Sau hai năm dịch bệnh, hầu hết các ngành dịch vụ đều chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí nhiều người “sập tiệm” vì phải đóng cửa hàng loạt các cửa hàng. Tuy nhiên, chị Thuyên – chủ một quán hủ tiếu trong ngõ nhỏ cho biết, cửa hàng của chị may mắn vẫn đảm bảo doanh thu đều.
Quán hủ tiếu của chị Thuyên nằm trong ngõ nhỏ, rộng chừng 20m2
Căn nhà và cũng là quán ăn rộng chừng 20m2 nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Huỳnh Văn Bánh, TP. HCM, chị Thuyên (43 tuổi) – chủ quán hủ tiếu cũng là một bà mẹ đơn thân cho biết, quán hủ tiếu chị mở đã được gần hai năm. Trong quãng thời gian trên, nhiều lần chị nản chí muốn bỏ nghề vì dịch bùng phát, cửa hàng không có doanh thu.
“Nhà chỉ có hai mẹ con, khi con còn đi học tôi có quán hủ tiếu lâu năm ở quê nhà Bến Tre. Nay con gái tôi 24 tuổi, có công việc ổn định ở thành phố, với mong muốn được ở gần con gái nên tôi quyết định lên TP.HCM ở cùng con” – chị Thuyên cho hay.
Kinh nghiệm hơn 30 năm làm hủ tiếu, chị Thuyên nhanh chóng "lấy lòng" thực khách Sài thành
Được biết, trước khi lên sống cùng con, ở quê nhà chị Thuyên có quán hủ tiếu hơn 30 năm – là gia sản cả thời thanh xuân chị gây dựng. Khi lên thành phố, vì “ngứa nghề” chị quyết định tiếp tục mở quán bán hủ tiếu. “Nhà rộng chừng 20m2, mình thuê với giá 7 triệu đồng/tháng. Là nơi ở của hai mẹ con, mình tận dụng mở quán luôn” – chị nói.
Điều trớ trêu, chị “khởi nghiệp” đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước nên quán ăn liên tiếp phải đóng cửa trong thời gian dài, nếu được mở cửa thì cũng thưa vắng khách.
Chị Thuyên cho hay: “Mình chỉ nghĩ đơn giản là nấu ăn ngon thì khách sẽ tìm tới, nhưng vì quán nằm trong ngõ nhỏ chưa nhiều người biết, lại dịch dã triền miên nên suốt nhiều tuần đầu quán trong tình trạng thưa vắng khách”.
Nhờ ứng dụng các app bán hàng, mỗi ngày quán nhỏ của chị bán tới 200 phần
Trong những ngày dịch kéo dài, lại thấy con gái thường xuyên mua hàng online rất tiện lợi, chị Thuyên đã chủ động tìm hiểu đồng thời nhờ con gái hỗ trợ đăng tải hình ảnh, thông tin địa chỉ và các món ăn của quán lên các trang mạng xã hội và các ứng dụng bán hàng công nghệ, như Facebook, GoFood, Shopee Food,... Chị bất ngờ khi các đơn hàng đến từ những người khách xa lạ và tăng lên mỗi ngày từ 50 phần, lên 100 phần và 200 phần, thậm chí nhiều hôm quán hết hàng khá sớm vì có nhiều đơn đặt hàng. Nhiều khách dù không biết mặt, nhưng đã ăn quen nên thường xuyên đặt món từ quán chị làm, việc buôn bán của quán nhanh chóng khởi sắc.
“Nhờ sử dụng các app bán hàng, đơn hàng đã tăng lên rất nhiều, quán cũng được người dân ở các quận khác biết tới. Tôi thực sự bất ngờ vì điều này, 90% doanh thu của quán đều là nhờ giao hàng qua các ứng dụng bán hàng online. Thời đại công nghệ, phải học theo xu hướng mới thích nghi được. Nếu vẫn bán theo kiểu truyền thống, ngồi chờ khách tới thì thua luôn, đặc biệt là sau những ngày dịch vừa qua.”, chị cho biết.
Để níu chân khách, chị Thuyên lắng nghe phản hồi từ khách, thay đổi khẩu vị sao cho phù hợp với người ăn. Ngoài hủ tiếu, quán cũng bán thêm các món bún thịt xào, chân gà quai vạc,... nhưng khách chuộng nhất món hủ tiếu khô thập cẩm. Chị Thuyên tiết lộ hầu hết các nguyên liệu chính, từ sợi hủ tiếu đến thịt đều được gửi từ quê nhà Bến Tre lên, được chế biến theo công thức riêng nên hương vị món ăn của quán không giống với bất kỳ đâu. Rau ăn kèm chị cũng cẩn thận lựa chọn nguồn nguyên liệu để đảm bảo an toàn và tươi ngon. Cách pha nước chấm cũng là bí quyết riêng giúp chị giữ chân khách.
Chia sẻ với phóng viên trong những ngày cuối năm, chị Thuyên tâm sự: “Nhờ kịp thời chuyển hướng sang bán hàng qua các kênh online mà quán hủ tiếu của chị mới có thể trụ được qua nhiều mùa dịch. Thời gian tới, tôi dự định mở thêm 2 quán ở các quận khác và tiếp tục sử dụng các ứng dụng bán hàng online để phát triển việc kinh doanh. Tất nhiên, để có khách hàng từ kênh online thì cũng cần chi phí nhưng đỡ áp lực hơn nhiều chi phí thuê mặt bằng phố lớn. Cứ đảm bảo được chất lượng, uy tín thì sẽ có khách hàng tìm đến”...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.