“Quả đắng” từ gạo thơm!

Thứ sáu, ngày 19/04/2013 07:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc ngành nông nghiệp khuyến khích tăng diện tích lúa thơm nhưng không có quy hoạch cụ thể về diện tích, sản lượng cũng như khâu tiêu thụ khiến nông dân phải nhận quả đắng.
Bình luận 0

Sản phẩm gạo thơm Việt Nam do đó cũng chưa xây dựng được thương hiệu.

Diện tích tăng, giá giảm

Đến cuối tuần qua, giá các loại lúa thơm tại vùng ĐBSCL chỉ còn quanh mức 5.800 – 6.000 đồng/kg lúa khô, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/kg. Không chỉ giá thấp, nhiều hộ nông dân trồng giống lúa thơm Jasmine 85 trong vụ đông xuân 2012 – 2013 không bán được lúa hoặc phải bán với giá thấp.

img
Việc trồng lúa thơm phải đáp ứng nhiều yêu cầu kỹ thuật cao.

Ông Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc Sở NNPTNT Cần Thơ cho biết, trong những năm qua, diện tích lúa thơm tại địa phương này tăng đáng kể, riêng vụ đông xuân 2012 – 2013 diện tích các loại lúa thơm đạt hơn 60.000ha, sản lượng đạt từ gần 450.000 tấn. “Việc nông dân chuyển sang trồng lúa thơm với diện tích lớn trong khi thị trường tiêu thụ chưa có dẫn tới tình trạng cung vượt cầu, giá lúa thơm liên tục giảm” - ông Quỳnh giải thích.

Trong khi đó, ngành nông nghiệp các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp... cũng tăng cường khuyến khích nông dân tăng diện tích lúa thơm do sản phẩm có giá trị cao. Tuy nhiên, đến vụ thu hoạch, thương lái không mua do các doanh nghiệp không ký được hợp đồng xuất khẩu.

“Quá nhiều nông dân đổ xô sang trồng lúa thơm trên nền ruộng lúa chất lượng thấp trước đó nên dẫn tới tình trạng chất lượng lúa thơm thấp, không thơm. Ngành nông nghiệp khuyến khích tăng diện tích thì cũng phải khuyến cáo kỹ thuật trồng, các điều kiện giống, thổ nhưỡng... để có sản phẩm gạo thơm đạt chất lượng” - ông Lê Tuấn – Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Long lo âu.

“Ngành trồng trọt liên tục khuyến khích bà con tăng cường trồng lúa thơm mà lại không có quy hoạch, kế hoạch tiêu thụ, xuất khẩu cụ thể nên dẫn tới tình trạng xô qua, đẩy lại giữa ngành chức năng và doanh nghiệp như vừa qua” - PGS-TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam cũng khẳng định.

Ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang cũng cho rằng, Bộ NNPTNT khuyến cáo nông dân trồng lúa thơm Jasmine để xây dựng thương hiệu nhưng đến vụ thu hoạch không ai mua khiến Sở không biết phải giải thích như thế nào với các huyện.

“Đừng đổ lỗi cho nông dân”

Trước việc nhiều doanh nghiệp cho rằng do nông dân phát triển lúa thơm nhiều, chất lượng thấp nên giá thu mua thấp, nhiều chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, không nên đổ lỗi cho nông dân. Theo ông Lê Tuấn, một nguyên nhân khiến lúa thơm Việt Nam không xuất khẩu được với giá tốt là tỷ lệ lẫn lộn lúa thường trong lúa thơm hiện tại rất cao, từ 20 – 30%.

Tuy nhiên, PGS-TS Bùi Chí Bửu lại cho rằng, rất khó có chuyện lúa thơm bị lẫn đến 30% vì nông dân trồng xen lúa thơm với lúa thường dẫn tới thụ phấn chéo. Lúa là loại cây trồng thụ phấn kín, tỷ lệ thụ phấn chéo tối đa chỉ 2%. “Có trách thì trách nông dân không dùng giống xác nhận thay vì sử dụng giống lúa tự sản xuất. Tỷ lệ lẫn dù chỉ 2% nhưng sau mùa vụ, giống lúa sẽ giảm đi rất nhiều dẫn tới tình trạng sản phẩm gạo thơm chất lượng kém” - ông Bửu nói.

“Trong vụ đông xuân 2012 – 2013 có 30- 35% diện tích xuống giống là lúa thơm. Cục cũng khuyến khích bà con tăng cường diện tích các giống lúa thơm trong vụ hè thu sắp tới”.

Theo ông Bửu, gene quy định tính thơm của các giống lúa thơm là gene lặn, rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường nên không phải thổ nhưỡng nào cũng trồng được lúa thơm. Những vùng thời tiết khắc nghiệt như ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Gò Công (Tiền Giang) thì lúa tạo ra sẽ không thơm do gene lặn này không biểu hiện được.

“Đến thời điểm hiện tại, chưa có kết quả nghiên cứu nào xác định được chính xác rằng ở môi trường nào thì gene lặn quy định tính thơm của lúa biểu hiện nên không thể huy động nông dân trồng lúa thơm một cách rộng rãi” - ông Bửu cho biết.

PGS - TS Lưu Thanh Đức Hải – Phó Trưởng khoa Kinh tế - quản trị kinh doanh (Trường Đại học Cần Thơ) cũng nhận xét rằng, trong 10 năm qua, việc quảng bá, nghiên cứu cung - cầu cũng như tiếp thị, tạo dấu ấn thương hiệu lúa gạo Việt Nam... của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước chưa được đầu tư đúng mức, nếu có cũng rất rời rạc, chưa đủ tầm.

Đặc biệt, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với người nông dân chưa có gì, trong khi người trồng lúa cứ liên tục chạy đua tăng sản lượng, chạy theo thị trường dẫn tới tình trạng ùn ứ sản phẩm, cung vượt cầu, giá thấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem