Su-24 Nga bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ hay chưa?
Chiến đấu cơ Su-24 (trái) của Nga bị F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ (phải) bắn hạ, bốc cháy và lao nhanh xuống đất.
Theo tuyên bố chính thức từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, các chiến đấu cơ F-16 của nước này đã bắn rơi một máy bay “không xác định” vì xâm phạm không phận phía Nam nước này bất chấp cảnh báo.
Ankara khẳng định, họ đã phát cảnh báo chiếc máy bay ít nhất 10 lần trong 5 phút nhưng phi công đã phớt lờ.
Để chứng tỏ cho tuyên bố của mình, Thổ Nhĩ Kỳ công bố một bản đồ cho thấy, máy bay Nga đã bay vào vùng lãnh thổ hẹp của nước này ở gần biên giới với Syria.
Bản đồ do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ công bố. Dòng kẻ màu lục lam là đường biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Dòng màu đỏ cắt qua đường biên giới là đường bay của chiến đấu cơ Su-24 Nga theo tuyên bố của phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ và NATO sau đó cũng lên tiếng tuyên bố ủng hộ tuyên bố của phía Thổ Nhĩ Kỳ. Một quan chức quân sự Mỹ khẳng định với hãng tin Reuters rằng, máy bay Nga bị bắn rơi vì xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và trước đó Ankara đã phát cảnh báo 10 lần nhưng bị phớt lờ.
“Chúng tôi có thể nghe thấy mọi chuyện đang diễn ra. Các kênh thông tin này là kênh mở”, người phát ngôn quân đội Mỹ tại Iraq, Đại tá Steven Warren tuyên bố.
Còn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, thông tin mà phía Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp "phù hợp" với những đánh giá của một số nước đồng minh trong suốt ngày hôm qua.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ mọi tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ và công bố một bản đồ cho thấy, Su-24 chưa từng bay vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và đã bị bắn rơi khi đang bay trên không phận Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4 km. Ankara cũng không cảnh báo trước máy bay Nga.
Ngược lại, theo Bộ Quốc phòng Nga, chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bay vào không phận Syria để bắn hạ Su-24 của Nga.
Bản đồ do Bộ Quốc phòng Nga công bố. Đường màu đỏ đại diện cho đường bay của Su-24 theo tuyên bố của phía Nga. Đường màu xanh là đường bay của F-16 Thổ Nhĩ Kỳ.
Toan tính đằng sau vụ bắn hạ Su-24 Nga
Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng của Hội đồng Liên bang Nga ông Franz Klintsevich cáo buộc, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm hạ uy tín của quân đội Nga, và hành động trên được NATO ngầm ủng hộ.
“Tôi xem sự kiện này là hành vi khiêu khích đặc biệt. Liên minh NATO có liên quan đến việc này. Họ (NATO) sợ Không quân Nga chiến thắng ở Syria. Do đó, họ cố gắng hạ uy tín của Nga”, ông Klintsevich nhấn mạnh.
Bản đồ do New York Times đồ họa: Vạch màu đỏ là đường bay của chiếc Su-24 theo tuyên bố của Nga, trong khi vạch màu tím là đường bay của Su-24 theo tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn Giáo sư Mark Galeotti, một chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học New York bình luận, có thể việc Nga tiến hành không kích các phiến quân người Turkmen Syria ở khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã khiến Ankara tức giận, và quyết định trả đũa khi phi công Nga bay vào không phận nước này.
Người Turkmen Syria được cho là có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara công khai ủng hộ nhóm phiến quân người Turkmen vốn đang chiến đấu chống lại chế độ Tổng thống Assad.
Bắn hạ Su-24 Nga, Thổ Nhĩ Kỳ phạm sai lầm nghiêm trọng?
Theo RT, cả Nga lẫn liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu (trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ) đều đang tiến hành chiến dịch không kích riêng nhằm tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuy nhiên, liên minh quân sự này đang đối xử với Nga thậm chí còn tồi tệ hơn so với các chiến binh khủng bố.
Theo đó, khi liên quân Mỹ nhắm mục tiêu tấn công diệt các tàu chở dầu của IS cuối tuần qua, họ đã gửi cảnh báo trước cho các chiến binh khủng bố và cho chúng 45 phút để chạy khỏi các vị trí sắp bị ném bom. Các máy bay của liên quân cất cánh từ một căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã thả tờ rơi cảnh báo các tài xế IS đang chở lậu “vàng đen” đi tiêu thụ nhanh chóng tìm nơi trú ẩn.
“Hãy ra khỏi xe tải của các người ngay và chạy thật xa. Cảnh báo: Các cuộc không kích sắp diễn ra. Xe tải chở dầu sẽ bị ném bom. Tránh xa các xe tải chở dầu của các người ngay lập tức. Đừng cố mạo hiểm!”, các tờ rơi cảnh báo IS viết.
Tuy nhiên, máy bay Nga Su-24 của Nga đã không được trao cơ hội như thế. Theo một số chuyên gia phân tích, xem xét dữ liệu mà cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Nga đưa ra, dường như ít có khả năng Su-24 đã được cảnh báo 10 lần trước khi bị bắn hạ - thậm chí kể cả trong trường hợp Su-24 đã bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Phía Nga tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ đã không phát cảnh báo máy bay Su-24 của nước này trước khi bắn hạ nó.
Ông Anatoly Kapustin, một chuyên gia về pháp lý bình luận trên hãng tin RIA Novosti rằng, việc bắn hạ một máy bay vì nghi ngờ nó vi phạm không phận là một biện pháp ngăn chặn cực kỳ cực đoan và khiêu khích.
Theo ông Anatoly Kapustin, các hành vi vi phạm không phận xuất hiện tương đối phổ biến và trong trường hợp này, quy trình giải quyết, theo quy ước và pháp luật quốc tế sẽ là, các bên liên lạc với nhau, xác minh tình huống và dữ liệu, kết luận lỗi thuộc về bên nào và ở mức độ nào thì phải bồi thường thiệt hại…
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn với hãng tin Fox News, cựu Phó Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Trung tướng Tom McInerney cũng nhấn mạnh: “Chiếc máy bay đó (Su-24) không có bất cứ động thái đe dọa tấn công nào. Nó có thể bay quá giới hạn. Nhưng không thể chỉ vì thế mà bắn hạ nó”.
Trung tướng Mỹ nhấn mạnh, việc bắn hạ máy bay Nga của Thổ Nhĩ Kỳ là “sai lầm cực kỳ nghiêm trọng và phản ánh một cách hành xử thô bạo”.
Ngoài ra, hồi tháng 6.2012, khi Syria bắn rơi máy bay Phantom F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ vì vi phạm không phận nước này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng mạnh mẽ phản đối và gay gắt tuyên bố: “Kể cả nếu chiếc máy bay (của Thổ Nhĩ Kỳ) có bay vào không phận của họ (Syria) trong vài giây, đó cũng không phải là lý do để bắn hạ nó”.
Lần này, có vẻ ông Recep Tayyip Erdogan đã quên lời tuyên bố trên của mình và quyết định bắn hạ Su-24 của Nga mà Ankara tuyên bố là đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong vài giây, kể cả khi máy bay này không gây ra mối đe dọa nào.
“Rõ ràng, chiếc máy bay đó không hề gây hấn. Nhưng nó đã bị bắn hạ”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.