẻ từ ban điều hành Vinamilk, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty trong Q1/2021 ước đạt 13.241 tỷ đồng và 2.597 tỷ đồng, tương ứng đạt 21,3% và 23,2% kế hoạch năm.
Về chính sách cổ tức, Vinamilk đã chi cổ tức đợt cuối (đợt 3) của năm tài chính 2020 là 1.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tổng cổ tức trên của năm tài chính 2020 là 7.871 tỷ đồng, tương ứng 4.500 đồng/cổ phiếu và tỷ lệ cổ tức đạt 71% lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty mẹ.
Mức cổ tức này thể hiện cam kết của Công ty đối với nhà đầu tư, và cổ đông trong việc duy trì chính sách cổ tức cao bằng tiền mặt.
"Vinamilk sẽ tiếp tục duy trì chính sách cổ tức bằng tiền tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho cổ đông của công ty mẹ cho năm tài chính 2021, và thông qua tạm ứng cổ tức 1.500 đồng/cổ phiếu cho đợt 1/2021 (ngày chốt danh sách dự kiến 8/9/2021) và 1.400 đồng/cổ phiếu cho đợt 2/2021 (ngày chốt danh sách dự kiến 31/12/2021)", lãnh đạo Vinamilk, cho hay.
Xuất khẩu tăng trưởng trên 8% so với cùng kỳ, hoạt động công ty con khởi sắc
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài tại nhiều nước trên thế giới nhưng hoạt động xuất khẩu của Vinamilk tiếp tục đón những thông tin tích cực trong Q1/2021 với sản phẩm sữa đặc và sữa hạt được xuất sang thị trường Trung Quốc, sữa tươi có chứa tổ yến được xuất sang thị trường "khó tính" Singapore.
Dựa trên những kết quả này, xuất khẩu dự kiến sẽ tiếp tục mạch tăng trưởng của năm 2020. Trong Q1/2021, doanh thu xuất khẩu của Công ty ước tăng trưởng trên 8% so với cùng kỳ.
Các công ty con của Vinamilk đã ghi nhận những kết quả khả quan trong năm 2020, điển hình là Angkormilk với mức tăng trưởng gần 20% và Sữa Mộc Châu tăng trưởng hơn 10%. Cổ phiếu Sữa Mộc Châu đã chính thức được niêm yết trên sàn UPCOM chỉ sau chưa đầy 1 năm về với Vinamilk. Các dự án liên doanh ViBev giữa Vinamilk và công ty Kido, dự án liên doanh tại Philippines đang triển khai các hoạt động kinh doanh, khai thác thị trường như kế hoạch. Dự kiến các liên doanh này sẽ ra mắt sản phẩm mang nhãn hiệu riêng vào Quý 3 và 4 năm 2021.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, các dự án phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk vẫn được thực hiện đúng tiến độ. Tiêu biểu là việc đón thành công 2.100 bò sữa HF thuần chủng nhập khẩu từ Mỹ về trang trại mới của Vinamilk tại Quảng Ngãi vào ngày 21/03/2021. Đây là trang trại mới có quy mô 4.000 con, diện tích trên 100 hecta với tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến 700 tỷ đồng nằm trong hệ thống trang trại sinh thái "Green Farm" mà Vinamilk đang đầu tư phát triển từ đầu năm 2021. Theo kế hoạch, công ty cũng sẽ nhập khẩu hơn 5.000 con bò sữa cao sản để gia tăng tổng đàn cho các dự án trang trại trong năm nay.
Ngoài ra, trong năm 2021, Vinamilk sẽ tập trung đầu tư các dự án lớn để mở rộng quy mô. Cụ thể như dự án Trang trại bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái tại Mộc Châu, Sơn La, Tổ hợp trang trại bò sữa Lao-Jagro tại Lào, Dự án chăn nuôi, chế biến và phân phối bò thịt của Vilico...
Xây dựng chiến lược phát triển bền vững
Tại đại hội, các nội dung về xây dựng chiến lược phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông tán thành.
Cụ thể, Vinamilk sẽ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, đóng góp tích cực cho nền kinh tế nói chung và ngành sữa Việt Nam nói riêng.
Đặc biệt, Vinamilk sẽ là đơn vị tiên phong vận dụng kinh tế tuần hoàn để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực từ tự nhiên. Hoàn thành việc triển khai sử dụng năng lượng mặt trời tại các trang trại trên cả nước trong năm nay. Thực hành nông nghiệp hữu cơ, giảm thiểu vật liệu nhựa trong sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh đó, mục tiêu lâu dài của DN vẫn là chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em qua chương trình Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam, năm 2021, Vinamilk sẽ tiếp tục trao tặng 1,7 triệu ly sữa cho trẻ em khó khăn trên cả nước. Trong năm 2020, chương trình Sữa học đường do Vinamilk thực hiện đã triển khai mới trên 03 tỉnh, thành phố, nâng tổng số tỉnh thành mà Vinamilk cung cấp sữa trong năm 2020 lên 26 tỉnh thành. Trong năm 2021, Vinamilk tiếp tục duy trì và phát triển Chương trình Sữa học đường trên toàn quốc.
Phát triển bền vững và quản trị doanh nghiệp sẽ là các định hướng mũi nhọn được công ty tập trung để phát triển trong tương lai. Với những nỗ lực trong năm 2020 đầy thách thức, Vinamilk đã thăng 6 hạng liên tiếp trên Top 50 công ty sữa hàng đầu Thế giới, vươn lên vị trí 36 và là đại diện duy nhất của Đông Nam Á trong danh sách này. Năm 2020, Quản trị doanh nghiệp theo các thông lệ quốc tế đã giúp Vinamilk là công ty duy nhất được bình chọn là "Tài sản giá trị của Đông Nam Á" theo kết quả thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN.
Đại hội thông qua việc từ nhiệm của hai Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Bá Dương và bà Nguyễn Thị Thắm, đồng thời nhất trí bầu bổ sung bà Tiêu Yến Trinh cho vị trí Thành viên HĐQT độc lập và ông Hoàng Ngọc Thạch cho vị trí Thành viên HĐQT không điều hành.
Hiện tại, bà Tiêu Yến Trinh đang là Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Kết Nối Nhân tài (Talentnet) và ông Hoàng Ngọc Thạch đang là Phó trưởng Ban Quản lý rủi ro TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Như vậy, HĐQT của Vinamilk nhiệm kỳ 2017 – 2021 đang bao gồm các thành viên sau:
Bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch HĐQT
Bà Mai Kiều Liên – Thành viên HĐQT, TGĐ
Ông Alain Xavier Cany – Thành viên HĐQT
Bà Đặng Thị Thu Hà – Thành viên HĐQT
Ông Đỗ Lê Hùng – Thành viên HĐQT
Ông Lê Thành Liêm – Thành viên HĐQT, GĐĐH Tài chính
Vui lòng nhập nội dung bình luận.