Quán cà phê với cách gọi đồ cực lạ giữa lòng Thủ đô

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 13/08/2022 09:30 AM (GMT+7)
Tại một quán cà phê nằm trên đường Trung Văn (Hà Nội), khách hàng khi vào quán sẽ được gọi đồ bằng cách dùng cử chỉ tay - hành động của những người khiếm thính. Tại đây, cũng bày bán nhiều sản phẩm do những bạn khiếm thính làm ra, rất lạ mắt.
Bình luận 0

Quán cà phê "lạ" với cách gọi đồ cực "độc" giữa lòng Thủ đô.

Cách gọi đồ cực "độc"

Như mọi ngày, Mai có mặt tại quán lúc 6 giờ 45 phút để sắp xếp, lau dọn bàn ghế cũng như chuẩn bị các nguyên liệu để bắt đầu ca làm việc của mình.

Khi có khách đến, cô nhân viên nhanh nhẹn mang trà ra mời, khẽ cúi lưng chào và đưa khách thực đơn được viết bằng những ngôn ngữ ký hiệu độc đáo.

Đó cũng là công việc mà Trần Ngọc Mai (32 tuổi) đã làm thuần thục trong suốt 4 năm qua kể từ khi Kymviet Cafe (Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - quán cà phê của những người khiếm thính đi vào hoạt động.

Ảnh 3 (7).jpg

Không gian ấm cúng, thân thiện của quán cà phê được nhiều bạn trẻ yêu thích. Ảnh: Minh Ngọc.

Tại đây, không chỉ là có không gian quán cà phê mà còn gộp với xưởng sản xuất đồ thủ công và không gian trưng bày sản phẩm trên diện tích 450m2.

Không phải đồ uống, điểm khác biệt lớn nhất ở quán là trải nghiệm giao tiếp với nhân viên. Khách hàng sẽ được tham khảo thực đơn đồ uống, trên đó in hình các động tác tay để gọi món như cà phê, trà đào, trà dâu... và nóng hoặc đá. 

Ngoài ra, ở đây sẽ có những tấm thẻ ngôn ngữ ký hiệu như "cảm ơn", "xin chào"... để khách dễ dàng giao tiếp.

Ảnh 2 (7).jpg

Nhân viên tại Kymviet Cafe mong muốn khách đến sẽ gọi họ với cái tên "cộng đồng người điếc" thay vì "khiếm thính". Ảnh: Minh Ngọc.

Bạn Nguyễn Vân Anh (20 tuổi) ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội cho biết, dù quán cách khá xa nơi học tập và làm việc nhưng bạn đã là khách quen của quán được 3 tháng nay. 

Vân Anh chia sẻ: “Lần đầu đến với quán có chút bỡ ngỡ nhưng đối với mình đó là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Được các bạn nhân viên hướng dẫn nhiệt tình, mình dần cảm thấy thích thú và thân quen hơn khi có cơ hội được giao tiếp bằng một ngôn ngữ đặc biệt”.

Ngôi nhà của những người khuyết tật

Đồng hành và lên ý tưởng về quán cà phê cho người khiếm thính từ những ngày đầu, bà Nguyễn Thị Đính (57 tuổi) cho biết, phải mất khoảng 1 năm để quán đi vào vận hành được như bây giờ.

“Ngôn ngữ của người khiếm thính đơn giản hơn ngôn ngữ chúng ta sử dụng hàng ngày. Chính vì thế, khi gặp những từ ngữ phức tạp hơn, họ sinh ra tâm lý e ngại, sợ giao tiếp.

Có thể tự tin đứng một mình trong quầy như bây giờ, đó là cả một sự cố gắng của các bạn cũng như chính chúng tôi. Ví dụ như vị trí pha chế, tôi phải đồng hành cùng các bạn trong từng buổi học pha chế tại trung tâm để phiên dịch các loại đồ uống cũng như cách làm".

Hoạt động đúng vào thời điểm dịch bệnh hoành hành, quán cũng gặp nhiều khó khăn về nhân công và chi phí. Tuy nhiên, tất cả nhân viên tại đây đều nỗ lực hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Hơn cả trách nhiệm, nó bắt nguồn từ tình cảm như những người trong gia đình.

Ở đây không chỉ có quán cà phê, mà còn gộp với xưởng sản xuất đồ thủ công từ năm 2013. Trên những bức tường, chiếc bàn, kệ tủ đều trưng bày nhiều sản phẩm thủ công như túi xách, thú nhồi bông, móc khóa với màu sắc đa dạng, đường nét tinh xảo - đều là thành phẩm của những nhân viên ở đây. 

Ảnh 6 (5).jpg

Ảnh 4 (6).jpg

Tất cả sản phẩm được trưng bày đều do những nhân viên “đặc biệt” tại xưởng may Kymviet chế tác. Ảnh: Minh Ngọc.

Ngọc Mai cùng nhiều nhân viên khác gọi đây là “nhà” và gọi anh Phạm Việt Hoài là “bố Hoài”. Hàng ngày, họ làm pha chế, nhân viên bàn hoặc công nhân ở xưởng may. Ngoài làm việc, họ nấu cơm, dùng bữa trưa cùng nhau, những người xa nhà được hỗ trợ thuê phòng trọ.

Đối với bản thân Mai, kỉ niệm đáng nhớ nhất của cô chính là ngày khai trương quán, được phục vụ thật nhiều khách hàng cùng với bố Hoài và anh chị em. 

Bằng ngôn ngữ ký hiệu, Mai vui vẻ tâm sự: “Mỗi ngày làm việc ở đây đều là một ngày vui, vui vì được công nhận rằng mình có thể làm tốt công việc như bao người khác”.

Ảnh 5 (5).jpg

Giờ đây, Mai cùng nhiều nhân viên khác có thể tự tin hướng dẫn khách hàng gọi món hay tính tiền tại quầy. Ảnh: Minh Ngọc.

Trong suốt nhiều năm đồng hành cùng quán, bà Đính được nghe nhiều tâm sự chân thật từ nhân viên. Điều khiến bà vui nhất là họ vui vẻ, hạnh phúc và hài lòng với những gì mình đang làm. 

Tuy nhiên, bà cũng hiểu được rằng, họ luôn tự ti và cảm thấy mình không may mắn. Tất cả những rào cản đó lại xuất phát từ chính tình thương của gia đình và xã hội. 

Vì vậy hãy để cho họ cảm thấy họ không đáng thương hay là gánh nặng bằng cách trao cho họ quyền được lao động, được cống hiến cho xã hội từ những điều nhỏ nhất.

Những nhân viên hy vọng, khách đến đây sẽ gọi họ đúng với cái tên "cộng đồng người điếc" thay vì "khiếm thính". Trong tương lai, Kymviet mong muốn đẩy mạnh phát triển mô hình này để tạo công ăn việc làm ổn định cho đội ngũ nhân viên, đồng thời góp phần nhỏ thay đổi nhận thức của cộng đồng về họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem