Quá trình trục vớt MH370 dưới đáy Ấn Độ Dương tiến hành ra sao?

Thứ ba, ngày 25/03/2014 07:38 AM (GMT+7)
Tối 24.3, Thủ tướng Malaysia chính thức tuyên bố máy bay mất tích MH370 đã bị rơi xuống phía nam Ấn Độ Dương. Nếu đúng vậy thì việc trục vớt xác máy bay sẽ được tiến hành ra sao?
Bình luận 0
Khoanh vùng vị trí gặp nạn

Hiện các máy bay cùng tàu biển đang tiến hành tiếp cận hai vật thể lớn được cho là mảnh vỡ của máy bay mất tích MH370 của Malaysia do vệ tinh chụp lại ở phía nam Ấn Độ Dương.

Giả sử hai vật thể này sau đó được xác định là thuộc về máy bay Boeing 777 bị rơi thì trước hết nó sẽ được kiểm tra xem có dấu hiệu gì về một vụ nổ máy bay hay không. Điều đó có thể giúp thu hẹp vị trí chính xác xảy ra tai nạn và nhất là nơi có thể có hộp đen ghi lại thông tin chuyến bay.

img
Mảnh vỡ được xác định có thể thu hẹp phạm vi xác định máy bay rơi

“Một khi các mảnh vỡ được xác định, thì những vị trí và thời gian của bất kỳ mảnh vỡ nào trong số được tìm thấy sẽ là những đầu mối quan trọng để sử dụng xác định vị trí của chiếc máy bay chính xác gặp nạn”, ông David Mearns, Giám đốc Công ty Cứu hộ Blue Warter nói với hãng tin BBC.

Thế nhưng ông David Mearns cảnh báo rằng, trong trường hợp máy bay MH370 thì việc xác định đúng vị trí gặp nạn sẽ rất khó khăn. Bởi vì các mảnh vỡ nổi lên và trôi xa ở khoảng cách rất lớn do tác động của gió và dòng chảy.

>> "MH370 đâm xuống Ấn Độ Dương do phi công tự sát"

Ngay cả khi các nhà khoa học sử dụng mô hình máy tính và toán học để tính toán sức gió và tốc độ dòng chảy để tính khoảng cách tương đối vật thể trôi thì vùng tìm kiếm vẫn là một khoảng rộng khổng lồ.

Nhanh chóng tìm tín hiệu hộp đen

Trong khi vùng biển nam Ấn Độ Dương có gió, bão và sóng lớn có thể khiến các mảnh vỡ trôi dạt quá xa vị trí ban đầu thì điều hy vọng nhất trong lúc này là phải nỗ lực tập trung phát hiện các tín hiệu âm thanh đang được phát ra từ máy ghi âm hộp đen của máy bay.

Theo ông David Mearns cho biết, hộp đen này có tuổi thọ thường tới 30 ngày, đôi khi ít hơn hoặc nhiều hơn. Nhưng nếu có thể nhận biết được tín hiệu phát ra từ nó thì đó chính là cơ hội tốt nhất để tìm kiếm ra đống đổ nát của chiếc máy bay dưới lòng đại dương.

img
Công việc trục vớt MH370 có thể còn khó khăn hơn vụ Air France 447

Tuy nhiên, nếu sau khi các tín hiệu từ hộp đen tắt lịm thì việc tìm kiếm máy bay mất tích trên biển sẽ càng trở nên khó khăn hơn gấp bội. Thậm chí trong trường hợp máy bay MH370 còn khó hơn cả việc tìm kiếm máy bay Airbus 447 của Air France bị rơi xuống Đại Tây Dương vào năm 2009.

”Không giống như chuyến bay MH370, máy bay Airbus 447 của Air France đã xác định được vị trí rơi cho phép các cơ quan chỉ đạo các đội tìm kiếm dù các hộp đen không được nghe thấy tín hiệu. Nhưng cũng phải mất 5 ngày mới xác định được vị trí của các đống đổ nát”, chuyên gia David Gallo từ Viện Hải dương học Woods Hole ở Mỹ nói.

Việc tìm ra hộp đen không chỉ giúp xác định được vị trí của máy bay bị rơi mà những dữ liệu được ghi lại trong hộp đen này có thể đem lại các thông tin xác định được nguyên nhân của máy bay gặp nạn.

Đưa tàu quét sonar và robot trục vớt

Nếu trường hợp không ghi được tín hiệu từ hộp đen thì các nhà tìm kiếm sẽ tiến hành khoanh vùng phạm vi dựa vào tàu quét sonar để lập bản đồ đáy biển và tìm kiếm đống đổ nát.

Sau khi xác định được bán kính khu vực động đổ nát, các robot gồm cả hai loại tự động (AUV) và robot điều khiển từ xa (ROV) sẽ được thả lặn xuống nước để xác định và trục vớt các mảnh vỡ của máy bay.

Việc sử dụng tàu trang bị sonar để quét đáy biển đã chứng minh hiệu quả trong việc tìm kiếm đống đổ nát của máy bay Boeing 747-237B Air India vào năm 1985 tại biển Ailen ở độ sâu 7000 feet. Nhờ có thiết bị sonar đã phát hiện ra ánh xạ bên dưới đại dương nơi có các mảnh vỡ máy bay. Sau đó vài tuần, hộp đen cũng được tìm thấy và xác định được nguyên nhân máy bay rơi do bị khủng bố.

img
Hộp đen sẽ giúp xác định vị trí rơi và nguyên nhân rơi máy bay MH370

Còn trong vụ tai nạn thảm khốc máy bay Airbus 447 của Air France, chính việc sử dụng robot lặn điều khiển từ xa loại Remora 6000 (một trong những loại robot giống với robot tìm kiếm tàu Titanic) đã hỗ trợ lấy các mảnh vỡ của chiếc A330 từ độ sâu gần 13.000 feet ở Đại Tây Dương ngoài khơi Brazil vào năm 2011.

Trong một số trường hợp cho phép về độ sâu và thời tiết, các nhà tìm kiếm cũng có thể cử các thợ lặn xuống tham gia vào việc trục vớt các mảnh vỡ của máy bay.

Các thi thể nạn nhân được tìm thấy trong vụ tai nạn sau đó sẽ được xác định danh tính bằng kiểm tra vết vân tay hoặc xác định ADN thông qua răng hoặc xương.

>> Vụ máy bay MH370: Nỗi đau đớn tột cùng của thân nhân

Đến nay, tuy được phía các nhà chức trách Malaysia thông báo máy bay đã được xác định rơi xuống phía nam Ấn Độ Dương nhưng kết quả xác định chính xác thì vẫn còn chờ đợi. Việc trục vớt ở đây cũng được dự đoán sẽ rất khó khăn vì vùng biển này không chỉ gập gềnh về đáy mà còn có sóng và gió dữ dội.

Công việc tìm kiếm và trục vớt có thể kéo dài không kém thời gian 2 năm giống với vụ máy bay của Air France 447 và số tiền chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu USD.

Ngày hôm nay (25.3), hải quân Mỹ đã điều một đội chuyên gia cùng thiết bị dò tìm hộp đen hiện đại Bluefin 21 tới vùng biển Nam Ấn Độ dương mà vệ tinh phát hiện nhiều mảnh vỡ ngoài khơi Australia.

Phía Mỹ tiết lộ, thiết bị dò tìm tự động Bluefin 21 có khả năng hoạt động dưới độ sâu lên tới 20.000 ft (6.060 m), trong khi khu vực dò tìm của các thiết bị hiện tại chỉ sâu khoảng 3.000-4000m.

Thiết bị này có hình dáng như một quả ngư lôi, có thể thu về hình ảnh có độ phân giải cao và hoạt động trong khoảng thời gian lên tới 25 giờ dưới đáy đại dương và di chuyển với tốc độ 4,5 hải lý/giờ.

Minh Nhân (tổng hợp) (Minh Nhân (tổng hợp))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem