Quản lý an toàn thực phẩm tại Mỹ: Thành công từ “cỗ máy” FSMA

Thứ sáu, ngày 26/10/2012 10:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong nhiều năm qua, việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đã trở thành vấn đề được ưu tiên hàng đầu ở Mỹ. Vấn đề này không chỉ mang lại sự an toàn cho sức khỏe của người dân, mà còn tiết kiệm đáng kể cho ngành y tế.
Bình luận 0

“Cỗ máy” soi thực phẩm

Một trong những dấu mốc thành công của công tác quản lý ATTP ở Mỹ là đưa Đạo luật Hiện đại hóa ATTP (FSMA) vào thực tế. Đạo luật FSMA được ký từ tháng 1.2011 là một cách tiếp cận có hệ thống trong hoạt động quản lý ATTP do giới khoa học, ngành công nghiệp thực phẩm và nhà nước thiết lập trong suốt 2 thập kỷ qua.

Nói cách khác, FSMA là “cỗ máy” soi thực phẩm kỹ càng và thắt chặt hơn. FSMA tập trung vào việc xây dựng các biện pháp phòng ngừa đối với toàn bộ dây chuyền thực phẩm, từ trang trại đến bàn ăn, thay vì chỉ đi giải quyết sự cố khi có các vụ việc vi phạm ATTP như thông thường.

img
Thanh long Việt Nam khi xuất khẩu vào Mỹ cũng phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Đạo luật FSMA.

Tiêu chuẩn “từ trang trại đến bàn ăn”- cách tiếp cận mang tính phòng ngừa trong đạo luật đã cho thấy sự đồng thuận dựa trên cơ sở khoa học và quản lý đối với việc làm thế nào để tăng cường hệ thống kiểm soát ATTP. Đạo luật FSMA dựa trên nỗ lực hiện đại hóa hệ thống quản lý ATTP được áp dụng từ những năm 1980.

FSMA đặt ra một số nguyên tắc nhất định như: Yêu cầu nhà sản xuất phải phân tích mối nguy ATTP và áp dụng các biện pháp kiểm soát phòng ngừa mối nguy; Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) là cơ quan có trách nhiệm thu hồi với năng lực tiếp cận cộng đồng rộng rãi hơn. FSMA cũng quy định việc tăng cường hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Cải thiện việc kiểm soát bệnh dịch và sử dụng các kết quả đánh giá mối nguy dựa trên cơ sở khoa học để đặt mục tiêu cho hoạt động thanh tra của FDA.

Tiết kiệm 1 tỷ USD

Ngoài ra, Mỹ cũng quản lý ATTP bằng cách thắt chặt các hoạt động kiểm tra hàng nhập khẩu. Chính vì vậy, các mặt hàng nông, thủy sản từ các nước thường coi thị trường Mỹ là cửa ải khó lọt vào nhất.

Hàng năm, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng gửi cho các nhà nhập khẩu và xuất khẩu bảng danh mục các hóa chất thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trên rau. Trong đó, quy định loại hóa chất nào được phép sử dụng trên rau ăn lá, rau ăn củ và ăn quả. Thời gian cách ly sử dụng thuốc này lên trên sản phẩm nông sản của từng loại. Cứ thế nhà sản xuất dựa vào danh mục đó để sử dụng thuốc sao cho hợp lý. Bộ Nông nghiệp Mỹ chỉ cần kiểm tra ngẫu nhiên lô hàng nhập khẩu, thường là cứ 3 tháng một lần. Nếu bất kỳ lô hàng nào vi phạm thì doanh nghiệp xuất khẩu đó sẽ bị cấm vĩnh viễn.

Đạo luật FSMA cũng áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất tại trại nuôi; tổ chức lại hệ thống thanh tra an toàn chất lượng thực phẩm thông qua chứng nhận của bên thứ 3 và kiểm tra của lĩnh vực tư nhân dưới sự kiểm soát của FDA đối với các công ty thực phẩm nước ngoài…

FDA cũng đang phát triển một hệ thống dò tìm các kiện hàng thực phẩm có nguy cơ nhất và bắt đầu cử thanh tra viên giám sát các cơ sở sản xuất. Cơ quan này cũng thành lập các văn phòng ở Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu nhằm thiết lập các chuẩn mực tốt hơn và phát triển hệ thống cảnh báo nhanh toàn cầu trong trường hợp tái diễn tình trạng mất an toàn thực phẩm. Theo tính toán, việc áp dụng các quy định mới về an toàn thực phẩm sẽ làm giảm 60% số ca ngộ độc và tiết kiệm cho ngành y tế Mỹ khoảng 1 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem