Quản lý người giúp việc theo Nghị định 27/2014: Chính quyền cũng đang mơ hồ

Thứ tư, ngày 28/05/2014 10:09 AM (GMT+7)
Mặc dù Nghị định số 27/2014 quy định chi tiết một số điều của BLLĐ về người giúp việc gia đình có hiệu lực từ ngày 25.5 với nhiều quy định nhằm bảo đảm quyền lợi cho cả NLĐ và chủ nhà, nhưng theo ghi nhận của PV, nhiều địa phương vẫn còn mơ hồ, chưa biết tới việc này.
Bình luận 0
“Không biết, chưa triển khai”

Theo Nghị định số 27, người sử dụng lao động (chủ nhà) và người GVGĐ phải ký kết hợp đồng và trong thời hạn 10 ngày kể từ sau ngày ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), chủ nhà phải thông báo với UBND xã, phường, thị trấn nơi người giúp việc làm việc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phường Cát Bi (TP.Hải Phòng) là nơi được đánh giá “có khá nhiều người giúp việc”, nhưng theo ông Vũ Duy Phường – Chủ tịch UBND phường, đến nay UBND phường chưa tiếp nhận bất cứ trường hợp nào ra phường đăng ký thực trạng GVGĐ và ký hợp đồng theo quy định. Không chỉ ông Phường, lãnh đạo một số phường như Đông Hải 2, quận Hải An; phường Phù Liễn, quận Kiến An... cũng cho biết, chưa có bất cứ chủ nhà nào ra chính quyền địa phương đăng ký, khai báo việc sử dụng lao động theo quy định hiện hành.

Tại Đà Nẵng, ông Lê Hữu Công – Phó Chủ tịch UBND phường Bình Thuận, quận Hải Châu cũng khẳng định đến thời điểm này, phường vẫn chưa nhận được văn bản chi tiết về các quy định của nghị định và hướng dẫn thực hiện. “Thường, nếu có triển khai áp dụng thực hiện nghị định, quy định gì mới, Sở LĐTBXH sẽ tổ chức cho các cán bộ phường, xã tập huấn cũng như thông báo rất cụ thể. Nhưng với nghị định này, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo nào”. Ông Công cũng bày tỏ băn khoăn vì nghị định ban hành cách đây hơn 1 tháng, đủ thời gian để triển khai tới phường xã nhưng “chưa thấy động tĩnh gì”.

Cùng chung ý kiến với ông Công, trao đổi với phóng viên NTNN chiều 26.5, ông Nguyễn Văn Đào – cán bộ phụ trách văn hoá, xã hội của phường Nam Dương, quận Hải Châu, khẳng định chưa nhận được bất kỳ văn bản hướng dẫn nào về Nghị định 27 này từ cơ quan cấp trên dù đã có nghe qua những quy định mới liên quan đến người GVGĐ.

Mọi việc cần… từ từ

Trước thực tế nghị định có hiệu lực nhưng chưa triển khai, một chuyên gia Bộ LĐTBXH cho rằng, bao giờ cũng có “độ trễ” của văn bản. Hiện còn một số điểm mà các Sở LĐTBXH còn băn khoăn như mẫu HĐLĐ (khác với mẫu hiện nay, vì còn có thêm phần làm chứng của UBND xã, phường); các quy định về đóng BHXH… và đặc biệt là cần phải tuyên truyền cho người lao động và chủ nhà, trước khi triển khai thực hiện.

"Nghị định 27 của Chính phủ mang tính chất khung, Bộ LĐTBXH vừa họp lần cuối để hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này”.

Ông Hoàng Minh Hào

Liên quan tới băn khoăn của nhiều chủ nhà về quy định đóng BHXH cho người GVGĐ, ông Hoàng Minh Hào - Vụ phó Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐTBXH) cho biết, Nghị định 27 không bắt buộc chủ sử dụng phải đóng BHXH cho người lao động. Việc đóng BHXH sẽ dựa trên tinh thần thỏa thuận của cả hai bên. Với quy định hiện hành về BHXH, phương án hợp lý nhất là người GVGĐ sẽ được mua BHXH tự nguyện.

Bà Bùi Thị Vân - nguyên cán bộ Phòng Tư vấn việc làm (chuyên về GVGĐ) tại Trung tâm Dịch vụ việc làm 20.10 của Hà Nội cho biết, những năm 2006-2007, Trung tâm từng đi các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ… tuyển lao động làm GVGĐ, thực hiện đào tạo cơ bản trước khi giới thiệu việc làm. Bà cho biết, thời điểm đó một số trung tâm đã đề cập tới việc ký HĐLĐ, nhưng lại là mẫu ký giữa trung tâm và người giúp việc chứ không ký trực tiếp với chủ nhà. “Thực tế có rất nhiều người GVGĐ đi làm chủ yếu qua sự giới thiệu của người quen, ở nhà họ cũng ít tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng. Khi ở với chủ nhà thì lại cả nể, ngại phức tạp nên ít khi đòi hỏi ký HĐLĐ. Cần có kênh thông tin tới số lao động làm GVGĐ” - bà Vân nói.

Thế nhưng, bà Đặng Thị Kim Liên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm 20.10 cho biết, hiện tại, số người GVGĐ tìm việc qua trung tâm rất ít. Việc thực hiện tuyên truyền cho người GVGĐ về HĐLĐ và các điều kiện liên quan, theo bà Liên thì: “Trung tâm sẽ thực hiện nhưng chưa có hướng dẫn nên chưa có định hướng triển khai. Còn việc muốn ký HĐLĐ hay không thì phụ thuộc vào người GVGĐ”. Về lo ngại “phải tăng lương cho GVGĐ khi đóng BHYT, BHXH”, bà Vân cho rằng điều đó hoàn toàn do thỏa thuận: “Nếu chủ nhà thỏa thuận lương 4 triệu đồng/tháng, thì chỉ cần ghi lương chính thức 3,5 triệu đồng, 500.000 đồng còn lại là mua BHYT, BHXH”.

Tuy nhiên, có một điểm mà nhiều chuyên gia lo ngại là rất ít người GVGĐ được đào tạo bài bản, có kỹ năng làm việc - một điểm quan trọng trong điều khoản của các HĐLĐ. Chính vì thế, nghị định này có lẽ cần rất nhiều thời gian để cho chính người LĐ hiểu được cả quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Xuân Trang - Kim Oanh - Mạnh Thắng - Phạm Thanh (Xuân Trang - Kim Oanh - Mạnh Thắng - Phạm Thanh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem