Món ăn mang hương vị đặc trưng khiến thực khách lần đầu nếm thử đã bị "xiêu lòng"
Kiều Anh (tổng hợp)
Thứ năm, ngày 15/08/2024 19:00 PM (GMT+7)
Bánh gai xứ Dừa có sự kết hợp và hòa quyện độc đáo của hương thơm lá gai, vị ngọt của dừa và sự bùi béo của đậu xanh. Tất cả tạo nên một món ăn dân dã có hương vị vô cùng đặc biệt.
Ngất ngây với món ăn có hương vị đặc trưng khiến thực khách "xiêu lòng" ngay từ lần đầu nếm thử
Một hành trình du lịch trọn vẹn là khi ta cảm thấy vương vấn bởi hương vị đặc trưng của những thức quà đặc sản nơi ta đi qua. Với một tỉnh đặc biệt như Nghệ An - vùng đất sinh nhân tài cho đất nước, lại sở hữu nhiều địa điểm du lịch và chắc hẳn nền ẩm thực cũng sẽ vô cùng độc đáo.
Tuy đặc sản Nghệ An không vương giả, sang trọng, mà chỉ là món ăn dân dã nhưng lại mang đến những hương vị khó nơi nào có được. Trong đó phải kể đến món bánh gai xứ Dừa - một đặc sản nổi tiếng từ lâu đời ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn.
Quán ăn ngon cho khách du lịch ở Nghệ An: Bánh gai xứ Dừa có nét đặc trưng là được gói theo hình khối tam giác, không dễ lẫn với các thứ bánh đến từ khắp mọi miền.
Khởi nguồn là món ăn dân dã, theo dòng thời gian, bánh gai xứ Dừa, thuộc xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) trở thành món ăn đặc sản, được đưa đến mọi miền đất nước.
Bánh gai xứ Dừa được chế biến từ những nguyên liệu hết sức gần gũi, gồm bột nếp, lá gai, đậu xanh, cùi dừa và đường kính. Tất cả đều có sẵn ở miền quê trung du đầy nắng gió. Bột nếp được xay từ thứ nếp dẻo, thơm, được người nông dân dày công chăm sóc. Bột nếp được xay mịn, hòa với nước và nhào thật nhuyễn, rồi trộn với nước lá gai.
Cây gai mọc nhiều ở chân dãy núi đá chạy dọc theo địa bàn của xứ Dừa. Gần đây, khi bánh gai trở thành sản vật được người dân khắp nơi ưa chuộng, cây gai trên núi không đủ cung cấp lá, người dân mang cây về trồng trong vườn và trên bãi đất màu để đáp ứng nhu cầu. Lá gai được hái về giã lấy nước rồi nấu lên và trộn với bột nếp đã được xay nhuyễn.
Từ màu trắng, khi được trộn với nước lá gai và lượng đường kính vừa đủ, bột nếp trở thành màu đen. Người làm bánh sẽ vò bột thành khối hình tròn, đậu xanh giã dập, luộc chín và cùi dừa xắt nhỏ được trộn vào làm nhân bánh.
Sau khi lá chuối đã khô thì người ta xẻ ra thành từng miếng rộng khoảng 6-8cm cho công đoạn gói bánh.
Lấy lá chuối trải ra sau đó phủ một lớp bột lên để khi bỏ bánh không bị dính. Trải bánh lên mặt lá chuối và dàn bánh tròn. Sau đó bỏ phần nhân đậu xanh dừa thơm ngon vào và bắt đầu cuốn hình tam giác. gấp hai mặt bánh vào với nhau và buột chặt bằng lạt mềm. Thế là cực kì đơn giản bạn đã làm được một chiếc bánh. Theo thời gian khi làm quen tay thì chiếc bánh sẽ trở nên đẹp mắt, thẩm mỹ hơn.
Sau khi gói xong mẻ bánh thì sang công đoạn luộc bánh. Bánh được đặt vào để hấp cách thủy. Hoàn toàn khác với cách luộc bánh chưng hay bánh lọc sẽ trực tiếp luộc trong nước, bánh gai sẽ được xếp vào cái vửng lớn để hông trên bếp củi. Mỗi lần hông sẽ khoảng một tiếng rưỡi. Không được để quá lâu bánh dễ xém và lá bị vàng không đẹp mắt.
Về hình dáng, bánh gai xứ Dừa có nét đặc trưng là được gói theo hình khối tam giác. Khi cặp bánh khối tam giác buộc vào nhau bằng vòng dây chun sẽ trở thành khối hình vuông vừa tay cầm, kiểu dáng xinh xinh và giàu tính thẩm mỹ. Với đặc trưng về hình dáng, khi có mặt ở trong Nam, ngoài Bắc, bánh gai xứ Dừa không dễ lẫn với các thứ bánh đến từ khắp mọi miền.
Bánh gai xứ Dừa là đặc sản nổi tiếng từ lâu đời ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Có dịp chạy dọc theo quốc lộ 7A qua làng bánh gai xứ Dừa, mùi thơm của bánh, của mật mía, lá gai, bột nếp, đỗ xanh... tỏa ra từ các lò hấp bánh đang nghi ngút khói, tạo thành một hương vị đặc trưng, không nơi nào có được.
Theo những người làm bánh ở xứ Dừa, một chiếc bánh đạt yêu cầu, đến được tay người tiêu dùng phải mất khoảng 5 tiếng đồng hồ, và bánh khi thành phẩm phải mịn và có được vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, vị ngọt của mật mía, bùi bùi của đậu xanh và hương vị tự nhiên của lá chuối khô.
Được chế biến từ những thứ gần gũi, thân quen và có phần dân dã, sản vật của xứ Dừa mang đậm hương vị thôn quê. Vị dẻo, thơm của bột nếp hòa cùng vị thơm nồng của lá gai, vị mát lành của đậu xanh, vị thoảng ngọt của đường và phảng phất hương thơm của lá chuối khô. Nghĩa là, ở đây có sự hội tụ hương vị của núi rừng, đồng ruộng, bãi sông và vườn quê để làm nên hương vị của bánh gai xứ Dừa.
Hành khách xuôi, ngược quốc lộ 7A thường dừng chân ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) thưởng thức và mua bánh gai xứ Dừa. Những chiếc bánh nhỏ, xinh xắn được xếp vào túi xách, ngăn hành lý theo khách về với đồng bằng, phố thị hay ngược lên bản mường, rồi vào Nam, ra Bắc làm quà.
Món bánh gai xứ Dừa Nghệ An đã đi sâu vào con tim của hàng trăm ngàn người dân vùng đất này. U mê cái cảm giác được ăn một miếng bánh dẻo mịn, bên trong là nhân đậu xanh ngọt kết hợp với dừa giòn sật sật. Vậy nên nếu có cơ hội đến với vùng đất xứ Nghệ, đừng dại dột mà bỏ qua món ăn này. Bánh gai cũng rất hợp để làm thức quà đặc sản để biếu bạn bè, người thân sau một chuyến du lịch trở về đấy!
Địa chỉ tham khảo:
Du khách có thể mua bánh gai xứ dừa trên những cửa hàng dọc quốc lộ 7A địa phận dốc Dừa, xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.